Kinh tế

Bài 2: Cạnh tranh khốc liệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Shop thời trang ở TP. Pleiku có lẽ phải lên tới con số hàng ngàn, tuy nhiên qua khảo sát cho thấy trung bình có một shop mở ra thì có một shop đóng cửa. Điều đó cho thấy thời trang may sẵn có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt để giành khách hàng.

Những shop thời trang đã tồn tại lâu năm, “có tiếng” tại phố núi có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, như shop Hương, Yến Nga, Thụy-đường Đinh Tiên Hoàng, Thục Quyên-đường Hùng Vương, Lệ Quyên-đường Trần Phú… Còn những shop thời trang mới mở không thể đếm xuể. Một người bạn của tôi có cửa hiệu đồng hồ trên đường Hùng Vương cảm thán: “Hình như cứ mỗi sáng ngủ dậy, tôi lại thấy có một shop thời trang mở trên đường này”.
 

Shop thời trang mọc lên dày đặc trước đường Lý Tự Trọng. Ảnh: N.B
Shop thời trang mọc lên dày đặc trước đường Lý Tự Trọng. Ảnh: N.B

Cạnh tranh khốc liệt

Shop mọc lên nhan nhản đồng nghĩa với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Mỗi cửa hàng đều phải đầu tư về mặt bằng, trang trí bắt mắt, tạo ấn tượng ngay trong sự khác biệt để thu hút khách. Một số shop mới mở được đánh giá là có phong cách riêng như shop Lady Sexy-đường Phan Đình Phùng có nội thất hoàn toàn bằng gỗ. Có mặt bằng tuyệt đẹp ngay góc đường Hai Bà Trưng-Nguyễn Đình Chiểu, My Shop sau mấy lần đổi chủ, đổi phong cách, hiện nay khá hút mắt với dàn cửa kính sang trọng và biển hiệu nổi bật. Chưa biết đến chất lượng hàng hóa, mẫu mã bên trong ra sao, “tín đồ” thời trang thường bị kích thích bởi phong cách riêng này.

Song, để đầu tư bài bản như vậy cũng không ít tiền, có khi đến cả trăm triệu đồng. Không phải chủ shop nào cũng có khả năng đầu tư trong khi lại muốn “nhảy” vào kinh doanh thời trang. Vì thế, người ít tiền mở theo kiểu ít tiền, người nhiều tiền kinh doanh hoành tráng hơn. Shop vẫn mọc lên ồ ạt ở khắp nơi, phát triển nhanh nhất là trên đường Hùng Vương, Thống Nhất, Lý Tự Trọng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Đình Chiểu…

Chị Thanh Ngọc-sống trên đường Lý Tự Trọng cho hay: “Thật không ngờ mới năm ngoái con đường này chưa có shop quần áo nào, sang năm nay đã có gần cả chục shop trên đoạn đường ngắn”. Và, quy luật cạnh tranh khốc liệt cũng thể hiện rõ khi không ít shop mới mở đã “chết yểu” ngay sau đó. Nhiều shop trên đường Thống Nhất, Nguyễn Đình Chiểu mới thấy khai trương tháng trước, tháng sau đã đề biển “Sang shop” hoặc “Giảm giá 50% các mặt hàng để đóng cửa”.

Từ bình dân đến xa xỉ

Thực tế shop thời trang ở Pleiku có thừa, nhưng phong cách quần áo lại na ná nhau, không có sự khác biệt. Vì thế, khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn bởi không mua ở shop này, có thể tới shop khác. Chính điều này khiến các shop phải cạnh tranh gay gắt về giá. Chỉ cần 150-400 ngàn đồng, khách hàng đã có thể mua được quần áo ở bất kỳ shop quần áo nào. Giá rẻ, mẫu mã đa dạng, hợp thời trang nhưng các shop bán dạng quần áo “bình bình” này chỉ mặc định đối tượng khách hàng tuổi teen hoặc người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng có điều kiện thường yêu cầu kỹ hơn trong đường kim mũi chỉ, đòi hỏi cao hơn về chất liệu lại tìm đến những shop bán quần áo cao cấp hơn như Hải Vân-Phan Đình Phùng, Only Hee-đường Đoàn Thị Điểm; shop Hương, Thụy-đường Đinh Tiên Hoàng, Queen-Hoàng Văn Thụ… Ở đây, quần áo giá nào cũng có, từ vài trăm đến vài triệu đồng một sản phẩm.

Vài năm trở lại đây, những khách hàng có điều kiện rất chuộng hàng xách tay từ nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ một số ít shop dám mạnh tay đầu tư mặt hàng “vốn lớn, lãi cao” này. Chủ một shop quần áo, mỹ phẩm chuyên bán hàng xách tay trên đường Hoàng Văn Thụ tiết lộ: “Người ta nói dân Pleiku bạo tay mua sắm cũng không sai. Hàng xách tay nước ngoài về có giá vài triệu đồng một mẫu hàng nhưng cũng không có hàng để bán. Khách hàng thường rất “chuộng” đầm dạ hội, áo size to cho người thừa cân hoặc các mẫu áo măng tô, áo da nước ngoài”.

Tới thêm một shop kinh doanh thời trang xách tay nước ngoài trên đường Đoàn Thị Điểm, chúng tôi phát “sốt” với chiếc áo da của thương hiệu Dior với giá hơn 1.000 USD (khoảng hơn 20 triệu đồng). Thế nhưng, chủ shop ở đây tiết lộ, đây mới chỉ là mức giá “tầm tầm”, có những mặt hàng giá còn cao hơn gấp nhiều lần. “Nếu hàng đẹp, đắt mấy cũng có khách mua”- Chủ shop này khẳng định.

Ngoài ra, hàng Việt Nam xuất khẩu cũng đang là xu hướng mới của khách hàng yêu thời trang. Dù mặt bằng giá cao hơn so với hàng có xuất xứ Trung Quốc hoặc lấy sỉ từ các chợ đầu mối nhưng chất liệu tốt, kiểu dáng đơn giản, thanh lịch, đặc biệt phù hợp với nhiều lứa tuổi đã khiến nhiều tín đồ thời trang “phải lòng” mặt hàng này. Nhiều shop mới mở đã bắt kịp ngay với xu hướng mới này của khách như Co.Co Boutique-đường Đinh Tiên Hoàng, Vina-đường Lý Tự Trọng…

Dù thời trang bình dân hay xa xỉ thì hàng hóa nào sẽ có khách hàng đó. Kinh tế khó khăn đến mấy nhưng “thời trang không bao giờ chết”-thậm chí nó luôn phát triển trước một bước bởi càng ngày thời trang càng không đơn giản chỉ là một bộ trang phục khoác lên người để che cơ thể…

Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm