Kinh tế

Bài 1: Khi nội lực được phát huy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo kết hợp với các nguồn lực đầu tư khác góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo động lực lớn hướng đến mục tiêu toàn tỉnh có 185 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020.

Theo Quyết định 695/QĐ-TTg ngày 8-6-2012 sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 quy định rõ ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% vốn cho các xã thực hiện phần việc quy hoạch, xây dựng trụ sở xã, đào tạo kiến thức về xây dựng NTM. Các phần việc còn lại được thực hiện dựa vào nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác: vốn tín dụng, vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, sự đóng góp của nhân dân và các nguồn vốn khác. Vì thế, huy động tất cả các nguồn lực để tập trung đầu tư thực hiện các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM luôn được các địa phương đặt lên hàng đầu.
 

Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Nguyễn Diệp
Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Ngô Thanh Tùng-Chủ tịch UBND xã Kdang, huyện Đak Đoa nhìn nhận: Nếu chỉ dựa vào nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho chương trình xây dựng NTM thì không đủ. Vì vậy, xã đã huy động nhân dân bàn bạc tự nguyện đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở kinh tế-xã hội theo chuẩn NTM. Trong 2 năm (2011 và 2012), nhân dân đã đóng góp trên 20,6 tỷ đồng (không tính vốn vay của nhân dân từ các tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất và đóng góp công sức của nhân dân). Đây là con số khá ấn tượng mà nhiều địa phương khác trong tỉnh dù có tiềm lực kinh tế mạnh hơn Kdang nhưng chưa hẳn đã huy động được.

Không chỉ Kdang, 185 xã của tỉnh trong quá trình xây dựng NTM đã huy động nguồn lực của nhân dân đóng góp 788,791 tỷ đồng. Tuy nhiên để tăng nguồn vốn, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp trên 248 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ nhằm nâng cao thu nhập, góp phần đưa tiêu chí thu nhập đạt chuẩn NTM. Tiếp đến, lồng ghép có hiệu quả vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác gần 1.780 tỷ đồng, kết hợp với vốn ngân sách nhà nước và vốn khác, nâng tổng vốn đầu tư cho chương trình từ năm 2011 đến 2013 đạt gần 5.000 tỷ đồng đầu tư kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực nông thôn phục vụ nông nghiệp, nông thôn như giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm… đầu tư cho phát triển sản xuất thông qua xây dựng mô hình, dự án giống cây trồng, vật nuôi… để nhân dân học tập nhân rộng.

 Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất từng bước chuyển dịch theo hướng hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp và dịch vụ. Năng suất các loại cây trồng và vật nuôi không ngừng tăng lên, thu nhập của người dân đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 còn 19,93%, giảm 3,82% so với năm 2011.

Theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền, sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay đã có 5 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí đạt chuẩn NTM, tăng 3 xã; 23 xã đạt 9 đến 13 tiêu chí, tăng 12 xã so với năm 2011. Đây là kết quả của công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, theo đó, UBND tỉnh đã phát động phong trào “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” với sự tham gia sôi nổi, rộng khắp trong toàn thể cán bộ và nhân dân.
 

 

Nhân dân là chủ thể trong xây dựng NTM. Vì vậy, việc tuyên truyền cho nhân dân được xem là yếu tố quyết định đến sự thành công của chương trình. Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành xây dựng NTM sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Theo đó, đã in và phát hành trên 50.000 sổ tay, tờ rơi, ấn phẩm và hàng ngàn pa nô, áp phích tuyên truyền về xây dựng NTM. Trên cơ sở kiện toàn bộ máy tổ chức từ tỉnh đến cơ sở, các cơ quan có thẩm quyền đã mở 365 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp điều hành chương trình này. Tổng nguồn kinh phí tập huấn và tuyên truyền trên 7,4 tỷ đồng.

Hiệu quả công tác tuyên truyền và phát động phong trào chung sức xây dựng NTM đã tạo sự đồng lòng chung sức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân chung tay, góp sức xây dựng NTM.

Nguyễn Diệp-Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm