Tiến sĩ Michael Mosley, chuyên gia sức khỏe, cựu bác sĩ người Anh, nhiều năm dẫn chương trình truyền hình về y học, đã chia sẻ mẹo đơn giản khi uống cà phê sáng có thể hạn chế lượng đường trong máu tăng vọt đáng lo ngại, theo tờ Mirror.
Nhiều người thường khởi đầu ngày mới bằng tách cà phê. Ảnh: Shutterstock |
Mặc dù caffeine mang lại nhiều lợi ích nhưng nó thực sự làm tăng lượng đường trong máu nếu uống quá sớm. Điều này có thể gây rắc rối trong một số trường hợp. Lượng đường trong máu cao có thể gây ra bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, nếu biết cách thì bạn hoàn toàn có thể nhâm nhi tách cà phê yêu thích mà không gặp vấn đề trên.
Bác sĩ Mosley giải thích rằng trước khi thức dậy, cơ thể mọi người "tiết ra lượng lớn hoóc môn căng thẳng cortisol" để khởi động ngày mới. Nếu bạn tiêu thụ caffeine trong khi mức cortisol đang cao này, nó sẽ khiến lượng đường trong máu của bạn tăng cao hơn nữa, theo Mirror.
Khi theo dõi lượng đường trong máu của mình, bác sĩ Mosley đã nhận thấy rằng ngay cả cà phê đen không có sữa hoặc đường cũng làm tăng lượng đường trong máu của ông.
Việc theo dõi lượng đường trong máu rất quan trọng vì một số lý do. Bác sĩ Mosley chia sẻ rằng rất nhiều người có lượng đường trong máu cao bất thường mà không biết rằng nó có thể gây ra những tổn hại đến động mạch và dây thần kinh.
Bác sĩ Mosley cho biết nhiều người bị tiền tiểu đường mà không hề hay biết về tình trạng của mình. Đây là tình trạng mức đường huyết cao hơn mức bình thường nhưng chưa đến mức được xem là mắc bệnh tiểu đường.
Bác sĩ Mosley cho biết ông được ông James Betts, giáo sư sinh lý học trao đổi chất tại Đại học Bath (Anh) khuyên nên hoãn việc uống cà phê 1 giờ sau khi thức dậy - khi mức cortisol giảm dần. Bởi đây là cách tốt để chúng ta kiểm soát phản ứng đường huyết. Và ông đã nhiều năm làm theo lời khuyên này, theo Mirror.