Chính trị

Tin tức

Bác bỏ thông tin bịa đặt, xuyên tạc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021), những nội dung quan trọng của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã được đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông tin đến các đại biểu, nhất là các nội dung về dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Theo ông Đinh Duy Vượt-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội tỉnh, tại các buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đã trả lời, giải thích về dự luật này. Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Không ai dại dột trao đất cho người nước ngoài. Đảng, Chính phủ, Quốc hội cũng đã trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân. Vì thế, từ ngày 8-6-2018, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

 

Huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: internet
Huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: internet

Tuy vậy, đến ngày 10-6 vẫn có các đợt kích động biểu tình, xâm nhập, đập phá trụ sở công quyền, đốt tài sản, phương tiện của lực lượng chức năng, cản trở làm ách tắc giao thông, lôi kéo công nhân biểu tình, đình công… Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những hành động trên là hại nước, hại dân, đặc biệt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, trật tự an toàn xã hội, thu hút đầu tư, du lịch… cũng như đời sống của nhân dân. Đó là hành động phá hoại đất nước, cần nghiêm trị thích đáng. Tổng Bí thư cũng mong muốn nhân dân bình tĩnh, tỉnh táo, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không mắc mưu kẻ xấu.

Để làm rõ thêm kết luận trên, ông Đinh Duy Vượt đã tiếp tục thông tin về những điểm mấu chốt liên quan đến dự thảo luật này. Theo đó, việc nghiên cứu xây dựng các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt đã được triển khai từ những năm 90 của thế kỷ trước. Từ các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (tháng 4-2006) cho đến các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nghị quyết Quốc hội cũng nêu rõ việc “xây dựng một số đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”. Gần đây nhất, Thông báo kết luận của Bộ Chính trị ngày 22-3-2017 đã đồng ý cho thành lập 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Tại các điểm này, Nhà nước có chính sách đặc biệt và tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên phát triển của đặc khu; xây dựng các đặc khu theo hướng xanh-tri thức-bền vững; áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, hình thành môi trường sống văn minh, hiện đại, chất lượng cao; bảo đảm quốc phòng-an ninh, an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị-xã hội tại đặc khu.

“Những căn cứ pháp lý như các luật liên quan quy định về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài cùng những quy định chặt chẽ đã khẳng định, minh chứng, bác bỏ sự bịa đặt xuyên tạc cho rằng thông qua luật này là bán đất cho người nước ngoài, rằng người nước ngoài đổ tiền vào để mua hết nhà, hết đất tại các đặc khu rồi coi như đây là lãnh thổ riêng, muốn làm gì trong đó thì làm, chính quyền không biết và không quản lý được. Đây là luận điệu kích động rất nham hiểm mà chúng ta phải hết sức cảnh giác. Luật này sẽ được các cơ quan chức năng của Trung ương, các đại biểu Quốc hội tiếp tục lắng nghe, tiếp thu, cầu thị và hoàn thiện để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau”-ông Đinh Duy Vượt thông tin.

Chia sẻ những quan điểm riêng về vấn đề này bên lề kỳ họp, đại biểu Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính-cho rằng: “Quốc hội lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia nên đã bỏ trường hợp đặc biệt cho thuê đất 99 năm và thực hiện đúng theo quy định Luật Đất đai (không quá 70 năm). Ở đây, giao đất cho các nhà đầu tư nước ngoài là để tận dụng những công nghệ tiên tiến của thế giới. Nếu xây dựng đặc khu trong nước theo kiểu “bế quan tỏa cảng” thì làm sao đất nước có sự phát triển mạnh mẽ? Cũng giống như Gia Lai xúc tiến đầu tư kêu gọi các doanh nghiệp ngoài tỉnh, kêu gọi công nghệ trong nước. Các tỉnh hiện nay thu ngân sách phần lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài”. Theo đại biểu Nguyễn Dũng, đừng cho rằng Trung Quốc sẽ “thôn tính” đặc khu, bởi Chính phủ sẽ có cơ chế ràng buộc, chặt chẽ trong việc lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực, đặc biệt là các nhà đầu tư có công nghệ mới, dự án đầu tư có tính hiệu quả cao và mang đến những nguồn thu cho đất nước.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-cho rằng: Liên quan đến dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có tài liệu tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức và trên các cơ quan thông tin đại chúng. “Một số phần tử xấu lợi dụng lòng yêu nước và sự thiếu hiểu biết của người dân để mập mờ các nội dung trong dự luật, xuyên tạc sự thật nhằm kích động người dân gây rối, biểu tình. Trong khi dự thảo luật chỉ mới nói là cho thuê nhưng phải thông qua biết bao cơ quan chức năng thẩm định và phải có dự án đầu tư đáp ứng các điều kiện quy định, không phải bỗng dưng muốn là thuê được”-đại biểu Nguyễn Ngọc Hùng nhận định.

Minh Dung (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm