(GLO)- Dự án công trình thủy điện An Khê-Ka Nak do Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 quản lý, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư. Dự án trải dài trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định, có tổng công suất thiết kế 173 MW, khởi công từ năm 2005 và năm 2010 thì tích nước, sau đó là phát điện. Đến nay sau 9 năm, dự án đã phản ánh đầy đủ ý nghĩa giá trị cũng như những hệ lụy mà nó gây ra.
Tính toán của chủ đầu tư, các nhà chuyên môn, chuyên gia đều cho rằng khai thác tài nguyên thiên nhiên, dự án với định suất đầu tư thấp, làm ra dòng điện phục vụ phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh, đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng khô hạn về mùa khô, lũ lụt về mùa mưa, đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái và nuôi trồng phát triển thủy sản, xa hơn còn để làm du lịch...
Bok Vik (bên phải, người dân làng Groi) trao đổi với phóng viên. Ảnh: N.D |
Tuy nhiên ngay khi vừa mới bắt đầu tích nước lòng hồ thủy điện, dự án đã vấp phải nhiều phản ứng từ các cấp, các ngành và nhân dân trong khu vực. Tồn tại nặng nề nhất là nó nắn dòng chảy vốn bình thường của sông Ba đổi hướng thành chảy xuống Bình Định. Việc thay đổi dòng chảy đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân và môi trường của một loạt địa phương, bắt đầu là từ thị xã An Khê: dẫu đã tính toán, tranh luận, thậm chí tranh luận nảy lửa nhưng trên thực tế sau khi thủy điện tích nước, An Khê đã khác xa so với trước đây. Và sông Ba thì khô cạn, bị ô nhiễm nghiêm trọng về mùa khô và lũ lụt về mùa mưa, mà trận lũ lịch sử vừa qua là sự cảnh báo không thừa.
Tình trạng khô cạn sông Ba trong mùa khô đã kéo theo vấn đề ô nhiễm môi trường trầm trọng, vì lưu lượng nước xả không theo yêu cầu cam kết, không đủ khả năng rửa trôi. Trong khi đó, An Khê là thị xã trẻ, đang trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa-hiện đại hóa, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp ra đời và liên tục mở rộng công suất sản xuất như nhà máy ván sợi ép, nhà máy tinh bột sắn, nhà máy đường, nhà máy chế biến đá bazan và hàng trăm cơ sở sản xuất khác. Ngoài một số cơ sở sản xuất lớn đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra sông Ba (sau nhiều lần bị phát hiện, xử lý thì tình hình mới được cải thiện) thì hầu như các cơ sở còn lại đều không thực hiện yêu cầu này.
Trước đây chưa lâu, sau khi thực tế kiểm tra cùng với các vị lãnh đạo một số sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm sông Ba. Theo ông, ngoài trách nhiệm chính của Nhà máy Đường An Khê thì còn bởi nhà máy thủy điện không thực hiện đúng cam kết cung cấp nước đảm bảo lưu lượng đủ để rửa trôi chất thải, giữ môi trường sinh thái và phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Sông cạn, rác và nước bẩn đã khiến sông Ba vốn trong xanh, thơ mộng trở thành con sông chết. Không sao có thể tả xiết mùi hôi thối và nỗi bất bình của người dân thị xã kể từ khi thủy điện tích nước cho đến nay.
Mùa khô đã vậy còn mùa mưa thì thủy điện gây ra lũ lụt cho vùng hạ du, do quy trình vận hành hồ chứa và xả lũ không theo quy định. Do ảnh hưởng của các cơn bão 14, 15, Thủy điện An Khê-Ka Nak đã cho xả lũ đột ngột, bất ngờ, lưu lượng lớn, lần đầu tiên sau 30 năm, làm cho một vùng rộng lớn, cầu bắc qua sông Ba ngập sâu đến cả mét, chia cắt thị xã An Khê hàng giờ đồng hồ. “Thực tế hồ chứa nước thủy điện An Khê xả lũ điều tiết lũ trước khi lũ về hồ không hợp lý, xả lũ lên đến 2.400 m3/s trong một thời gian ngắn đã làm ngập lũ nghiêm trọng cho vùng hạ du đập, đây là vấn đề thiếu sót, tồn tại của Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak trong vận hành xả lũ, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục sửa chữa” (Thông báo số 114/TB-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh, ngày 26-12-2013).
Đặc biệt, việc xây dựng công trình thủy điện An Khê- Ka Nak đã làm ngập hơn 2 ngàn ha đất, nhiều làng buộc phải di dời để tổ chức lại cuộc sống và sản xuất cho nhân dân. Dù được đền bù, tạo điều kiện, hỗ trợ nhưng đến nay nhiều làng vẫn chưa thể ổn định, vẫn thiếu nước sinh hoạt, đất sản xuất cằn cỗi, bạc màu và lại xa nơi cư trú.
Nghiêm trọng nhất là tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội địa phương, nguyên nhân là do công tác đền bù thiệt hại cho dân chưa thỏa đáng. Làng Groi (thị trấn Kbang, huyện Kbang) có 92 hộ mất đất sản xuất còn chưa được giải quyết triệt để. Ông Đoàn Thanh Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Nhiều điểm tái định canh, định cư cho dân lòng hồ thủy điện cơ bản đã hoàn thành, riêng làng Groi thì chưa.
Dân làng Groi vì “bức bí” đất sản xuất nên đã mượn đất của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai để làm, rồi lấn chiếm, khiến cho đơn vị này phải chịu trách nhiệm thiếu sót trong quản lý, sử dụng đất. 423,95 ha đất trên cos (cốt) ngập lòng hồ thủy điện, Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 cũng chưa đền bù, hỗ trợ cho dân. Phần giá trị chênh lệch về đất giữa nơi đi và nơi đến, bên có trách nhiệm cũng chưa giải quyết thỏa đáng.
“Sốt ruột trước quyền lợi và tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, huyện đã 2 lần lập hồ sơ, phương án đền bù cho dân và đề nghị Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 thống nhất giải quyết nhưng đều thất bại”-ông Trần Vĩnh Hương-Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết.
Thất Sơn-Nguyễn Diệp