Kinh tế

Bài 1: Đích đến là vùng sâu, vùng xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mục đích tạo bước đột phá, kế hoạch đưa hàng Việt về nông thôn năm 2012 có nhiều điểm nổi bật hơn so với những năm trước như địa điểm tổ chức là khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới tại các huyện: Kbang, Kông Chro, Đức Cơ, Chư Prông và Krông Pa; có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp mới, đặc biệt là sự kết hợp với phiên chợ do Trung ương tổ chức tại Đức Cơ trong tháng 6 này nhằm mở rộng, nâng cao chất lượng chương trình…

Nhằm khắc phục những nhược điểm trong các phiên chợ hàng Việt về nông thôn trước đây như sự ủng hộ của các doanh nghiệp còn hạn chế, một số địa phương chưa thật sự có tâm huyết với chương trình, thiếu quan tâm lơ là; công tác tuyên truyền, quảng bá còn yếu hay việc vướng mắc trong khâu phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương trong tổ chức giao lưu văn nghệ… Mới đây Sở Công thương đã tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp để thống nhất kế hoạch triển khai hàng Việt về nông thôn 2012, qua đó tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
 

Đưa hàng Việt về vùng sâu. Ảnh: Lê Lan
Đưa hàng Việt về vùng sâu. Ảnh: Lê Lan

Theo ông Bùi Quốc Bình- Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-đơn vị có mặt trong hầu hết các phiên chợ hàng Việt 2011 thì điểm yếu của phiên chợ là đơn vị tham gia còn quá ít (có phiên chợ chỉ 3-4 doanh nghiệp tham gia) vì thế khó tạo không khí náo nhiệt cho phiên chợ cũng như thu hút một lượng lớn khách hàng tham quan; hiệu quả kinh doanh tại phiên chợ cũng rất thấp, doanh số bán hàng không cao, đa số đều lỗ. Trong khi đó, doanh nghiệp còn phải trả chi phí nhân viên, chi phí vận chuyển… Thực tế việc Sở khống chế chỉ hỗ trợ tiền vận chuyển khi quãng đường trên 40 km khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Đây cũng chính là vấn đề quan tâm của nhiều doanh nghiệp dù rằng mức hỗ trợ chỉ như “muối bỏ biển” (khoảng 1 triệu đồng/chuyến) thế nhưng với những chi phí phải bỏ ra để tham gia phiên chợ thì khoản hỗ trợ trên phần nào giúp các doanh nghiệp giảm lỗ tiền vận chuyển. Ông Phạm Cường-đại diện Siêu thị Vinatex cho rằng: “Sở nên nâng mức hỗ trợ cao và xóa bỏ việc khống chế km thì mới thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia”.

Đại diện VNPT Gia Lai, ông Lê Khả Bính kiến nghị: Sở nên có sự khảo sát địa điểm tổ chức kỹ càng trước khi tổ chức, nghiên cứu thêm phong tục, quy luật thời gian của người dân địa phương từ đó vận động tuyên truyền cụ thể như thế nào cho phù hợp. Sở cũng nên phối hợp với địa phương tổ chức các buổi truyền thông bằng xe lưu động nhằm thông tin cho bà con về phiên chợ… Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt-đại diện Siêu thị Phố Núi cho rằng, Sở cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ban ngành địa phương trong khâu tổ chức…

 

Trong tháng 6-2012, Sở Công thương sẽ chủ trì phối hợp với đơn vị tổ chức sự kiện, triển lãm tổ chức phiên chợ hàng Việt tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) theo Chương trình Xúc tiến thương mại 2012 của Bộ Công thương với quy mô ít nhất 60 gian hàng của trên 30 doanh nghiệp tham gia. Các doanh nghiệp tham gia sẽ được hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng.

Thừa nhận nhiều khuyết điểm còn tồn tại trong chương trình hàng Việt năm 2011 và tiếp thu ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, ông Phan Minh Túc-Phó Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại khẳng định: Năm 2012, địa điểm tổ chức sẽ là khu vực vùng sâu, vùng xa, tuy nhiên Sở sẽ lưu ý trong việc lựa chọn thời gian, địa điểm tổ chức phù hợp, có sự thống nhất cao của các doanh nghiệp; nghiên cứu thêm các khoản hỗ trợ để doanh nghiệp có lợi nhất. Đồng thời, làm việc cụ thể với các địa phương nêu rõ quan điểm: Đây là phiên chợ thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị với mục đích tuyên truyền là chính chứ không đơn thuần là bán hàng kiếm lợi nhuận như một số lãnh đạo huyện suy nghĩ, để từ đó, có sự đóng góp, quan tâm hơn từ phía địa phương-nơi diễn ra phiên chợ.

Đối với công tác tuyên truyền quảng bá về phiên chợ, ông Lâm Thế Tổng-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, MTTQ sẽ tiếp tục lồng ghép, gắn tuyên truyền chương trình đưa hàng Việt về nông thôn với các cuộc vận động của MTTQ như cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo… Thông qua các tổ chức, đoàn thể, MTTQ và chính quyền các huyện, xã tin rằng thông tin hàng Việt sẽ đến tận các buôn làng xa xôi và đến từng người dân, góp phần nâng cao hiệu quả chương trình.

Riêng phần giao lưu văn nghệ phục vụ đồng bào vào buổi tối, góp phần tăng không khí hoạt náo cho phiên chợ, bà Đinh Ly An-Phó Bí thư Tỉnh đoàn cũng đã có ý kiến góp ý: Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền đến từng đoàn viên thanh niên, Tỉnh đoàn sẽ huy động lực lượng thanh niên tham gia biểu diễn văn nghệ trong các phiên chợ tới.

Lê Lan
 

Có thể bạn quan tâm