Chính trị

Tin tức

Bác Hồ và lời căn dặn 'Viết cho ai, viết để làm gì?'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là người đầu tiên đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi cây bút là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng. Cũng vì hiểu rõ vai trò quan trọng của báo chí trong việc định hướng, phục vụ công tác tư tưởng nên Người dành sự quan tâm rất lớn đối với nghiệp vụ của người làm báo. Các thế hệ nhà báo Việt Nam đến nay vẫn luôn ghi nhớ lời căn dặn của Bác mỗi khi đặt tay lên ngòi bút: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho dễ hiểu?
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa bản in tại Phủ Chủ tịch
Tìm tài liệu phải chịu khó
Trong gần sáu chục năm hoạt động cách mạng, Bác đã viết hàng nghìn bài báo thuộc đủ thể loại, đăng trên nhiều báo trong nước và quốc tế. Khi bàn đến các vấn đề cốt lõi của một tác phẩm báo chí, Người căn dặn các nhà báo: “Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết… Muốn tiến bộ, muốn viết hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác lại nhắc nhở: Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?
Trong “Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý: Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo. Theo Người, giá trị đích thực của mỗi tác phẩm báo chí cách mạng phải có nội dung, tư tưởng đúng đắn, thiết thực đối với người đọc. Bởi vậy, khi đã xác định rõ đối tượng phục vụ thì phải viết sao cho sát đối tượng: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, chiến sỹ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”. Nhưng đối với những tác phẩm báo chí hướng tới người đọc là những học giả và chính khách quốc tế, Bác lại viết một cách uyên bác, lập luận khoa học, chặt chẽ, thuyết phục.
Để viết cho mọi người dễ hiểu, dễ nhớ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và bảo vệ, phát triển tiếng nói của dân tộc. Người căn dặn các nhà báo phải có trách nhiệm đừng để cho tiếng mẹ đẻ của chúng ta mỗi ngày mai một đi. Trước việc một số tác phẩm báo chí sa đà vào cách dùng từ, Bác đã rất thẳng thắn chỉ rõ: “Cái bệnh dùng chữ là phổ biến trong tất cả các ngành. Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái ngược lại, báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó. Cố nhiên, có những chữ không thể dịch được thì ta phải mượn chữ nước ngoài...Hoặc có những chữ nếu dịch ra thì mất cả ý nghĩa, như chữ “độc lập”. Nếu “Việt Nam độc lập” mà nói “Việt Nam đứng một” thì không thể nghe được. Nhưng có những tiếng ta sẵn có, thì tại sao lại dùng chữ nước ngoài. Ví dụ: Vì sao không nói “đường to” mà lại nói “đại lộ”, không nói “người bắn giỏi” mà lại nói “xạ thủ”, không nói “hát múa” mà lại nói “ca vũ”?... Những ví dụ như vậy nhiều lắm, nhiều lắm. Tóm lại, chúng ta dùng chữ nhiều quá, có khi lại còn dùng sai nữa. Mong rằng báo chí cố gắng sửa đổi cái tệ ấy đi. Tiếng nói là một thứ của rất quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó, chớ để bệnh nói chữ lấn át nó đi”.
Đặc biệt, những kinh nghiệm viết báo của Bác Hồ được thể hiện rất rõ trong bài giảng của Người với các cán bộ làm công tác tuyên truyền, báo chí và văn nghệ tại lớp chính Đảng Trung ương, ngày 17/8/1953 (bài giảng có tên là “Cách viết”).
Trong bài giảng này, Bác chỉ ra 5 cách tìm tài liệu để viết: “ Nghe: lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết; Hỏi: hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi; Thấy: mình phải đi đến, xem xét mà thấy; Xem: xem báo chí, xem sách vở, xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài; Ghi: những gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết, có khi xem mấy tờ báo mà chỉ được một tài liệu thôi. Tìm tài liệu cũng như những công tác khác, phải chịu khó”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo năm 1960
Bác còn chỉ rõ: “Phải tránh cái lối viết rau muống, nghĩa là lằng nhằng, tràng giang đại hải, làm cho người xem như là chắt chắt vào rừng xanh”. Tuy nhiên, viết gọn gàng, vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu, có đuôi… Viết chuyện có nhiều ngóc ngách thì phải nắm lấy cái chính, không nên kể con cà con kê.
Nêu cao kỹ năng nghề nghiệp
Viết báo không chỉ lôi cuốn người đọc mà quan trọng là phải có chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, trung thực, “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Bác yêu cầu người viết báo phải có trách nhiệm cao trước nội dung bài báo của mình, không được vội vàng mới nghe qua đã viết, không được chủ quan, suy đoán, mà phải có điều tra, nghiên cứu kỹ. Điều này đòi hỏi những người cầm bút phải nêu cao kỹ năng nghề nghiệp, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không được “uốn cong” ngòi bút vì bất cứ lý do gì. “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội.
Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào, nói thế ấy”- Bác nói. Thực tế cách mạng đã chỉ ra rằng, làm báo cũng là để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Tác phẩm báo chí ngoài đem đến thông tin rõ ràng, chính xác còn phải có tính chiến đấu cao.
Như lời căn cặn của Bác Hồ, những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Đứng trước những luồng thông tin nhiễu loạn, người làm báo - được mệnh danh là tai mắt của nhân dân, là người có trọng trách thông tin định hướng dư luận - phải có trách nhiệm tuyên truyền bảo vệ lợi ích của quốc gia, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; phải vạch trần và làm thất bại mọi âm mưu phá hoại về tư tưởng của kẻ địch, đồng thời quảng bá những thành tựu của công cuộc đổi mới của đất nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, sự đồng thuận xã hội.
Tất nhiên, không riêng nghề báo mà nghề nào cũng có những lúc sai sót, mắc khuyết điểm, nhưng theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta không sợ khuyết điểm, chỉ sợ không biết kiên quyết sửa đổi nó đi và khi sửa cũng phải biết cách và đúng quy định. Trong một lần đến thăm Báo Nhân dân, Bác dặn dò: “Người làm báo phải viết đúng, viết hay. Nếu viết sai, in sai phải đính chính, sai ở trang nào đính chính ở trang đó, không nên đính chính ở trang sau, như người bị nhọ ở mặt lại chùi ở mông thì làm sao mà sạch được”.
Nghề báo đem lại nhiều vinh quang nhưng cũng vô cùng khó khăn, vất vả. Trong xu thế hội nhập mạnh mẽ, báo chí Việt Nam không đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nghề báo càng đứng trước những thách thức mới. Quá trình tìm cách thích ứng với thời cuộc, một số người làm báo đã chịu không ít sức ép, thậm chí cả sự đe dọa tính mạng của bản thân và gia đình. Do không giữ được nhiệt huyết, nhiều nhà báo đã chuyển nghề, một số khác thì làm việc theo kiểu “viết cho đủ định mức” mà thiếu ngọn lửa đam mê và tinh thần trách nhiệm. Nhìn thấu những trắc ẩn này, từ hơn nửa thế kỷ trước, trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959, Bác Hồ đã nhắn nhủ: “Có một số đồng chí tiến bộ, nhưng cũng có một số vì trình độ văn hóa chính trị còn kém thì đâm ra bi quan và muốn đổi làm nghề khác. Họ không biết rằng nghề nào cũng khó,không có nghề nào dễ. Phải có ý chí tự lập, tự cường, kém thì phải cố mà học. Chúng ta phải làm thế nào để vượt được khó khăn, làm tròn nhiệm vụ. Người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn”.
Học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người làm báo không chỉ học ở Bác cách viết, cách dùng từ, lối tư duy làm báo mà còn học cả tinh thần lạc quan để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Với tinh thần lạc quan, những người đang và sẽ chọn nghề báo sẽ có thêm sự tin tưởng và độnglực để cống hiến, làm tròn nhiệm vụ của mình trong sự phát triển và đổi mới của đất nước.

Trong mối quan hệ với nhân dân, Bác luôn đòi hỏi nhà báo phải biết lắng nghe và tôn trọng nhân dân. Người chỉ rõ, nhà báo trước hết là một công dân bình đẳng với tất cả mọi người trước pháp luật, không được phép cho mình đứng cao hơn pháp luật, đứng cao hơn mọi người để phán xét. Trên tinh thần đó, quan điểm của Hồ Chí Minh khi nói đến báo chí “trước hết là nói đến cán bộ báo chí”, họ phải là chiến sĩ trên Mặt trận báo chí.

Vân Anh (PLVN) 

Có thể bạn quan tâm