(GLO)- Thực tế có không ít những cánh rừng tiếp giáp với khu định cư của đồng bào dân tộc thiểu số, có những ngôi làng nằm trong khu vực rừng. Vậy, rừng có mang lại nguồn lợi chính đáng cho người dân sống gần rừng hay không?
Phải khẳng định rằng, 5 năm về trước, Chính phủ có chủ trương cho người dân hưởng lợi từ rừng thông qua việc nhận khoán bảo vệ rừng; khai thác lâm sản phụ dưới tán rừng, giúp người dân có thu nhập chính đáng góp phần ổn định cuộc sống, giảm thiểu tình trạng xâm hại rừng trái phép. Cụ thể hóa các chủ trương trên, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án khoán rừng cho 4 công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp: Kông Chiêng, Kông Hde, Ia Pa, Ka Nak và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Sê, tổng diện tích 5.492 ha. Giao khoán bảo vệ rừng theo Quyết định 304 với tổng diện tích 40.414 ha. Giao khoán trên 1.489 ha đất rừng sản xuất theo Nghị định 135 và giao bảo vệ rừng theo chương trình 5 triệu ha rừng với mức bình quân khoán 74.343 ha/năm cho khoảng 2.480 hộ sống gần rừng.
Bà con xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah dọn thực bì phòng-chống cháy rừng. Ảnh: Đức Thụy |
Đi cùng chủ trương giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng, mỗi hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng được hưởng mức tiền công giữ rừng khởi điểm là 50.000 đồng/ha/năm; sau đó tăng lên 100.000 đồng; đến năm 2011 thì mức tiền công nhận khoán bảo vệ rừng tăng lên 200.000 đồng/ha/năm. Mức chi trả tiền công giữ rừng dù thấp, song ít nhiều cũng gắn trách nhiệm của người nhận khoán với rừng. Ông Tưởng Phúc-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly (huyện Chư Pah) chia sẻ: Bình quân mỗi hộ nhận khoán quản lý bảo vệ 30 ha rừng; các hộ nhận khoán tự phân chia thành nhóm luân phiên thực hiện phần việc tuần tra, bảo vệ rừng. Sự hiện diện của những người nhận khoán quản lý bảo vệ rừng đã góp thêm lực lượng thực hiện có hiệu quả các giải pháp giữ rừng, hạn chế tình trạng xâm hại rừng trái phép.
Cũng theo ông Phúc, để giữ rừng bền vững, ngoài mức chi trả tiền công, cần có cơ chế cho người nhận khoán hưởng thêm nguồn lợi từ việc tận thu lâm sản phụ dưới tán rừng, nâng cao thu nhập, giúp người nhận khoán sống được từ nghề giữ rừng. Thế nhưng thực tế cho thấy, rừng được giao khoán, quản lý bảo vệ hiện nay thuộc nhóm rừng nghèo, rừng mới tái sinh; việc đầu tư làm giàu vốn rừng lại không thực hiện được vì thiếu vốn nên người nhận khoán không tận thu được gì. Do đó, thực tế người dân nhận khoán bảo vệ rừng chỉ hưởng được phần tiền công nhận khoán 100.000 đồng-200.000 đồng/ha/năm tùy theo hình thức khoán. Mức hưởng lợi từ rừng này chưa thật sự trở thành động lực để người nhận khoán tích cực giữ rừng; thậm chí một số ban quản lý rừng đã linh động giải quyết cho người nhận khoán nghỉ 6 tháng mùa mưa nhưng vẫn hưởng đủ tiền nhận khoán cả năm nhưng vẫn không kéo được người dân gắn bó với rừng; dẫn đến việc giữ rừng dồn về chủ rừng.
Làm rõ thêm hạn chế này, ông Nguyễn Văn Cậy-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chiêng (huyện Mang Yang) cho biết: Diện tích rừng giao khoán quản lý, bảo vệ thí điểm theo Quyết định 304 QĐ-TTg chủ yếu là rừng nghèo, lâm sản phụ tận thu không có gì, nên người dân chỉ nhận tiền hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm. Mức nhận khoán này góp phần tăng thu nhập nhưng chưa xóa được nghèo cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và chính việc hưởng lợi trực tiếp từ rừng của người dân địa phương nhận khoán chưa được nhiều nên công tác quản lý, bảo vệ rừng theo hình thức nhận khoán không hiệu quả.
Tổng hợp của Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT), toàn tỉnh có 1.885 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng, đất rừng sản xuất từ các Chương trình 178, 304, 135. Đồng thời có 2.480 hộ nhận khoán bảo vệ rừng theo chương trình 5 triệu ha rừng. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vũ Ngọc An, đến thời điểm này chỉ còn chương trình 5 triệu ha rừng được tiếp tục giao khoán từ nguồn vốn đầu tư của tỉnh thay cho nguồn vốn Trung ương. Các chương trình còn lại đã tạm dừng và cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đang hoàn tất thủ tục chi trả tiền công cho hộ nhận khoán trong thời gian sớm nhất. |
Cơ chế chi trả mức nhận khoán từ 100.000 đến 200.000 đồng/ha/năm (mức hỗ trợ tùy theo Chương trình giao khoán) dù thấp, song người nhận khoán vẫn còn trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên trách nhiệm đó sẽ mất theo chủ trương tạm dừng các chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho người dân theo tinh thần Quyết định 178, 304 và 135 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Việc tạm dừng chương trình giao khoán quản lý bảo vệ rừng-theo Chi cục Lâm nghiệp là xuất phát từ hiệu quả các chương trình mang lại không cao; các chính sách liên quan đến giao-nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều bất cập. Cụ thể, Chương trình giao khoán rừng có hưởng lợi theo tinh thần Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ đã nảy sinh nhiều bất cập như chu kỳ kinh doanh của rừng quá dài, trong khi đó người nhận khoán rừng đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nên không thể chờ đợi đến khi rừng đủ điều kiện khai thác để hưởng lợi. Các văn bản hướng dẫn chính sách hưởng lợi từ rừng chưa cụ thể.
Không chỉ có Chương trình 178, việc giao khoán bảo vệ rừng theo Quyết định 304 cũng không mang lại hiệu quả. Bởi vì, rừng nghèo được giao cho các hộ thuộc diện nghèo nên người nhận khoán không hưởng lợi được gì từ nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng. Hơn nữa, các chế độ hỗ trợ cho người nhận khoán quản lý, bảo vệ không cụ thể; nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình của Trung ương cấp về không kịp thời, dẫn tới quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều lúng túng.
Đặc biệt, quá trình thực hiện chủ trương giao khoán đất rừng sản xuất cho dân theo Nghị định 135 của Chính phủ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt phương án cho 3 Ban Quản lý Rừng phòng hộ: Hà Ra, Chư Sê và Nam Phú Nhơn, tổng diện tích giao khoán cho 159 hộ trên 1.498 ha. Thế nhưng việc nhân rộng chủ trương lớn của Nhà nước hướng đến mục tiêu sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh không thể thực hiện. Lý do, tỉnh chưa hoàn thành quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng; phương án tổ chức sản xuất kinh doanh của các chủ rừng, nhất là Ban Quản lý rừng phòng hộ chưa ổn định.
Quang Văn - Anh Khoa