(GLO)- Phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu sản phẩm thô chỉ qua sơ chế; bản thân các doanh nghiệp lại không chủ động được thị trường. Thách thức mà các doanh nghiệp phải đối diện khi tham gia ATIGA chính là nguy cơ nhập siêu gia tăng do những bất lợi về năng lực cạnh tranh giá cả, chất lượng và công nghệ…
Ảnh: Đức Thụy |
Cùng nằm trong khu vực có những yếu tố tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng nên những mặt hàng nông sản của tỉnh sản xuất được thì các nước ASEAN cũng sản xuất được. Vì vậy, các dòng thuế quan được dỡ bỏ vừa là lực đẩy khiến nhiều sản phẩm của tỉnh có thể vươn xa, nhưng cũng là lực hút đối với hàng hóa nước ngoài. Theo cam kết, đến năm 2018 sẽ có tới 90% dòng sản phẩm nhập khẩu thuế suất bằng 0%. Theo đó, những mặt hàng có thế mạnh của tỉnh như: cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu... phải cạnh tranh với các mặt hàng của Thái Lan, Indonesia, Campuchia… Việc mở rộng và giữ vững thị trường xuất khẩu cũng là thách thức không nhỏ trong quá trình hội nhập. Bản thân hàng nông sản của tỉnh khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khu vực về chất lượng, mẫu mã, các tiêu chuẩn kỹ thuật...
Điều này có thể thấy rõ đối với thị trường hồ tiêu hiện nay. Theo ông Phạm Trung Thành-Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ-Gia Lai thì: Thị trường hồ tiêu trong tỉnh rất khan hiếm (giá hiện tại đã lên đến 215.000 đồng/kg), nhiều doanh nghiệp muốn mua nhưng không có, bản thân nhà máy của doanh nghiệp hiện đang phải đóng cửa vì không có nguyên liệu. Trong khi đó từ tìm hiểu của doanh nghiệp thì sản lượng hồ tiêu ở Campuchia hiện đang rất rồi dào, có thể cung cấp một sản lượng lớn.
Thực hiện cam kết ATIGA, Việt Nam đã cắt giảm gần 8.600 dòng thuế xuống thuế suất 0% tính đến thời điểm 2014. Chỉ còn lại khoảng gần 700 dòng thuế (chiếm 7% Biểu thuế), chủ yếu là những mặt hàng nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và ASEAN và sẽ xuống 0% vào năm 2018, tập trung vào các nhóm hàng như: ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng… |
Như vậy, một khi rào cản về thuế không còn, những thủ tục hành chính, hải quan được tháo gỡ, thuận lợi hơn thì nguồn nguyên liệu hồ tiêu từ Campuchia sẽ tràn sang Việt Nam. Nó tạo ra nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào cho các doanh nghiệp, đáp ứng việc chế biến, xuất khẩu mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước. Nhưng nó cũng tạo sự cạnh tranh rất lớn đối với thị trường hồ tiêu trong nước nói chung, trong tỉnh nói riêng. Đó là chưa kể những vấn đề phát sinh. Nếu không có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ sẽ gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến thương hiệu hồ tiêu Việt Nam.
Thời gian qua, ASEAN liên tục thuộc nhóm các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tăng trưởng xuất khẩu của ta sang ASEAN đang có chiều hướng chậm lại. Một trong những nguyên nhân là các ưu thế về xuất khẩu với khối thị trường truyền thống có vị trí địa lý gần, như các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-ATIGA-chưa được tận dụng tối đa. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ nhỏ bé về quy mô vốn liếng, thiết bị lạc hậu, công nghệ đi sau nhiều chục năm so với các nước trong khu vực, lao động chưa qua đào tạo là chủ yếu… Đây là những điều đáng lo ngại khi chúng ta hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.
Chính vì thế, doanh nghiệp muốn tận dụng hiệu quả nhất các cơ hội mà AEC mang lại, điều quan trọng là phải thường xuyên nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh hàng xuất khẩu, nhất là các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu.
Sau khi AEC hình thành, việc không còn rào cản thuế quan hay thuế suất bằng 0% là lợi ích to lớn nhất khi AEC định hình, sẽ kích thích xuất khẩu, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên. Tuy nhiên, nếu rào cản thuế quan được gỡ bỏ hoàn toàn và mang lại lợi ích kinh tế lớn thì xuất xứ sẽ là yếu tố được quan tâm hàng đầu, đó sẽ như là một rào cản mới đối với doanh nghiệp. Bởi để được hưởng các ưu đãi trên thì hàng hóa các nước trong khối ASEAN phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ từ các nước này, theo tỷ lệ được quy định cụ thể đối với từng mặt hàng. Đây chính là sức ép đối với các doanh nghiệp, phải có lộ trình thích nghi, thay đổi phù hợp.
Hà Duy-Lê Lan