Kinh tế

Bài 1: Cao su trên đất rừng nghèo!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dự án chuyển đổi 50.000 ha đất rừng nghèo sang trồng cao su đã trải qua gần 8 năm. Đến nay, bên cạnh mặt tích cực, những hạn chế, bất cập cũng đã bộc lộ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra tình hình phát triển cao su trên đất rừng nghèo tại huyện Chư Pưh. Ảnh: Lê Nam
Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra tình hình phát triển cao su trên đất rừng nghèo tại huyện Chư Pưh. Ảnh: Lê Nam

Trước đây, khi giá mủ cao su trên thị trường thế giới tăng cao, cây cao su đã trở thành một trong những loại cây công nghiệp dài ngày có vị trí gần như độc tôn trên địa bàn tỉnh.

Năm 2008, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đồng ý chủ trương phát triển 100.000 ha cao su tại các tỉnh Tây Nguyên. Trong số này, tỉnh Gia Lai được chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su tại nhiều địa phương như: Chư Prông, Đức Cơ, Chư Pưh, Ia Pa, Chư Sê...

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo trên địa bàn tỉnh như: khảo sát diện tích đất rừng nghèo, đất chưa sử dụng, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu… khoanh vùng cho doanh nghiệp thuê đất trồng, chăm sóc cao su.  

 Từ khi triển khai thực hiện dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su, tỉnh đã cấp phép 44 dự án trồng cao su trên đất có rừng tự nhiên nghèo cho 17 doanh nghiệp thuê đất trồng cao su tại 5 huyện: Chư Prông, Chư Pưh, Đức Cơ, Ia Pa và Ia Grai, với diện tích 32.555,6 ha. Trong đó, đất có rừng tự nhiên nghèo 29.188,1 ha, đất chưa có rừng 3.380 ha… các doanh nghiệp đã thực hiện  khai hoang được 27.642,7 ha.

Sau 8 năm thực hiện, đến nay các doanh nghiệp đã khai hoang trồng mới được 25.891,9 ha cao su, đạt 79,6% diện tích thuê đất, còn lại hơn 6.636,7 ha đất chưa trồng cao su. Cơ quan chuyên môn đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số doanh nghiệp với diện tích đất 19.381,2 ha.

 

t
Kiểm tra diện tích cao su tại xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh. Ảnh: Lê Nam

Khi triển khai thực hiện dự án, nhiều khu rừng khộp như: Ia Mơr, Ia Púch, Ia Lâu (huyện Chư Prông), Ia Pnôn (huyện Đức Cơ)… trở thành các vườn cao su nằm xen kẽ những cây rừng khộp còn thưa thớt. Vùng đất hoàn toàn mới như Pờ Tó (huyện Ia Pa) vẫn được doanh nghiệp thuê để trồng cao su. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện khá tốt như các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; một số đơn vị thuộc Binh đoàn 15; Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Song có những đơn vị “xin thuê đất” trồng cao su nhưng đã bán cho đơn vị khác hoặc cây cao su bị chết hoặc chậm phát triển dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Tổng hợp cho thấy đã có 2.598,8 ha cao su bị chết hoặc kém phát triển chiếm 10,2% diện tích cao su đã trồng; tập trung chủ yếu tại địa bàn các xã Ia Mơr (huyện Chư Prông), Ia Pnôn (huyện Đức Cơ), Pờ Tó (huyện Ia Pa) của các đơn vị như Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê, Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (mua lại diện tích của Công ty 30-4)…

Là một trong những đơn vị có diện tích cao su chết nhiều nhất, ông Mai Ngọc Bình-Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê cho biết: Công ty được UBND tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao thực hiện đầu tư 4 dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su tại 2 xã Ia Lâu, Ia Mơr (huyện Chư Prông) với diện tích 3.680,78 ha. Công ty đã khai hoang nhưng chưa trồng 738,94 ha. Theo đánh giá của Công ty thì trồng cao su trên đất rừng khộp còn quá mới. Quá trình triển khai còn thiếu kinh nghiệm, việc nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng chưa thấu đáo, nhất là bị ngập úng vào mùa mưa, nắng hạn vào mùa khô… Đặc biệt, dưới tầng đất canh tác thường là đất sét hoặc đá sỏi kết chặt dẫn đến một số vườn cao su phát triển chậm. Hiện diện tích cao su chậm phát triển của Công ty tại các dự án là 781,26 ha, chiếm 33,86% tổng diện tích cao su. Một số diện tích cao su của Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (mua lại của Công ty 30-4 tại xã Ia Ga), tình hình sinh trưởng và phát triển cũng rất kém.

Nguyễn Diệp-Lê Nam

Có thể bạn quan tâm