Kinh tế

Bài 1: Nhìn lại "cơn lốc" trồng cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cách đây 6-7 năm khi thời điểm giá cao su bắt đầu tăng cao, lợi nhuận kinh tế vươn lên hàng “ngôi vương” trong các loại cây trồng, thậm chí có lúc “vượt mặt” cả cây hồ tiêu-loại cây đã đưa không ít nông dân vùng Chư Sê lên hàng tỷ phú-thì cũng là lúc “cơn lốc” trồng cao su bắt đầu bùng lên.  Hàng ngàn ha cao su được trồng mới mỗi năm đã minh chứng cho điều đó.

Nhà nhà trồng cao su

Thôn Đức Hưng (xã Ia Nan-huyện Đức Cơ) có hơn 200 hộ dân nhưng có tới vài chục hộ trồng cao su với tổng diện tích hơn 100 ha. Đây là một trong những vùng phát triển diện tích cao su tiểu điền mạnh của huyện biên giới Đức Cơ.

 

Giá mủ cao su xuống thấp, nhiều người trồng cao su bất an bởi áp lực vốn đầu tư bao năm còn chờ họ phía trước. Ảnh: Lê Hòa
Giá mủ cao su xuống thấp, nhiều người trồng cao su bất an bởi áp lực vốn đầu tư bao năm còn chờ họ phía trước. Ảnh: Lê Hòa

Nhà ông Hoàng Văn Thao là hộ có diện tích cao su tiểu điền lớn nhất thôn với 8 ha. Người em trai của ông là Hoàng Văn Ga cũng trồng được hơn 3 ha, còn lại mỗi nhà trồng khoảng 1-2 ha. “Bà con mới từ Hưng Yên vào đây lập nghiệp khoảng chục năm trở lại đây. Họ có ít nhiều vốn, lại chăm chỉ làm ăn. Thấy cao su được giá, dễ trồng và chăm sóc nên đua nhau trồng”-ông Đinh Mạnh Hùng-Chủ tịch UBND xã Ia Nan, chia sẻ.

Còn tại xã Ia Tôr, tuy chưa phải là địa phương có diện tích cây cao su phát triển mạnh ở huyện Chư Prông song khoảng chục năm trở lại đây, toàn xã đã có khoảng 200 ha cao su được trồng mới, trong đó nhiều hộ trồng cả chục ha, như: hộ gia đình ông Ngạn (xóm Mới, thôn 4) trồng 7 ha, gia đình bà Trần Thị Tâm (thôn 4-xã Ia Tôr) có tới 20 ha…

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Cơ, hiện nay, diện tích cao su tư nhân toàn huyện đạt gần 4.280 ha. Từ năm 2005 đến nay, khi giá cao su nhích dần lên cũng là lúc diện tích cây cao su trên địa bàn liên tục tăng mạnh, trong đó cao điểm nhất là vào giai đoạn 2008-2010 (trung bình mỗi năm tăng thêm khoảng 500 ha). Từ năm 2012 đến nay, do ảnh hưởng bởi giá cao su xuống thấp, diện tích trồng mới cao su đã dần quay về mức khoảng 200 ha/năm.

 

Hàng ngàn ha cao su sắp đến thời kỳ thu hoạch nhưng giá mủ lại liên tục xuống thấp. Ảnh: Lê Hòa
Hàng ngàn ha cao su sắp đến thời kỳ thu hoạch nhưng giá mủ lại liên tục xuống thấp. Ảnh: Lê Hòa

Còn tại huyện biên giới Chư Prông, cây cao su cũng là một trong những loại cây trồng có diện tích tăng chóng mặt, đặc biệt là khi có thêm trợ lực là dự án đa dạng hóa nông nghiệp, trong đó có hỗ trợ nông dân trồng và phát triển diện tích cây cao su. Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay toàn huyện Chư Prông có khoảng 34.100 ha cao su, trong đó có khoảng 1.300 ha cao su tiểu điền bước vào thời kỳ kinh doanh.

Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai, Chư Sê, Chư Pưh, Mang Yang… là những huyện có diện tích cao su tăng mạnh của tỉnh Gia Lai trong các năm qua. Được xác định là cây trồng chủ lực và chưa có nơi nào vượt diện tích quy hoạch, song hiện tại, với mức giá liên tục xuống thấp, hàng ngàn hộ nông dân trồng cao su trong tỉnh đang gặp khó khăn bởi cao su là cây đòi hỏi vốn đầu tư không hề thấp, thời kỳ kiến thiết cơ bản kéo dài nhiều năm (trung bình 6-7 năm).

Mang nợ vì “vàng trắng”

Không phải ngẫu nhiên mà cây cao su lại trở nên “hot” với cánh nhà nông như thế. Lý do vô cùng đơn giản, giá sản phẩm cao đã khiến nhiều nông dân ồ ạt kéo nhau trồng cao su. Nhiều hộ không có vốn cũng ráng kiếm đường vay mượn, đầu tư vào “vàng trắng” với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, dường như không mấy thuận lợi cho người trồng cao su khi nhiều diện tích trồng mới bước vào giai đoạn thu hoạch cũng là lúc chứng kiến sự đảo chiều của giá. Giá cao su tụt giảm một cách lạnh lùng khiến nhiều người trồng cao su điêu đứng, ruột nóng như lửa khi vốn liếng đầu tư bao năm, tiền bạc nợ nần còn đợi chờ họ phía trước. Câu chuyện về cây cao su vì thế lại trở nên “nóng”, nhưng ở một phương diện khác…

 

Ông Rơ Mah Tham bên vườn cao su đến kỳ thu hoạch nhưng đành để “ở lại lớp”. Ảnh: Lê Hòa
Ông Rơ Mah Tham bên vườn cao su đến kỳ thu hoạch nhưng đành để “ở lại lớp”. Ảnh: Lê Hòa
“Thời điểm này năm 2011, mủ quy khô bán được với giá trên dưới 60 ngàn đồng/kg thì năm nay giảm còn hơn một nửa, chỉ khoảng 35-36 ngàn đồng/kg, trong khi năm 2012, mức giá vẫn còn duy trì ở mức 50-52 ngàn đồng/kg”- bà Trần Thị Tâm, cho biết.

Mang trong mình nhiệt huyết của một người lính, ông Ngạn (xóm Mới-thôn 4-xã Ia Tôr-huyện Chư Prông) đến vùng đất Chư Prông lập nghiệp và chọn cây cao su là “điểm tựa” nuôi chí làm giàu. “Để trồng được 7 ha cao su, vợ chồng tôi phải bán cơ ngơi bao năm gầy dựng dưới Bình Phước lấy vốn đầu tư. Suốt 7 năm ấy, gia đình tôi còn phải vay mượn của bà con, anh em họ hàng mới theo được tới hôm nay. Ai ngờ giờ giá sụt giảm mạnh, năng suất mới khai thác đạt thấp. Hiện tại nhà nông làm cao su rất khó khăn bởi vốn đầu tư cho 7 ha cao su bây giờ cũng mất cả trăm triệu mỗi năm mà tiền thu về quá ít”- ông Ngạn chia sẻ.

Còn với hộ bà Trần Thị Tâm (thôn 4-xã Ia Tôr-huyện Chư Prông), năm 2005 khi thấy cao su có giá cao, gia đình bà bỏ vốn để mua 3 ha cao su tiểu điền. Suốt từ bấy đến nay, nhờ có vốn liếng, gia đình bà liên tục bỏ tiền mua thêm 17 ha cao su nữa. “Số tiền gia đình tôi bỏ ra mua 20 ha cao su tổng cộng khoảng 12 tỷ đồng. Từ năm 2012 trở về trước cao su được giá, mỗi năm còn thu lợi bạc tỷ, giờ lãi giảm gần một nửa so với cùng thời điểm 1-2 năm về trước. Bỏ vốn ra quá lớn, giờ thu lại vốn chậm chạp do giá xuống trong khi chi phí đầu tư, thuê nhân công… vẫn giữ nguyên, thậm chí tăng lên, rất áp lực”- bà Tâm chia sẻ.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm