Kinh tế

Bài 1: Khó đạt tiêu chí cốt lõi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân được xem là những tiêu chí cốt lõi trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện chương trình, các địa phương vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện 2 tiêu chí về giảm tỷ lệ hộ nghèo và tăng thu nhập cho người dân.

Tỷ lệ hộ nghèo còn cao

Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (14 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố), với 222 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 184 xã, 2.158 thôn, làng (664 thôn làng đặc biệt khó khăn), với tổng số dân 1,39 triệu người (người dân tộc thiểu số chiếm hơn 45%).

Đến nay, Gia Lai vẫn là một trong những tỉnh nghèo, trình độ dân trí thấp, lao động chủ yếu là phổ thông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Theo thống kê, đến cuối năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo còn 17,23% và tính đến thời điểm này chỉ có 29/184 xã đạt chuẩn tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo theo bộ tiêu chí NTM (chiếm 15,76%).
 

Làm đường giao thông nông thôn.
Làm đường giao thông nông thôn.

Để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, những năm qua, các ngành, địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như cho hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, công tác khuyến nông-khuyến lâm, dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ khám-chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ về nhà ở, triển khai các mô hình phát triển sản xuất, tập huấn và hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo của tỉnh vẫn chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 82,92%. Các huyện có tỷ lệ hộ nghèo còn cao như: Kông Chro 33,25%, Kbang 33,61%, Krông Pa 41,36%, Ia Pa 39,21%, Phú Thiện còn 18,08%, Mang Yang 23,95%...

Ông Phan Văn Trung-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: Kông Chro là một trong 4 huyện nghèo của tỉnh. Vấn đề có tính cấp bách hàng đầu trong việc xây dựng NTM hiện nay của huyện là phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn rất cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn do đó sự đóng góp của người dân còn hạn chế dẫn đến các tiêu chí về thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở, giao thông nông thôn trên địa bàn rất khó thực hiện.

Thu nhập bình quân thấp

Tính đến cuối năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 14,65 triệu đồng/năm. Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 44/184 xã đạt tiêu chí thu nhập theo chuẩn NTM (chiếm 23,91%). Theo lộ trình của chương trình xây dựng NTM, đến cuối năm 2014, thu nhập của người dân phải đạt 22 triệu đồng/người/năm.

Khu vực Tây Nguyên (trong đó có Gia Lai) được tính theo chuẩn nghèo của khu vực Tây Bắc nên phải đạt 16 triệu đồng/người/năm. Đây thật sự là áp lực rất lớn đối với các địa phương trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM. Trên thực tế, tỉnh ta còn rất nhiều xã vùng sâu, vùng xa có thu nhập bình quân đầu người dưới 10 triệu đồng/năm.

Ông Hồ Văn Diện-Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa cho biết: Thị xã Ayun Pa có 4 xã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Một số xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao (14,17%), thu nhập bình quân đầu người còn thấp (12,6 triệu đồng/năm). Đời sống người dân khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến việc huy động vốn đóng góp của nhân dân thực hiện các tiêu chí có vốn đầu tư lớn như: xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, đường giao thông nội đồng, đường thôn xóm, kênh mương…

Thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ nghèo được coi là một trong những tiêu chí cốt lõi và phụ thuộc rất lớn vào nội lực kinh tế của từng địa phương. Do đó, công tác giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân trong quá trình thực hiện xây dựng NTM đang là một bài toán khó đối với các địa phương.

Lê Nam-Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm