Kinh tế

Bài 1: Rừng Gia Lai ngày ấy-bây giờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Rừng vốn được mệnh danh là “lá phổi xanh” của Trái đất, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người và môi trường. Vì vậy, bảo vệ rừng luôn là yêu cầu cấp thiết. Thế nhưng trên thực tế, nhiều nơi ở nước ta, trong đó có Gia Lai, màu xanh của những cánh rừng đã bị thu hẹp đến mức báo động.  

Trái ngược hẳn với thực trạng cạn kiệt đáng lo ngại hiện tại, trước đây, rừng Gia Lai từng là “lá phổi xanh” của Tây Nguyên.

Rừng ngày ấy…

 

Ảnh: Minh Thi
Ảnh: Minh Thi

Rừng đầu nguồn khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ nguồn nước và điều tiết khí hậu không chỉ cho địa phương mà còn cho các tỉnh Duyên hải miền Trung, miền Đông Nam bộ và toàn bộ vùng hạ lưu sông Mê Kông. Không những thế, tài nguyên rừng nơi đây đóng vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng-an ninh cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân.

Theo kết quả kiểm kê rừng tự nhiên ban hành theo Quyết định số 165-CT ngày 18-5-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), tỉnh Gia Lai có diện tích tự nhiên 1.649.879 ha với diện tích đất lâm nghiệp 1.372.354 ha, trong đó đất có rừng tự nhiên 838.567 ha (gồm: 653.442 ha rừng sản xuất, 127.925 ha rừng phòng hộ, 57.200 ha rừng đặc dụng), đất trống đồi núi trọc 533.787 ha.

 

Bình quân mỗi năm diện tích rừng giảm 25.737 ha, chủ yếu là do các nguyên nhân như: chuyển mục đích sử dụng 101.696 ha (78%); khai thác rừng trồng theo kế hoạch 4.609 ha (4%); rừng bị khai thác, chặt phá trái pháp luật là 7.391 ha (6%); 802 ha rừng bị cháy. Chất lượng rừng cũng suy giảm rõ rệt, cụ thể: rừng có trữ lượng gỗ khá có diện tích rất thấp (1.772.744 ha), đạt độ che phủ là 32,4%; còn lại là chủ yếu rừng có trữ lượng thấp hoặc chưa có trữ lượng.

(Trích báo cáo tình hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên-Tổng cục Lâm nghiệp)

Rừng ở Gia Lai rất phong phú về các loài, kiểu, dạng khác nhau về tính chất, hình thái và ý nghĩa kinh tế. So với cả vùng Tây Nguyên, Gia Lai chiếm 28% diện tích lâm nghiệp, 30% diện tích có rừng và 38% trữ lượng gỗ. Ngoài ra, rừng Gia Lai còn có khoảng gần 100 triệu cây tre nứa và các loại lâm sản có giá trị khác như song mây, bời lời, sa nhân… và các loại chim thú quý hiếm. Sản lượng gỗ khai thác hàng năm 65.000 đến 85.000 m3.

Trong ký ức của những người làm công tác giữ rừng và các già làng sinh ra và lớn lên cùng rừng, tỉnh Gia Lai trước đây phần lớn được phủ kín bởi màu xanh của rừng. Đi đến đâu cũng có thể trông thấy những cánh rừng bạt ngàn. Hầu như mọi sinh hoạt của dân làng đều gắn bó với rừng. Là một trong những người công tác nhiều năm trong ngành Kiểm lâm ở Gia Lai, anh Đinh Ích Hiệp-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, đã chia sẻ với chúng tôi khá nhiều về những khu rừng-nơi anh đã từng gắn bó. Trực tiếp lái xe đưa chúng tôi đi tham quan rừng Chư Prông, anh Hiệp chỉ tay về phía hai bên đường nói: “Ngày trước chỗ này là rừng giàu đấy, cây cối bạt ngàn, phủ kín hết lối đi”.

Còn ông Võ Văn Hạnh- Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai thì hồi ức về rừng lại gắn liền với thuở học trò. “Năm 1977, tôi theo học cấp II tại Trường Thanh niên Lao động Xã hội chủ nghĩa ở Đê Par, xã Nam, huyện An Khê. Muốn vô trường, từ Tượng đài chiến thắng Đak Pơ bây giờ, chúng tôi phải đi bộ 12 km. Ngày ấy toàn là rừng, cây cối sum suê, rậm rạp lắm, đi học còn sợ bị cọp vồ nữa mà”-ông Hạnh nhớ lại.

Và bây giờ

 

Nhiều cánh rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Ảnh: Minh thi
Nhiều cánh rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Ảnh: Minh Thi

Theo số liệu thống kê tại báo cáo đánh giá tình hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2006-2012 của Sở Nông nghiệp và PTNT, đầu năm 2006, tổng diện tích rừng của tỉnh là 761.847,10 ha, trong đó rừng tự nhiên 727.035 ha, rừng trồng 34.811,4 ha. Đến cuối năm 2011, tổng diện tích rừng còn 719.478 ha, trong đó rừng tự nhiên 664.876 ha, rừng trồng là 54.602 ha. Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm, diện tích rừng tự nhiên giảm đến 62.159 ha.

Cùng với đó, chất lượng rừng (đặc biệt là rừng tự nhiên) cũng ngày càng bị suy thoái nghiêm trọng. Rừng có chất lượng cao, trữ lượng gỗ lớn còn ít và chủ yếu tập trung ở khu rừng đặc dụng. Rừng mới phục hồi do khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên chủ yếu là rừng non, giá trị về đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản cũng như tác dụng phòng hộ và bảo vệ môi trường thấp.

Nói về nguyên nhân khiến rừng ngày một cạn kiệt, ông Vũ Ngọc An- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: “Diện tích rừng giảm là do nhu cầu đất ở, đất sản xuất của nhân dân, đất xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi và chuyển đổi rừng sang các mục đích sử dụng khác theo quy định của Nhà nước (7.192 ha); chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su là 28.831,6 ha. Ngoài ra, tình trạng cháy rừng, phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép kéo dài từ năm 2000 đến 2012 đã làm giảm hơn 16.429,7 ha diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh”.

Nhóm P.V GLO

Có thể bạn quan tâm