(GLO)- Tài nguyên khoáng sản Gia Lai khá phong phú với nhiều chủng loại như: đá ốp lát, đá granít, đá gabrô, bazan trụ khối, kim loại quặng sắt, quặng chì, kẽm, khoáng sản phi kim loại, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cát, đá xây dựng… Việc quản lý khoáng sản được cơ quan chức năng, các địa phương thực hiện khá chặt chẽ, song tình trạng lén lút khai thác vẫn xảy ra trong khi doanh nghiệp khai thác lại thiếu gắn kết với địa phương.
Vẫn còn lén lút khai thác khoáng sản trái phép
Toàn tỉnh hiện có 66 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực được cấp cho 46 doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Trong đó Bộ Công thương cấp 2 giấy phép, số giấy phép còn lại UBND tỉnh cấp. Phần lớn các giấy phép khai thác khoáng sản được cấp từ những năm trước, cá biệt một số giấy phép khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi Luật Khoáng sản ra đời năm 2010.
Hoạt động khai thác khoáng sản cần sự quản lý chặt chẽ hơn. Ảnh: N.D |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, năm 2012 và 2013 toàn tỉnh không cấp thêm giấy phép khai thác khoáng sản mới. Năm 2014 cấp 15 giấy phép thăm dò khoáng sản; cấp mới 12 giấy phép khai thác khoáng sản gồm 10 mỏ cát, 2 mỏ đá xây dựng, gia hạn 7 giấy phép khai thác khoáng sản; không cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản. Hiện tại trong số 66 giấy phép còn hiệu lực thì nhiều nhất là giấy phép khai thác đá xây dựng với 21 giấy phép; khai thác cát xây dựng 10 giấy phép; đá bazan trụ, khối 11 giấy phép; đá granít ốp lát 9 giấy phép và đá gabrô ốp lát 8 giấy phép…
Theo đánh giá của cơ quan quản lý thì hầu hết các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh có quy mô hoạt động nhỏ, công nghệ sản xuất ở mức trung bình. Các loại khoáng sản khai thác và chế biến chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường như đá, cát xây dựng; than bùn sản xuất phân vi sinh và đá ốp lát các loại như đá granít, gabrô, bazan trụ, khối. Tuy nhiên, thực tế khai thác khoáng sản hiện nay đã hiển lộ nhiều bất cập khiến việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2012-2014 đơn vị đã tiến hành 22 cuộc kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản và tình hình bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Qua kiểm tra đã xử phạt và đề xuất UBND tỉnh xử phạt 31 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền trên 1,3 tỷ đồng, tịch thu 5.000 m3 than bùn; 40 m3 đá bazan khối cùng một số máy nổ, máy đào… Qua kiểm tra cho thấy nhiều doanh nghiệp được cấp phép nhưng sau đó lại “ủy quyền” cho các đơn vị khác khai thác khoáng sản khiến địa phương có mỏ bối rối trong việc quản lý mỏ khoáng sản. |
Đặc biệt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn còn tái diễn gây bức xúc cho người dân, nhất là các loại khoáng sản sử dụng công nghệ khai thác thủ công, chi phí đầu tư thấp. Điển hình, từ năm 2012 đến năm 2014, cơ quan chức năng huyện Kông Chro đã phát hiện 21 vụ; Chư Sê phát hiện và đề xuất UBND huyện xử phạt 10 vụ vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản. Các loại khoáng sản khai thác trái phép tại địa bàn huyện Kông Chro và Chư Sê tập trung vào vàng sa khoáng, đá bazan, vật liệu xây dựng thông thường. Ngoài ra, lực lượng chức năng huyện Kông Chro cũng đã phát hiện 7 trường hợp khai thác sai tọa độ cho phép.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-ông Huỳnh Ngọc Ẩn: Khó khăn lớn nhất đối với việc xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép là tạm giữ phương tiện, máy móc, thiết bị vi phạm, do chi phí vận chuyển tài sản về nơi tạm giữ lớn hơn tài sản tạm giữ. Trong khi đó lại không cho phép phá hủy tài sản hoạt động trái phép. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác trái phép xảy ra vào ban đêm hoặc ngày nghỉ, địa bàn hoạt động giáp ranh giữa các xã, huyện, đối tượng khai thác khoáng sản trái phép từ tỉnh khác đến.
Nhiều doanh nghiệp xin trả lại mỏ khoáng sản
Cùng với việc khai thác khoáng sản trái phép vẫn lén lút diễn ra thì hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp hãy còn nhiều bất cập. Ông Tạ Chí Khanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa nói: “Địa phương chỉ biết doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản, còn việc khai thác bao nhiêu huyện rất khó quản lý và kiểm soát”.
Làm rõ vấn đề này, một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pa cho biết, các doanh nghiệp không cung cấp việc ký quỹ, công tác phối hợp giữa tỉnh và huyện chưa nhiều, chủ yếu theo sự vụ. Nhiều doanh nghiệp được cấp phép nhưng chỉ để “xí phần”. Hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp đang xin trả lại mỏ vì cho rằng thuế tài nguyên quá cao.
Theo tổng hợp của huyện Krông Pa, trên địa bàn huyện hiện có 12 mỏ đã được UBND tỉnh cho phép hoạt động khai thác các loại khoáng sản như đá gabrô, granít, cát và đất sét làm gạch nung. Tuy nhiên trên thực tế các đơn vị, chủ dự án chậm triển khai dự án, chậm tiến độ báo cáo, do vậy có 4 đơn vị đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản, giấy phép thăm dò nhưng khi triển khai lấy mẫu chất lượng khoáng sản không đạt hoặc không hiệu quả đã trả lại mỏ, bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản từ trước khi có Luật Khoáng sản năm 2010 ra đời như Công ty TNHH Quốc Duy; Công ty TNHH Sơn Thạch cũng đang đề xuất xin trả lại mỏ. Đặc biệt, một số công ty được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn Krông Pa như Công ty TNHH Mỹ Đức; Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai; Công ty TNHH Hoàng Nhi và Công ty TNHH Hiệp Lợi Gia Lai đến nay vẫn chưa hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ được cấp. Lãnh đạo các doanh nghiệp trên cho biết sẽ đề nghị xin trả lại mỏ khoáng sản được cấp vì mức thuế tài nguyên môi trường quá cao.
Nguyễn Diệp