Kinh tế

Bài 1: Bất động sản “hết thời”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu thị trường bất động sản (BĐS) ở Gia Lai, nhất là trên địa bàn TP. Pleiku rất sôi động từ trước năm 2009, thì sau mốc này tình hình đã ảm đạm đến đáy. Hiện số lượng đất nền đang được tung ra thị trường trên 2.000 lô và tất nhiên là… ế ẩm. Nhiều căn hộ ở các khu dân cư mới, các khu chung cư cao cấp vẫn trong tình trạng… chờ thời.

Ế từ phân khúc cao cấp

Tại Pleiku, hiện có 5 doanh nghiệp lớn đang đầu tư vào BĐS gồm Công ty TNHH Thương mại Vinh Quang I-Chi nhánh Gia Lai; Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển Doanh nghiệp (FBS) tại Gia Lai; Công ty cổ phần Bất động sản VK.Highland; Hoàng Anh Gia Lai Group; Đức Long Group. Song hầu hết đều đang gặp khó.
 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Với mong muốn tạo nơi ở ổn định cho người dân, bộ mặt đô thị quy củ hiện đại hơn, tỉnh đã kêu gọi một số doanh nghiệp đầu tư vào chung cư cao tầng. Nhưng “tập quán ở” của người dân Pleiku chỉ thích ở nhà biệt lập, có vườn chứ không thích ở chung cư. Lý giải vì sao các căn hộ tại các chung cư cao cấp như Đức Long Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai xây dựng xong đã lâu nhưng hoạt động không thật sự hiệu quả. Cao ốc HA.GL là khối nhà 18 tầng với 160 căn hộ, hoàn thành vào năm 2008, nhưng số người mua và ở tại chung cư không nhiều, chỉ vài chục căn. Theo tìm hiểu, thời gian gần đây, số nhà bán không hết, doanh nghiệp đã linh động giải quyết cho công nhân viên của Công ty hoặc các bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện HA.GL.

Cao ốc Đức Long của Đức Long Group cũng chịu chung tình trạng trước thời thế. Đầu tư xây dựng ở thời điểm “vàng”-thời điểm giới nhà giàu mới nổi đổ xô mua nhà mua đất-tòa cao ốc Đức Long Tower cao 22 tầng (với tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng) từng là hy vọng sinh lời của doanh nghiệp cũng như của chính quyền về mặt mỹ quan đô thị. Song sau 2 năm hoàn thành, tòa cao ốc bề thế, hiện đại vẫn trong tình trạng đìu hiu. Phần do thị trường BĐS xẹp như bong bóng xì hơi, hàng loạt vụ vỡ nợ khiến giới có tiền ngày xưa bỗng trở thành con nợ, Đức Long Tower mất nguồn khách hàng tiềm năng và trở nên ế ẩm. Trước lượng căn hộ bán ra một cách ì ạch, doanh nghiệp đã xin chuyển đổi công năng sử dụng. Theo đó, từ tầng 1 đến tầng 12, doanh nghiệp đã cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển-Chi nhánh Gia Lai thuê làm văn phòng. 10 tầng còn lại chuyển thành khách sạn.
 

Có chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản (BĐS) như cục máu đông làm tắc nghẽn cả nền kinh tế đang trong thời kỳ khó khăn nhất. Tại Pleiku, tình trạng cũng tương tự khi số lượng nhà, đất “tồn kho” quá lớn. Ngoài những nguyên nhân chung như giá BĐS bị giới đầu cơ đẩy thành “giá ảo”, van tín dụng khép lại… thì “tập quán ở” của người Tây Nguyên nói chung, Pleiku nói riêng trở thành chướng ngại vật của thị trường BĐS, nhất là phân khúc cao cấp. Nhiều cuộc họp giữa chính quyền địa phương với các ngành liên quan và các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã diễn ra với mục đích tháo gỡ thị trường này, nhưng tới thời điểm hiện tại, “Đóng băng, phá sản, thiếu vốn…” vẫn là những cụm từ được các doanh nghiệp nhắc tới nhiều nhất.

Với 2 dự án khác nhau dành cho 2 đối tượng khác nhau (Khu dân cư Phú An xã Diên Phú dành cho người thu nhập thấp và Khu dân cư Phượng Hoàng I xã Trà Đa dành cho đối tượng nhiều tiền hơn), Công ty TNHH Thương mại Vinh Quang I-Chi nhánh Gia Lai cũng vấp phải không ít khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng cũng như tiến độ hoàn thành dự án. Bà Lưu Thị Nga-Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Đối với khu Phượng Hoàng I, do khả năng tài chính của dân cư rất hạn chế và cũng không nằm ngoài khó khăn chung của thị trường BĐS hiện nay là cung nhiều hơn cầu, tính thanh khoản thấp, nhiều khách hàng có nhu cầu thực sự về nhà ở nhưng khả năng tài chính không đủ thanh toán. Nhà đầu tư cũng vận dụng nhiều phương án để hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà như: giảm giá đến mức thấp nhất trên giá trị đầu tư; chia nhỏ kỳ thanh toán, trả chậm nhiều kỳ, đặc biệt có lúc nhà đầu tư chấp nhận bán dưới giá vốn nhưng việc giao dịch mua bán vẫn không khởi sắc”. Hiện tại khu này chỉ có 7 khách hàng giao dịch để mua nhà tại dự án. Còn Khu dân cư Phú An (xã Diên Phú), Công ty đã triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục về hạ tầng kỹ thuật như: đường nội bộ dự án, hệ thống cấp thoát nước nội bộ, vỉa hè, cây xanh… với khối lượng hoàn thành khoảng 90% giá trị đầu tư và công việc thực hiện. Tại dự án, Công ty mới xây dựng 19 căn nhà tương ứng với 7 mẫu nhà được thiết kế, 1 khu dịch vụ 360 m2 để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các hộ sinh sống trong dự án và dân cư trên địa bàn.

Nhìn ra tỉnh bạn, ở phân khúc BĐS này, hầu hết mọi nơi đều chung tình trạng “buồn thiu”. Một số doanh nghiệp có “gốc” ở Gia Lai như Quốc Cường Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai đều lấy BĐS là mảng kinh doanh quan trọng tại TP. Hồ Chí Minh. Và chính mảng này đã làm doanh nghiệp điêu đứng khi sản phẩm bất động sản không thể đẩy mạnh bán ra như dự kiến, trong khi chi phí tài chính và chi phí đầu vào lại tăng đáng kể. Thậm chí Hoàng Anh River View tọa lạc tại phường Thảo Điền, quận 2, do Công ty cổ phần Phát triển nhà Hoàng Anh (HA.GL Land) đã hạ giá mỗi m2 từ 2.300 USD xuống còn 1.350 USD, tương đương giảm giá 40% dưới hình thức bán sỉ và lẻ nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn là bao.

Đua nhau trưng biển “bán nhà”
 

Đoạn đường vài chục mét đã có tới 3 nhà treo biển bán. Ảnh: H.D
Đoạn đường vài chục mét đã có tới 3 nhà treo biển bán. Ảnh: H.D

Đối với các hộ cá thể trên địa bàn thành phố, do tình hình khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp làm ăn xuống dốc, trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ vỡ nợ khó tránh khỏi (có vụ gây ầm ĩ, có vụ âm thầm). Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến những tấm biển bán nhà được trưng lên dày đặc. Hầu như tuyến đường nào cũng có treo biển bán. Trên đường Thống Nhất, cung đường dài gần 100 mét, nhưng có tới 3 căn nhà treo biển rao bán. Nhiều nhà treo biển đã hơn 2 năm vẫn chưa bán được nhà. Anh Khánh (số 560A Lý Thái Tổ) cho biết: “Gia đình đang khó khăn nên quyết định bán mảnh đất phía sau nhà, nhưng treo biển đã nửa năm nay vẫn chưa có người hỏi nữa”. Anh cho biết thêm, một người bà con của anh trên đường Đinh Tiên Hoàng cũng treo biển bán nhà hơn một năm mà vẫn chưa bán được.   

Lượng nhà đang rao bán tăng một cách đột biến, trong khi lượng cầu lại giảm nên thị trường nhà đất trong dân đang làm nên một cuộc khủng hoảng thừa. Có một nghịch lý là mặc dù lượng nhà rao bán tăng đột biến và vẫn đang trong tình trạng ế ẩm, song nếu ở các thành phố lớn, các căn hộ phải giảm giá thậm chí tới 50% thì giá nhà đất trên địa bàn Pleiku vẫn không hề hạ. Điều này có thể lý giải rằng: các hộ cá thể vẫn đang hy vọng thị trường bất động sản sẽ sớm sáng lại, cơ chế về giải quyết vốn vay của hệ thống Ngân hàng sẽ sớm thay đổi (vay được tiền sẽ không phải bán nhà), và điều không thể không nói tới là sự tồn tại giá ảo của thị trường bất động sản khiến người dân có tâm lý lo ngại bị… hớ nên không muốn hạ giá. Bởi vậy, nhà bán thì nhiều, nhưng giá vẫn ở mức cao ngất ngưởng. Nếu ở đường Huỳnh Thúc Kháng, đất có giá khoảng 17 triệu đồng/m2 thì ở đường Trần Khánh Dư (khu vực trung tâm gần siêu thị, trung tâm thương mại…) có giá khoảng 45 triệu đồng/m2… Theo đó, những trục đường như Trần Phú, Hai Bà Trưng, Hùng Vương… sẽ có giá “khủng” hơn rất nhiều, và hầu hết là vượt ngoài tầm tay của những người có nhu cầu mua nhà mua đất.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm