(GLO)- Đã hơn 1 tháng kể từ ngày khai giảng nhưng học sinh mầm non trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể đi học tập trung vì dịch Covid-19. Để đảm bảo công tác dạy và học, các cơ sở giáo dục mầm non đã chủ động xây dựng nội dung, đồng thời kết nối với phụ huynh cùng chăm sóc, giáo dục trẻ trong thời gian tạm dừng đến trường.
Bên hộp đất nặn đầy màu sắc và 1 chiếc bảng con, cô Lê Thị Hiếu-giáo viên chủ nhiệm lớp mầm 4 (Trường Mầm non Hoa Hồng, phường Hội Thương, TP. Pleiku) tỉ mẩn hướng dẫn cho trẻ cách tạo hình 1 chùm nho. Cạnh bên, một đồng nghiệp dùng điện thoại để quay lại quá trình thực hiện công việc này. Đoạn video clip này sẽ được các cô dựng lại hoàn chỉnh, trình Ban Giám hiệu phê duyệt rồi gửi đến cho trẻ thông qua nhóm Zalo của phụ huynh. Ngoài hoạt động tạo hình, cô Hiếu còn quay clip dạy trẻ đọc thơ, kể chuyện, múa hát, vẽ và một số kỹ năng cần thiết trong mùa dịch. Mỗi ngày, từ 8 giờ đến 8 giờ 30 phút, cô gửi vào nhóm lớp 1 bài học kèm theo yêu cầu. Phụ huynh sẽ mở cho con xem và hướng dẫn bé thực hiện, đồng thời, quay phim hoặc chụp ảnh để “trả bài” cho cô giáo.
“Lớp tôi có 40 trẻ, hầu hết là học sinh mới. Thời gian đầu, sự tương tác giữa giáo viên và phụ huynh còn hạn chế. Sau gần 6 tuần, đôi bên đã dần quen và sự kết nối đạt hiệu quả hơn. Phụ huynh đã chủ động liên hệ với cô giáo. Các bé thì rất hứng thú, thậm chí trông chờ clip của cô để xem và thực hiện mỗi ngày”-cô Hiếu chia sẻ.
Cô Lê Thị Hiếu-giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) cùng đồng nghiệp thực hiện video clip hướng dẫn trẻ tạo hình bằng đất nặn. Ảnh: Mộc Trà |
Bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:Sở yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục xây dựng video, audio các hoạt động hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non; hướng dẫn làm đồ dùng, đồ chơi, học liệu; những bài hát, bản nhạc, thơ, truyện, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ... đảm bảo hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục mầm non và đặc điểm địa phương để hỗ trợ phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình. Cùng với đó, lựa chọn, thẩm định những video, audio đã sử dụng tại trường để xây dựng thành kho tài liệu, học liệu trực tuyến nhằm hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên mầm non và cha mẹ trẻ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, rồi chia sẻ trong toàn tỉnh. |
Chị Hồ Thị Thúy Hà (tổ 5, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) bày tỏ: “Con trai tôi năm nay hơn 3 tuổi. Dù chưa đến trường ngày nào nhưng bé rất hào hứng khi được mẹ mở cho xem những clip mà cô giáo gửi. Gần như cháu đều thuộc tất cả bài hát, bài thơ, nhớ được cốt truyện và một số hoạt động kỹ năng. Tôi thấy an tâm vì con vẫn được vui chơi, học tập những điều bổ ích trong những ngày dịch bệnh”.
Theo cô Trần Thị Thủy-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, năm học 2021-2022, toàn trường có 22 nhóm lớp với 880 học sinh. Từ ngày 1-9, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên tạo nhóm Zalo phụ huynh để giúp trẻ làm quen với trường lớp và các cô. Mặt khác, tiếp tục tuyên truyền trên trang Facebook của trường về cẩm nang giáo dục mầm non; chăm sóc sức khỏe cho trẻ suy dinh dưỡng, béo phì; hướng dẫn cách phòng-chống dịch Covid-19.
“Nhà trường đã thành lập tổ quay, dựng video clip nhằm chuyển tải hình ảnh về ngày hội đến trường, Trung thu của bé, sơ đồ tổ chức trường... tới phụ huynh và trẻ. Căn cứ vào kế hoạch và các chủ đề trong năm học, giáo viên phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà thông qua các video tự quay hoặc tranh ảnh. Hoạt động dù đơn giản nhưng vẫn có sự đầu tư về nội dung và hình thức, đảm bảo 4 lĩnh vực ở đối tượng nhà trẻ và 5 lĩnh vực ở đối tượng mẫu giáo. Riêng trẻ 5 tuổi, giáo viên lựa chọn nội dung cốt lõi, cần thiết và chú trọng việc nhận dạng chữ cái, số, tập tô nét chữ... nhằm giúp trẻ có nền tảng vào lớp 1. Tỷ lệ tương tác giữa cha mẹ trẻ với nhà trường đạt trên 95%”-cô Thủy thông tin.
Giáo viên Trường Mầm non 19-5 (xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro) đưa tài liệu và hướng dẫn một số nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ cho phụ huynh. Ảnh: Mộc Trà |
Tương tự, từ đầu năm học đến nay, Trường Mẫu giáo Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) cũng duy trì và mở rộng các hoạt động kết nối với gia đình trẻ bằng nhiều hình thức. Cô Phan Thị Hồng-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Toàn trường có 248 trẻ với 9 nhóm, lớp; trong đó có 1 lớp mẫu giáo và 1 nhóm trẻ tư thục. Theo quy định, nhà trường không dạy trực tuyến cho trẻ mà hướng dẫn phụ huynh thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ các hoạt động vui chơi, học tập tại gia đình trong thời gian chưa đến lớp để phòng-chống dịch. Mục tiêu chúng tôi đặt ra là chuyển tải tất cả các nội dung cần thiết đến với trẻ, đồng thời, giúp phụ huynh nắm rõ được chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường”.
Mặc dù đứng chân trên địa bàn vùng khó nhưng Trường Mầm non 19-5 (xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro) cũng đã nỗ lực hướng dẫn phụ huynh tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục cho trẻ phù hợp với điều kiện thực tế và bối cảnh dịch bệnh. “Trên 97% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Điều kiện và khả năng tiếp cận với công nghệ của phụ huynh rất hạn chế, thậm chí thời gian dành cho con trong ngày cũng không nhiều. Vì vậy, ngoài thực hiện video clip gửi qua nhóm lớp, giáo viên còn phải in truyện, thơ, bài hát, tranh ảnh, tờ rơi về phòng-chống dịch rồi phát trực tiếp đến tay từng phụ huynh và giúp họ hướng dẫn lại cho con em mình. Nhiều khi, trẻ theo cha mẹ đi rẫy, các cô phải trở lại nhiều lần mới gặp được. Đến nay, tỷ lệ tương tác giữa phụ huynh, trẻ với giáo viên đã đạt 60-70%”-Hiệu trưởng Trần Thị Lệ Quyên phấn khởi nói.
MỘC TRÀ