Kinh tế

Bài 1: Thành công từ mô hình "lấy chợ nuôi chợ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với tư duy xây dựng chợ gắn với khu dân cư, đồng thời huy động nguồn đầu tư theo hình thức “lấy chợ nuôi chợ”, huyện Chư Pưh đã thành công trong việc xây dựng chợ nông thôn; góp phần hoàn thành một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Sự đồng thuận của tiểu thương

Đến chợ Ia Blứ (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) khi trời đã gần trưa, song nhiều hộ tiểu thương vẫn buôn bán tất bật. Khác với hình ảnh chợ quê tạm bợ, nhếch nhác thường thấy, chợ Ia Blứ được xây dựng với quy mô lớn và được đầu tư bài bản. Ngay chính giữa chợ là khu nhà lồng rộng rãi, xung quanh là các ki-ốt được xây dựng kiên cố, các sạp bán thức ăn, rau quả được dựng ngay ngắn; các hạng mục phụ như điện, nước, vệ sinh môi trường... cũng được đầu tư đầy đủ.

 

Một ki-ốt trong chợ Ia Blứ. Ảnh: L.L
Một ki-ốt trong chợ Ia Blứ. Ảnh: L.L

Nhanh tay xếp gọn chiếc áo cho khách hàng, chị Nguyễn Thị Hòa-tiểu thương kinh doanh quần áo trong chợ vui vẻ cho biết: “Tôi từng bán ở nhiều chợ rồi, nhưng từ ngày có chợ Ia Blứ thì tôi về đây bán luôn. Hàng bán cũng được mà không gian lại sạch sẽ, thoáng mát”. Còn chị Mai Thị Gái-chủ một ki-ốt kinh doanh hàng tạp hóa cho rằng: “Mức giá 120 triệu đồng/ki-ốt trong thời gian 20 năm cũng khá hợp lý. Nhờ kinh doanh trong chợ, hàng tháng trừ chi phí đầu tư ban đầu, gia đình cũng có thêm khoản thu nhập ổn định”.

Không những tạo môi trường giúp các tiểu thương kinh doanh, chợ Ia Blứ còn mở ra cơ hội kiếm sống cho nhiều hộ dân. Chị Phùng Thị Hòa (thôn Thiên An, xã Ia Blứ)-tiểu thương bán rau cho biết: Vườn tiêu cả ngàn trụ của gia đình bị bệnh chết hết, túng quẫn lại chẳng có việc làm tôi quay sang chạy chợ. Vốn ít nên tôi chỉ bán rau, củ, nhiều khi bán luôn cả rau nhà trồng. Nhờ vậy, hàng ngày cũng kiếm được dăm bảy chục ngàn đồng đủ chí phí sinh hoạt trong gia đình. Hơn nữa, Ban Quản lý chợ cũng rất tạo điều kiện, tiền chợ thu cũng hợp lý, chỉ 3.000 đồng/ngày”.

 

Ông Lưu Trung Nghĩa-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, cho biết: “Ngay từ đầu, huyện đã định hướng xây chợ gắn với xây dựng khu dân cư, bởi ở đâu có dân thì ở đó chợ sẽ sầm uất. Trên cơ sở đó, huyện ứng trước ngân sách giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, sau đó thu hồi lại bằng cách bán đấu giá các lô đất cho khu dân cư và đấu giá ki-ốt trong chợ”.

Thành công bước đầu

Theo ông Lê Quang Vang- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, chợ Ia Blứ có diện tích trên 8.000 m2, tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng. Chợ có 98 ki-ốt trong nhà lồng và các sạp khu vực xung quanh nhà lồng. Ngoài ra, còn có khoảng 30 sạp hàng ngoài trời kinh doanh các loại thức ăn, rau, củ và 50% chủ các lô nhà xung quanh chợ tham gia buôn bán... Chợ đi vào hoạt động từ tháng 10-2014, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của trên 7.600 hộ dân trong xã và một lượng người dân từ các xã lân cận, như: Ia Piơr, Ia Lâu (huyện Chư Prông). Chợ Ia Blứ không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương, đẩy mạnh giao thương, mà còn giải quyết được những bất cập do chợ tự phát tồn tại nhiều năm qua tại địa bàn.

Tấp vào mua vội một ít trái cây và đồ ăn, chị Nguyễn Thị Thùy Trang-giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Ia Blứ) cho biết: “Từ ngày có chợ, việc mua sắm tiện lợi hơn, hàng hóa cũng đa dạng. Nhiều mặt hàng trước phải lên tận huyện mua nhưng nay đã có thể mua tại xã”.

Với mô hình xây dựng chợ theo hình thức “lấy chợ nuôi chợ”, huyện Chư Pưh không chỉ xây dựng thành công chợ Ia Blứ mà còn sinh lời tái đầu tư. Cụ thể, tổng mức vốn đầu tư xây dựng chợ là 3,897 tỷ đồng (gồm phần giải phóng mặt bằng: 2 tỷ đồng, đầu tư xây dựng hạ tầng: 1,897 tỷ đồng). Trong khi đó, tổng số tiền thu hồi từ đấu giá đất và đấu giá ki-ốt lên đến 4,467 tỷ đồng (gồm tổng vốn huyện đấu giá đất thu hồi là 3,067 tỷ đồng và tổng vốn xã đấu giá ki-ốt và cho thuê sạp là 1,4 tỷ đồng). Như vậy, tính ra huyện còn thu thêm vào ngân sách 570 triệu đồng.

Từ thành công trên, huyện Chư Pưh đã lập kế hoạch và tiếp tục xây dựng các chợ nông thôn ở các xã trong trong thời gian tới, như ở xã: Ia Le, Ia Phang, Ia Hrú, Ia Hla, Ia Rong, Ia Dreng, Chư Don… Tùy từng chợ mà chọn hình thức đầu tư phù hợp; có chợ Nhà nước đầu tư 100%, cũng có chợ kêu gọi nhà đầu tư hoặc Nhà nước và nhân dân cùng làm. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, tạo động lực để phát triển các vùng nông thôn lân cận.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm