Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 (SARS-CoV-2), Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chia sẻ với cộng đồng 9 việc không nên làm giai đoạn này để cùng chung tay phòng tránh dịch bệnh.
Buổi trao đổi trực tiếp bằng kênh livetream trên Facebook cá nhân của bác sĩ Trần Quốc Khánh đến cộng đồng để chung tay phòng tránh COVID-19 (SARS-CoV-2) thu hút gần 40 nghìn lượt xem. Theo đó, có 9 việc người dân không nên làm trong thời điểm này.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh. |
1. Không nên tụ tập đông người
Giai đoạn này, chính việc ùn ùn ra chợ, đi siêu thị chen chúc quá đông người để mua sắm, rủi ro cao lên. Đồng thời huỷ những cuộc hẹn không cần thiết và hoãn các chuyến du lịch.
2. Không nên chia sẻ trạng thái cảm xúc tiêu cực về bệnh dịch
Hiện nay mạng xã hội có quá nhiều bình luận giận dữ, chỉ trích về bệnh nhân N.H.N. (26 tuổi, 125 Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) - ca thứ 17 dương tính với COVID-19. Chúng ta không nên chia sẻ, bình luận quá nhiều cảm xúc tiêu cực bởi một cộng đồng như một thế giới sống. Khi chúng ta ném vào đó những cảm xúc tiêu cực, chúng ta sẽ nhận lại những cảm xúc tiêu cực đó. Và khi cơ thể stress và có những suy nghĩ tiêu cực như vậy, hệ miễn dịch suy giảm rất nhanh.
Chúng ta nên âm thầm, lặng lẽ theo dõi tin tức ở những trang chính thống, những người có uy tín chia sẻ. Hãy tập trung chăm sóc sức khoẻ của chính bản thân chúng ta theo lời khuyên của các chuyên gia và Bộ Y tế.
3. Không sử dụng những từ mạnh và giật gân
Hiện nay nhiều người sử dụng những từ như "Toang rồi, đổ sông đổ bể rồi"... Trong thời điểm hiện tại mọi người đều rất dễ tổn thương. Những từ ngữ cần được sử dụng chọn lọc và chừng mừng, việc làm của các bạn có thể đẩy rối loạn lên cao. Hãy chung tay đẩy lùi dịch bệnh, hãy chia sẻ những cảm xúc tích cực, những thông tin tốt... để tâm mọi người bình an trở lại.
4. Không chia sẻ những thông tin chưa được thẩm định
Xuất hiện rất nhiều những lời đồn thổi nhất là sau khi xuất hiện ca thứ 17 dương tính COVID-19. Chính vì thế, mọi người không nên chia sẻ những thông tin câu view, giật gân, có mục đích, nhất là khi những thông tin đó chưa được thẩm định.
5. Không nên tích trữ quá nhiều đồ ăn
Thủ đô Hà Nội có đầy đủ nguồn cung thực phẩm. Chúng ta chen chúc để mua thực phẩm chính là tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
6. Hạn chế di chuyển khỏi nơi mình đang sống
Hiện nay nhiều người thấy xuất hiện ca bệnh mới có ý định về quê trốn dịch. Tuy nhiên, ngay khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên ở Hà Nội, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Bộ Y tế đang sát sao việc khoanh vùng những người tiếp xúc với bệnh nhân này. Vì thế nếu mình vô tình đã tiếp xúc và đang ủ bệnh mà không biết, vô tình nếu về quê hay di chuyển đến khu vực khác, mình lại trở thành nguồn lây bệnh.
7. Không nên tích trữ khẩu trang
Giai đoạn này khẩu trang vẫn đang khan hiếm và nên tập trung cho tuyến đầu như những cán bộ, nhân viên y tế, những người làm ga tàu hay phương tiện giao thông công cộng - những người tiếp xúc nhiều. Còn người dân bình thường mỗi người nên chuẩn bị 3 khẩu trang vải tốt và mỗi ngày đi về giặt xà phòng sát khuẩn phơi khô.
8. Không nên đi khám trực tiếp
Người già và trẻ em khi có những biểu hiện nhẹ, không nghiêm trọng không nên đến bệnh viện vì sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Người dân có thể tư vấn triệu chứng với các bác sĩ chuyên môn qua các hình thức online.
9. Tránh đến cơ quan, công ty quá nhiều, tụ tập đông người
Trong thời điểm hiện tại, nếu tính chất công việc có thể được, các công ty, cơ quan nên sắp xếp làm việc online, làm việc nhóm nhỏ. Tránh việc lên cơ quan, công ty quá nhiều, tụ tập đông đúc để giảm nguy cơ lây lan bệnh tật.
THẢO ANH (LĐO)