(GLO)- Nhận được thông tin Dự án thủy lợi Ia Mơr (nằm trên địa bàn huyện Chư Prông) được tái cấp vốn và khởi động lại sau một thời gian nằm trong danh sách dãn tiến độ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, chúng tôi có mặt tại vùng rừng núi phía Tây Nam của tỉnh và chứng kiến không khí lao động hối hả, khẩn trương tại đây.
Ảnh: Gia Cư |
Con đường từ TP. Pleiku đến khu vực công trình thủy lợi Ia Mơr chỉ khoảng 80 km nhưng phải mất gần 3 giờ đồng hồ chúng tôi mới tới nơi. Qua khỏi khu vực Di tích chiến thắng Plei Me là con đường đất với nham nhở những hầm hố do hậu quả mùa mưa năm trước để lại. Tuy khó khăn nhưng đang là mùa khô nên con đường trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Trên đường, từng đoàn xe chở vật liệu, máy móc, thiết bị vào phục vụ công trình. Thi thoảng chúng tôi gặp những chiếc xe tải nhỏ chở lương thực, thực phẩm cùng chiều và những chuyến hàng nông sản theo hướng ngược lại. Hai bên đường là những lán trại của công nhân thuộc các dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su…
Một điều khá đặc biệt ở Dự án thủy lợi Ia Mơr là từ nhà làm việc của Ban Quản lý dự án đến các đơn vị thi công và cả cụm công trình đầu mối đều nằm ở khu vực trung tâm xã Ia Mơr. Chúng tôi gặp anh Trần Viết-Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8, Trưởng ban Quản lý Dự án thủy lợi Ia Mơr, ngay trên đường vào công trình. Cùng chúng tôi vào trụ sở Ban Quản lý dự án, anh Viết cho biết: Tuy tại Ban Quản lý luôn có một Phó Trưởng ban thường trực nhưng anh thường xuyên có mặt tại công trường để phối hợp cùng các đơn vị thi công kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Tập đoàn Sơn Hải thi công đập chính. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Sau mấy năm tồn tại trong cảnh im lìm chờ vốn, giờ đây trụ sở Ban Quản lý trở nên sôi động hẳn. Bên cạnh hội trường trưng bày đầy đủ các bản vẽ kỹ thuật là các phòng làm việc đang trong giai đoạn sửa chữa lại cho phù hợp với công năng sử dụng. Anh Đỗ Hữu Thu-Phó Trưởng ban Quản lý, tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng có nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý các công trình thủy lợi. Anh nói: “Trước Ia Mơr, tôi tham gia Ban Quản lý công trình thủy lợi Ia Mlah (huyện Krông Pa) và một số công trình khác. Đầu năm 2014, lãnh đạo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 điều tôi vào đây”. Với tác phong của một người chuyên “sống” với công trường, anh Thu đưa chúng tôi mục sở thị không khí làm việc tại cụm công trình đầu mối cách đó hơn cây số.
Dù đã nhiều lần đi thực tế viết bài về công trường Ia Ly, Ayun Hạ, Sông Ba Hạ, Ia Mlah… nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác lâng lâng khi chứng kiến không khí làm việc ở đây. Tại cụm công trình đầu mối hiện có 4 đơn vị thi công gồm: Liên danh Công ty Vinaconex-Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty Cơ điện-Xây dựng Việt Nam và nhà thầu phụ là Tổng Công ty Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Thanh Hóa. Trong cái nắng oi ả của buổi trưa vùng biên viễn, anh Hoàng Thanh Sơn-Phụ trách quản lý của Tập đoàn Sơn Hải vẫn đứng giữa công trường điều hành các kíp máy đắp đất cho đập chính. Gạt vội những dòng mô hôi đang ròng ròng trên khuôn mặt rám nắng, anh Sơn phấn khởi nói: “Phần thi công của Tập đoàn Sơn Hải trị giá gần 100 tỷ đồng. Hiện tại, đơn vị có 20 đầu thiết bị và 35 công nhân đang thi công trên công trường. Sắp tới, Công ty sẽ tăng cường thêm máy móc, thiết bị và nguồn nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công”.
Hệ thống ống lấy nước của công trình. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Cũng theo anh Sơn, vào mùa mưa thi công rất khó khăn nên đơn vị phải tập trung mọi nguồn lực trong mùa khô này. Chỉ tay về hướng những chiếc xe ben đang chở đất từ xa tới, kỹ sư phụ trách của Tập đoàn Sơn Hải giải thích: Công đoạn đắp đập cũng đòi hỏi một quy trình kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Do cạnh công trình không có loại đất phù hợp nên Công ty phải lấy đất tại khu vực cách đây 3 km-5 km. Việc đắp đất được tiến hành từng lớp một. Sau mỗi lớp đất đã được lu lèn phải tạo độ ẩm và độ nhám cần thiết để lớp đất sau có độ bám vào lớp trước… Được biết, để hoàn thành gói thầu này, Tập đoàn Sơn Hải phải đắp khoảng 3.500 m3 đất. Sau khi hoàn thành, con đập có độ cao trung bình 32 mét, mặt đập rộng 10 mét, chân đập nơi rộng nhất lên đến 155 mét và cao trình mực nước dâng bình thường là 144 mét.
Cụm đầu mối công trình thủy lợi Ia Mơr có các hạng mục: đập, tràn xả lũ, cống lấy nước, cơ khí cống tràn, khoan phụt, đập phụ, đường vào các đập phụ… dự kiến hoàn thành vào năm 2016. |
Theo anh Đỗ Hữu Thu, toàn bộ tuyến đập chính dài 3,1 km, theo hướng Đông-Tây cắt ngang suối Ia Mơr hiện nay. Hồ chứa nước nằm ở phía Bắc, phía sau thân đập là khu vực dân cư. Theo hướng dòng chảy, toàn bộ các hạng mục cống nhận nước, đập tràn xả lũ đều nằm ở bờ phải-nơi cán bộ, công nhân Công ty Cơ điện-Xây dựng Việt Nam đang thi công. Cũng như anh Sơn, anh Phan Văn Trung-Phó ban chỉ huy công trường của Công ty Cơ điện-Xây dựng Việt Nam cũng ra tận công trường để chỉ đạo thi công. Theo anh Trung, trên công trường hiện có 80 công nhân với 40 đầu xe máy đang làm việc. Thời điểm này, phần lớn công nhân đang tập trung thi công cống nhận nước. Trước mắt chúng tôi là một chiếc cống có chiều dài 135 mét đã thành hình. Cách cống lấy nước khoảng 500 mét là tràn xả lũ với 3 cửa, mỗi cửa rộng 6 mét, cao 5 mét. Nằm giữa 2 hạng mục công trình này là con suối Ia Mơr nước trong vắt đang róc rách chảy về xuôi. Sau khi công trình hoàn thành, nguồn nước từ con suối này sẽ tụ lại, phục vụ tưới cho gần 12.500 ha lúa, hoa màu và cây công nghiệp của hai tỉnh Gia Lai và Đak Lak.
Đã 11 giờ trưa nhưng công trường vẫn tấp nập người và phương tiện. Đúng 11 giờ 30 phút, Ban Quản lý mời chúng tôi cùng đại diện các đơn vị thi công dùng bữa cơm thân mật tại công trường. Bây giờ chúng tôi mới hiểu rằng cả công trường đang chạy đua để kịp tiến độ. Với tác phong nhanh nhẹn của những người gắn bó lâu năm với các dự án thủy lợi quy mô lớn, 5 phút sau, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 xin phép về Pleiku trước với lý do: 14 giờ có cuộc họp, trong đó có nội dung đôn đốc các nhà thầu khắc phục khó khăn, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công công trình.
Duy Danh-Nguyễn Diệp