Bạn đọc

Bài 1: Ai nhầm lẫn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo hợp đồng tín dụng số 81/HĐTD ngày 29-11-2011, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai (Vietinbank) có cho ông Nguyễn Đình Thái-Chủ Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Thái (Hoàng Thái) vay số tiền 2,1 tỷ đồng.
 

Ngân hàng Công thương-Chi nhánh Gia Lai (nguyên đơn của vụ án). Ảnh: Ngọc Linh

Khi vay, Hoàng Thái có thế chấp 3 miếng đất của bên thứ ba thuộc sở hữu của vợ chồng ông Nguyễn Đình Thiên, bà Phan Thị Huệ (trú tổ 9, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) theo các hợp đồng thế chấp số 93/HĐTC ngày 24-11-2010 và 94/HĐTC ngày 30-11-2010. Trong quá trình thực hiện, ông Thái đã vi phạm hợp đồng tín dụng nói trên nên Vietinbank khởi kiện yêu cầu ông Thái phải trả số tiền cả gốc lẫn lãi là hơn 2,213 tỷ đồng. Nếu ông Thái không trả được nợ thì ngân hàng yêu cầu phát mãi toàn bộ tài sản đảm bảo của vợ chồng Thiên-Huệ để thu hồi nợ. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 24-5-2013, ông Thái cho rằng, khoản nợ này phát sinh là do ông vay giúp ông Thiên. Chính vì vậy, ông Thiên phải có nghĩa vụ trả nợ ngân hàng bằng tài sản mà vợ chồng ông này đã thế chấp. Còn ông Thiên dù có thừa nhận việc ông Thái đứng ra vay ngân hàng là để giúp mình nhưng không đồng ý việc ngân hàng xử lý các tài sản thế chấp trên, mà đề nghị xử lý tài sản của ông Thái để thu hồi nợ. Ông Thiên cũng yêu cầu ông Thái phải trả lại các giấy tờ liên quan đến tài sản mà vợ chồng ông đã bảo lãnh cho khoản vay nói trên. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP. Pleiku đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vietinbank; buộc ông Thái phải trả cho Vietinbank số tiền hơn 2,280 tỷ đồng; Viettinbank có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại các tài sản mà vợ chồng Thiên-Huệ đã thế chấp để thu hồi nợ.

Không đồng tình với quyết định tại Bản án số 11/2013/KDTM-ST, ông Thiên đã làm đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 22-8-2013, Hội đồng xét xử do thẩm phán Võ Đình Sớm làm chủ tọa cho rằng: Sự thỏa thuận giữa ba bên là Vietinbank với vợ chồng Thiên-Huệ và Hoàng Thái tại các hợp đồng thế chấp tài sản số 93, 94 là không hợp pháp. Bởi lẽ, theo quy định của Điều 342 Bộ luật Dân sự thì giao dịch thế chấp tài sản chỉ có 2 chủ thể(?). Tòa lý giải rằng, trong vụ tranh chấp này, Hoàng Thái dùng tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng Thiên-Huệ để bảo đảm cho số tiền vay tại Vietinbank không phải là giao dịch thế chấp tài sản, mà là giao dịch bảo lãnh. Mặt khác, sự thỏa thuận xác lập hợp đồng thế chấp tài sản do ba bên thực hiện cũng không đúng quy định về giao dịch bảo đảm.

Ngoài ra, các bên còn không thực hiện ký hợp đồng bảo lãnh và cũng không có văn bản cam kết nào của vợ chồng Thiên-Huệ về việc bảo lãnh bằng tài sản thế chấp thuộc sở hữu của mình để bảo đảm khoản vay của Hoàng Thái đối với Vietinbank. Đồng thời, tại hợp đồng tín dụng số 81 ký kết giữa Vietinbank với Hoàng Thái cũng không thể hiện cam kết bảo lãnh bằng tài sản của vợ chồng Thiên-Huệ… Từ đó, sự thỏa thuận ba bên là vi phạm các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Điều này dẫn đến giao dịch dân sự giữa ba bên như đã nêu tại các hợp đồng thế chấp số 93, 94 là giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn. Mà theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu thuộc về trách nhiệm của Vietinbank; tòa sơ thẩm căn cứ vào thỏa thuận giữa ba bên tại các hợp đồng thế chấp số 93, 94 để tuyên Vietinbank có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi các tài sản mà vợ chồng Thiên-Huệ thế chấp để thu hồi nợ đối với khoản vay của Hoàng Thái là không đúng.

Từ các lẽ trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã quyết định, chấp nhận kháng cáo của ông Thiên. Tuyên sửa Bản án số 11/2013/KDTM-ST. Tuyên bố các hợp đồng thế chấp tài sản số 93, 94 vô hiệu; buộc Vietinbank trả lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các hợp đồng thế chấp tài sản số 93, 94 cho vợ chồng Thiên-Huệ.

Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm