Thời sự - Bình luận

Ba trụ cột cho trung tâm xử lý tin giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Không cần phải bàn thêm điều gì về ý nghĩa của những nỗ lực đấu tranh phòng chống tin giả, ứng phó tình trạng rối loạn thông tin (information disorder) trên môi trường internet hiện nay. Nhưng cuộc chiến dài hơi và đầy khó khăn này rất cần những giải pháp tổng hợp, đồng bộ và nhất quán.

Nếu nhìn vấn đề từ góc độ trách nhiệm của ngành chức năng thì sẽ thấy còn có rất nhiều đầu việc cần chính quyền các cấp từ T.Ư đến địa phương, từ bộ máy lập pháp đến hành pháp, tư pháp đều phải cùng nhau hành động mạnh mẽ hơn. Để mà nhanh chóng "vá" các "lỗ hổng" pháp luật trong thực tiễn kiểm soát môi trường internet, giúp gia tăng hiệu lực của các công cụ pháp luật trong việc ngăn chặn, chế tài những trường hợp cố tình lợi dụng sự thuận tiện của internet và sự hỗ trợ của công nghệ số để làm hại người khác, gây hại cho cộng đồng. Ngoài ra, còn để hỗ trợ công dân ứng phó đúng cách với tin giả, với rối loạn thông tin, không dễ dàng trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo thông tin.

Đến nay có thể tổng kết 4 cách tiếp cận chiến lược để thiết lập hàng rào kiểm soát nhằm bảo vệ tốt hơn sự an lành của người dân, của cộng đồng trong "bão táp" rối loạn thông tin hiện nay. Một là chiến lược dựa vào hỗ trợ của công nghệ, chẳng hạn sử dụng phần mềm, trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ nhận biết hình ảnh giả mạo.

Hai là chiến lược "tự quản lý" (self-regulation), tức là các nền tảng ứng dụng tự đưa ra các quy tắc kiểm soát để ngăn chặn những hành vi, nội dung vi phạm quy tắc hoặc yêu cầu giải trình đối với những nội dung có dấu hiệu vi phạm.

Ba là chiến lược giáo dục nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin, tin tức (news literacy). Và thứ tư là chiến lược can thiệp trực tiếp của chính quyền, bao gồm ban hành khung luật pháp để điều chỉnh, cung cấp các nguồn tin chính thức để đối chứng, và triển khai các đơn vị chức năng chuyên trách để xử lý tin giả.

Việc TP.HCM lên ý tưởng và nghiên cứu phương án thành lập Trung tâm xử lý tin giả, tin xấu, tin độc hại trên thực tế tuy không phải là chủ trương quá mới mẻ nhưng là chủ trương cần được quan tâm thúc đẩy để trở thành hiện thực sớm hơn. Vấn đề đáng thảo luận hơn là làm thế nào để một đơn vị chuyên trách như thế thật sự phát huy được hiệu quả tác động và hỗ trợ người dân trong cuộc chiến chống tin giả, rối loạn thông tin.

Ở đây có 3 trụ cột cần được thiết lập vững chắc. Một là trụ cột về dữ liệu: làm sao để có thể thường xuyên thu thập và nhận diện kịp thời dữ liệu liên quan đến tin giả và rối loạn thông tin trong "biển cả" internet hiện nay. Hai là trụ cột về năng lực phân tích: làm sao để có thể huy động được sự tham gia phân tích có chiều sâu và đáng tin cậy của các chuyên gia am hiểu về tin giả và rối loạn thông tin. Và trụ cột thứ ba là làm sao có được nguồn lực dài hạn để duy trì thường xuyên, bền vững hoạt động của đơn vị chuyên trách này, tránh tình trạng "chết yểu" vì thiếu hụt nguồn lực hoặc hoạt động "phập phù" theo kiểu lúc thế này lúc thế khác.

Và câu hỏi quan trọng nhất: Vậy thì khi nào TP.HCM sẽ cho ra mắt trung tâm xử lý tin giả?

Có thể bạn quan tâm