Kinh tế

Bài 1: Những "công nghệ" trồng… rau bẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tận thấy những “công nghệ” trồng rau để rau trái siêu lớn nhanh, đẹp mắt, năng suất tăng vọt và chu kỳ sinh trưởng được rút ngắn tới mức thấp nhất mới thấy sợ hãi các sản phẩm rau tươi rói, mỡ màng đang được bày bán đều đặn mỗi ngày ở các chợ. Sự tươi tốt, mơn mởn của những cây rau hầu hết là nhờ vào các chất kích thích hay việc sử dụng vô tội vạ các loại phân bón với mục đích kích cho rau lớn càng nhanh, càng đẹp càng tốt.

Lợi ích kinh tế khiến người trồng bất chấp những hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe, thậm chí là tính mạng người sử dụng. Ở Gia Lai, thực tế này không ngoại lệ và dù không mới, song dường như tìm được một giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này vẫn còn quá khó.

Công nghệ… dùng phân tươi
 

Người thanh niên đang chế thuốc chuẩn bị phun cho rau. Ảnh: Lê Hòa
Người thanh niên đang chế thuốc chuẩn bị phun cho rau. Ảnh: Lê Hòa

TP. Pleiku là một trong những vùng trồng rau trọng điểm cung cấp cho người dân thành phố và các huyện phía Tây tỉnh cũng như xuất đi một số khu vực khác. Diện tích rau tập trung nhiều nhất ở khu vực xã An Phú, ngoài ra còn rải rác ở hầu khắp các phường, xã ngoại thành như: Đống Đa, Thắng Lợi, Diên Phú, xã Trà Đa, Biển Hồ…

Nếu như An Phú mạnh về sử dụng các loại thuốc hóa học thì khu vực trồng rau thuộc vùng Đống Đa, Thống Nhất lại mạnh về dùng… phân tươi. Ở những khu vực này, quy mô các vườn rau không lớn và thường xen kẽ trong địa bàn khu dân cư nên điều này là nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều người dân.

Chị M. (tổ 14-phường Thống Nhất-TP. Pleiku), kể: Trong xóm chị có nhà trồng rau vừa nuôi heo. Nhà ấy có xây hệ thống biogas hay không thì chị không rõ nhưng vài ngày một lần, lại thấy chị ấy xách nước phân heo tưới cho rau. Dù kín cổng cao tường nhưng không thể nào ngăn nổi mùi kinh khủng, hôi thối nồng nặc tấn công. Đến nỗi, vì có con nhỏ, vợ chồng chị đành phải chuyển mua nhà qua chỗ khác vì không chịu nổi sự tra tấn khủng khiếp của mùi hôi thối và để đảm bảo sức khỏe cho mọi người. “Rau nhà bà ấy nếu có đem cho cả xóm cũng không ai dám ăn. Bà ấy chỉ đem bỏ mối ngoài chợ đêm hoặc đem ra chợ bán cho khách lạ”-chị M, chia sẻ.
 

Suốt chu kỳ trồng dưa leo, sơ sơ cũng phải có đến vài chục lần phun các loại thuốc. Ảnh: Lê Hòa
Suốt chu kỳ trồng dưa leo, sơ sơ cũng phải có đến vài chục lần phun các loại thuốc.
Ảnh: Lê Hòa

Cùng sở hữu “vũ khí” chiến lược và vô cùng lợi hại là phân tươi, ông H. (tổ 12-phường Thống Nhất-TP. Pleiku) lại khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, rau nhà ông là rau sạch vì không phun nhiều thuốc hóa học. Chuyên làm nghề trồng rau cải, bắp sú, xà lách, mồng tơi… đổ mối chợ đêm hơn chục năm, ông chia sẻ kinh nghiệm, chỉ cần trộn lẫn phân bò hay phân heo khi làm đất và tưới nước đầy đủ, lâu lâu tưới cho chúng ít phân đạm là rau tự khắc tươi tốt. Chỉ khi rau nhiều sâu thì phun thuốc diệt trừ. “Giờ thì dùng nhà vệ sinh tự hoại hết rồi chứ trước còn dùng nước tiểu để tưới, rau cứ tốt ngùn ngụt chứ ai dùng thuốc kích thích làm gì”-ông H. nói và bày tỏ thái độ rất “dị ứng” với các loại chất kích thích hóa học dành cho rau. Ông còn hùng hồn cho rằng, những người phun thuốc kích thích là… làm ăn không có đạo đức và cho rằng, ngày trước ông bà ta toàn làm thế.

Phân gia súc, gia cầm từ lâu được sử dụng để bổ sung và cải tạo đất trồng. Đây là phương pháp làm giàu đất truyền thống, giúp đất đai màu mỡ và cây trồng nhờ thế được tốt tươi. Tuy nhiên, để phát huy được giá trị là nguồn phân bón hữu ích, tất cả các loại phân tươi đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình ủ hoai, xử lý cho kỹ trước khi đem ra bón. Và ngược lại, sẽ là điều vô cùng nguy hiểm. Phân tươi là nguồn lây nhiễm các vi sinh vật gây hại cực kỳ nguy hiểm như Ecoli, Salmonella… “Theo đúng quy trình, phân tươi phải được ủ kín với vôi hoặc phân vi sinh hay các chế phẩm khác khoảng 1,5-2 tháng cho đến khi hết mùi hôi, các vi sinh vật gây hại bị ức chế và tiêu diệt mới được đem ra bón cho cây trồng”-ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản-Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, cho biết.

“Tắm” thuốc cho rau

Ở An Phú bây giờ, nếu không phun các loại thuốc thì rau không thể “cho ăn”. Ảnh: Lê Hòa
Ở An Phú bây giờ, nếu không phun các loại thuốc thì rau không thể “cho ăn”. Ảnh: Lê Hòa

Trong chuyến xâm nhập thực tế tại cánh đồng rau An Phú với mong muốn học hỏi kinh nghiệm trồng rau để về nhà làm, chúng tôi được những người nông dân bày chỉ khá tận tình. Tất nhiên, những bí mật về các loại thuốc, cách dùng thuốc kèm cả những bí quyết bỏ tủ được họ bật mí.

Đứng đầu “bảng xếp hạng” về tần suất phun thuốc trong các loại rau quả là dưa leo. Kế đến là khổ qua, cà chua, đậu cô-ve, bắp cải, rau cải, rau muống… “Dưa leo từ khi tạo trái đến khi thu chỉ cần chừng 7-10 ngày. Cứ 2 ngày phun thuốc một lần, ít ong vàng hay sâu thì giãn ra làm 3 ngày/lần và có thể tăng tùy tình trạng ruộng dưa. Phun thuốc chống sâu, đuổi ong vàng và phải phun thêm cả thuốc làm cho trái đều, trái đẹp nữa thì mới được thu”-chủ một ruộng trồng dưa leo, khổ qua ở cánh đồng An Phú cho biết.

Với tần suất thu hoạch 2-3 ngày/lần của dưa leo được giãn so le so với “lịch” phun thuốc dày đặc như trên, thông thường, trái dưa leo từ thời điểm được phun thuốc đến khi thu hoạch sẽ được phun khoảng 3-4 đợt thuốc và khoảng cách từ lần phun cuối cùng đến khi đem ra chợ bán chỉ khoảng sau 24 giờ ngắn ngủi.
 

 Nông dân An Phú thu hoạch rau muống. Ảnh: Lê Hòa
Nông dân An Phú thu hoạch rau muống. Ảnh: Lê Hòa

Ông T. (thôn 3-An Phú) tính, khó có thể đếm được một lứa dưa leo phải phun khoảng bao nhiêu lần thuốc vì phụ thuộc vào thời tiết nhưng con số cũng phải rơi vào khoảng vài chục đợt. “Nhỏ thì kích thích rễ, lá rồi phun cho hoa đậu quả, kích quả lớn nhanh, đẹp mắt… Sơ sơ, tiền phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích cho một sào dưa leo cũng rơi tầm 8-10 triệu đồng. Nhờ kích thuốc mạnh chúng mới cho 4-5 tấn trái/sào, trồng rau mới có lời được”-ông T., nói. Ông cho biết thêm, đối với bắp cải-một trong những loại rau ăn lá phổ biến và cũng được liệt vào danh sách sử dụng hóa chất nhiều nhất, trung bình suốt 2 tháng trồng, chăm bón cho tới ngày thu hoạch, một sào bắp cải “ngốn” khoảng 4 triệu đồng tiền thuốc, phân bón các loại (bắp cải trồng theo phương thức truyền thống mất khoảng 3-3,5 tháng). Đậu cô-ve phải bón tưới nhiều thuốc hơn, nên chi phí rơi vào tầm 6-7 triệu đồng/sào. Quá nửa các khoản chi phí trên đều dành cho thuốc kích thích, thuốc trừ sâu.

“Không phun thuốc thì không thể có được rau ăn ở cánh đồng này. Bao nhiêu năm trồng rau, giờ sâu bệnh nhiều lắm”-ông T. thẳng thắn nói. Nhờ được “tắm” thường xuyên trong các loại hóa chất nên rau quả mới có được năng suất và sản lượng cao gấp nhiều lần so với chỉ áp dụng phương thức trồng rau “chay” không phun thuốc. Cũng nhờ phần lớn vào thuốc mà rau quả mới có được vẻ tươi non, đều đẹp và bóng bẩy, hút mắt người tiêu dùng. Không những thế, quy định rau xanh chỉ được phép thu hoạch 7 ngày sau khi phun các loại hóa chất để giảm thiểu tối đa lượng hóa chất còn tồn dư trong rau ăn và đảm bảo an toàn gần như bị lãng quên.

“Tiếp tay” cho việc nhồi nhét vô tội vạ các loại hóa chất lên rau, quả là hệ thống dày đặc các cửa hàng cung cấp với sự phong phú đến kinh ngạc của các sản phẩm chăm sóc rau xanh. Ghé vào tiệm bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nằm sát cổng chợ An Phú, mua 5 loại thuốc với tổng giá chỉ hơn 70 ngàn đồng, chúng tôi đã có trong tay khá đầy đủ các loại thuốc đử sức làm cho những cây rau, trái bóng mượt, đẹp đẽ và lớn nhanh như thổi, bất chấp quy luật sinh trưởng.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm