Bạn đọc

Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật liên quan thế chấp quyền đòi nợ để vay tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bạn đọc H.T.K. hỏi: Ông A. vay của tôi 200 triệu đồng, 2 bên có lập hợp đồng vay tài sản rõ ràng. Tôi cần tiền làm ăn gấp, trong khi đó, ông A. không trả nợ cho tôi theo thỏa thuận. Vậy tôi có quyền thế chấp quyền đòi nợ này cho bên thứ 3 để vay 100 triệu đồng được không?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Điều 14 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP về quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng quy định: “Bên có quyền trong hợp đồng được dùng quyền đòi nợ, các khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác; quyền khai thác, quản lý dự án đầu tư; quyền cho thuê, cho thuê lại; quyền hưởng hoa lợi, lợi tức, lợi ích khác trị giá được bằng tiền hình thành từ hợp đồng; quyền được bồi thường thiệt hại; quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ hợp đồng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.

Theo đó, có thể hiểu một cách đơn giản, quyền đòi nợ là quyền tài sản được dùng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Đồng thời, Điều 450 Bộ luật Dân sự 2015 về mua bán quyền tài sản quy định:

“1. Trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên mua phải trả tiền cho bên bán.

2. Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả”.

Như vậy, theo các quy định trên, quyền đòi nợ là quyền tài sản, là một loại tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 bên cạnh tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá. Trong đó, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền gồm quyền tài sản với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 về thế chấp tài sản quy định như sau:

“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ 3 giữ tài sản thế chấp”.

Căn cứ theo các quy định nêu trên, bên có quyền trong hợp đồng được dùng quyền đòi nợ hoặc các khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác… để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong đó có thế chấp.

Đồng thời, tại Điều 33 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP về việc thế chấp bằng quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác quy định: “Việc thế chấp bằng quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác không cần có sự đồng ý của người có nghĩa vụ nhưng người này phải được bên nhận thế chấp thông báo để biết trước khi thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, người có quyền đòi nợ có quyền thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ mà không cần có sự đồng ý của người có nghĩa vụ nhưng phải thông báo cho người có nghĩa vụ biết để thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm