(GLO)- Gia Lai hiện có 86,9 vạn ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng 71,9 vạn ha, độ che phủ rừng 45,7%. Tuy nhiên có một điều không thể phủ nhận, đó là những cánh rừng của tỉnh đang ngày càng bị thu hẹp mà nguyên nhân phần lớn là do sự tàn phá và khai thác thiếu hợp lý của con người.
Những con số đáng lưu tâm
Theo báo cáo về đánh giá tình hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2006-2012 của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2006 đến tháng 8-2012, tổng số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng là 11.164 vụ. Trong đó: 406 vụ phá rừng trái phép; 1.052 vụ vi phạm về khai thác gỗ và lâm sản khác; 21 vụ cháy rừng; 157 vụ vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã; 8.802 vụ mua bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản; 244 vụ vi phạm quy định về chế biến gỗ; 482 vụ là các vi phạm khác.
Khai thác gỗ. Ảnh: Minh Thi |
Tổng số vụ đã xử lý là 11.123 vụ, trong đó có 10.998 vụ xử lý hành chính và 125 vụ khởi tố hình sự; tịch thu 2.725 ô tô, xe máy, máy kéo; thu giữ 3.057 kg động vật hoang dã và 16.428 m3 gỗ tròn cũng như gỗ xẻ nhóm 1 đến nhóm 8. Tổng số tiền phạt, bán tài sản đã thu nộp vào ngân sách hơn 117,8 tỷ đồng.
Báo cáo về công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2013 của UBND tỉnh Gia Lai cũng nêu rõ: Tính đến cuối tháng 4-2013, tổng số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng là 226 vụ. Trong đó có 4 vụ phá rừng trái phép với diện tích thiệt hại 21,510 ha; 14 vụ vi phạm về khai thác gỗ và lâm sản khác; 2 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại 206,8 ha; 198 vụ mua bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản; 2 vụ vi phạm quy định về chế biến gỗ; và 6 vụ vi phạm khác.
Theo đó, tổng số vụ đã xử lý là 223 vụ với 127 vụ xử lý hành chính (90 vụ tịch thu không xử lý) và 6 vụ khởi tố hình sự; tịch thu 3 ô tô, máy kéo và 4 phương tiện khác; thu giữ 168,26 m3 gỗ tròn (gỗ nhóm 1 là 3,67 m3), 457,31 m3 gỗ xẻ (nhóm 1 là 38,79 m3). Tổng số tiền phạt, bán tài sản thu nộp vào ngân sách hơn 3,5 tỷ đồng.
Gỗ bị các lực lượng chức năng thu giữ. Ảnh: Minh Thi |
Những vụ phá rừng được phát hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây là minh chứng xác đáng nhất để trả lời cho câu hỏi “vì sao mất rừng?”. Đó là thực trạng những cánh rừng thuộc quản lý của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa, huyện Kông Chro bị lâm tặc xâm hại liên tiếp những vụ khai thác gỗ với khối lượng lớn (tháng 10-2012); rừng phòng hộ Ayun Hạ, rừng phòng hộ Đức Cơ, Đak Pơ với hàng loạt cây gỗ bằng lăng, cà chít, căm xe… bị đốn hạ còn trơ gốc; hay vụ việc hàng ngàn cây thông trên 30 năm tuổi thuộc tiểu khu 499 và trên 150 ha rừng cây sao xanh (tức rừng trồng) tại làng Đê Rơn (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) bị triệt hạ để lấy đất trồng tiêu (tháng 5-2013). Và gần đây nhất là việc phát hiện một đường dây gỗ lậu “khủng” tại khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 3A thuộc bến làng Tung, xã Ia Khai, huyện Ia Grai vào chiều 6-6-2013. Cứ thế, rừng ở Gia Lai liên tiếp bị “bào mỏng”, bất chấp nỗ lực giữ rừng của các cơ quan chức năng.
Gỗ rừng thành tàn tro
Bên cạnh các hành vi khai thác rừng vì nguồn lợi bất chính, một nguyên nhân nữa làm cho nguồn tài nguyên rừng ở Gia Lai ngày một cạn kiệt là việc lén lút đốt rừng và lấn chiếm trái phép đất rừng để làm nương rẫy của một số đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này cũng dễ lý giải, bởi dân cư Gia Lai đa số là người dân tộc địa phương, trình độ dân trí thấp, sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, đời sống còn nghèo, kinh tế còn lắm khó khăn. Hơn nữa, trong những năm gần đây, do áp lực về tăng dân số, tách hộ nên đồng bào dân tộc thiểu số sống tại địa phương thiếu đất ở và sản xuất, từ đó dẫn đến tình trạng trên.
Ảnh: Minh Thi |
Tháng 4-2013, trong hành trình đi thực tế để viết loạt bài này, chúng tôi đã mục sở thị những cánh rừng tại xã Ia Mơr, huyện Chư Prông. Lần theo âm thanh của tiếng cưa máy, chúng tôi bắt gặp 2 người đàn ông đang hì hục xẻ gỗ. Trông thấy màu áo kiểm lâm cùng mấy ống kính của phóng viên, trên mặt họ lộ rõ sự lo lắng. Một trong 2 người là Rah Lan Kriu vội thanh minh rằng, họ không phải là lâm tặc. Cả hai cùng ở làng Krông, xã Ia Mơr và cây gỗ này đã bị ai đó chặt hạ từ lâu, họ vô tình thấy được mới mang cưa đến xẻ để đem về làm nhà ở.
Ở những trọng điểm phá rừng nghiêm trọng, chính quyền địa phương chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm về quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp, thiếu kiên quyết chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng… UBND xã được Nhà nước giao quản lý rừng nhưng không đủ điều kiện (nhân lực và tài chính) để tổ chức bảo vệ rừng… (Báo cáo thực trạng và đề xuất chỉ đạo công tác bảo vệ rừng khu vực Tây Nguyên của Tổng cục Lâm nghiệp) |
Trên thực tế, ai cũng biết việc chặt cây rừng về làm nhà chẳng phải là chuyện bây giờ mới có. Nếu không có việc người khác đốn cây trước thì trường hợp một số người tự ý chặt cây trái phép là điều thường xuyên xảy ra ở khắp nơi trong tỉnh. Và, cái kiểu phá rừng như thế vẫn cứ tiếp diễn trong khi các ngành liên quan thì cho rằng khó có thể xử lý một cách triệt để tình trạng này.
Băng qua những cánh rừng trên con đường lồi lõm và mịt mù bụi, chúng tôi đã chứng kiến không ít đám cháy do đồng bào nơi đây đốt. Bước ra từ lán trại của mình, ông Rơ Châm Hiếu (làng Klăh, xã Ia Mơr) phân trần: “Mấy cái cây này người ta chặt từ lâu rồi, người ta cũng đốt rồi. Tôi thấy để đó chẳng làm gì nên mới đốt lại cho sạch, lấy ít đất trồng trọt chứ có vi phạm gì đâu”.
Dạo một vòng quanh lán trại của ông Hiếu, nhìn ngọn lửa ngùn ngụt thiêu rụi một khoảnh rừng mà chúng tôi thấy xót xa. Những cây rừng cỡ lớn bị đốn hạ, nằm ngổn ngang, bao quanh là một vùng lửa đỏ. Cạnh đó là những khu đã bị đốt cách thời điểm ấy không lâu, hơi nóng vẫn còn bốc lên hừng hực. Ở một vài gốc cây, lửa vẫn còn âm ỉ cháy. Khoảnh rừng xanh hôm nào, giờ chỉ còn lại một màu nâu đen hoang tàn…
Nhóm PV GLO