Trong nhiều năm liền, số thu BHYT tự nguyện luôn không đủ chi. Từ năm 2005 đến 2009, nguồn quỹ này bị thâm khá cao, lên đến hơn 26 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là nguồn quỹ này bị lạm dụng. Ngoài ra, cán bộ làm công tác giám định chi của BHYT cũng chưa thực thi tốt chức trách của mình. Ngay tại hai cơ sở khám- chữa bệnh lớn của tỉnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa- nơi Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh ký hợp đồng khám- chữa bệnh BHYT đã có nhiều sai phạm xảy ra.
Kiểm tra 500 phiếu khám- chữa bệnh ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngành chức năng phát hiện đến 429 phiếu khống. Trong số này, chỉ có thuốc nhận là thực. Nhưng không hiểu làm cách nào để hợp lý hóa số phiếu khống này, tuồn thuốc bảo hiểm ra ngoài (?). Cụ thể, tên, địa chỉ của người khám- chữa bệnh trên phiếu là đúng nhưng những người này không hề đi khám và nhận thuốc. Lý do xác tín nhất là số thẻ khám- chữa bệnh trên cho viên chức bệnh viện mượn. Và cũng không loại trừ một số viên chức trên căn cứ vào số thẻ khám- chữa bệnh BHYT của những lần khám trước đó để ghi vào phiếu xuất thuốc. Chẳng hạn, có trường hợp anh N.X.S. (người cung cấp đề nghị giấu tên-P.V), công tác tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao tỉnh bị mất thẻ bảo hiểm hơn 2 năm nay nhưng vẫn có tên đến khám- chữa bệnh, lấy thuốc tại bệnh viện. Anh S. cho biết mình rất bất ngờ và thấy khôi hài khi nhận được thông tin này.
Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Nguyễn Giác |
Đồng thời, đã phát hiện 404 hồ sơ nhân viên bệnh viện lạm dụng thẻ của mình lấy thuốc BHYT với tần suất “khám bệnh” rất dày (20-40 lần/năm). Tổng số tiền từ các lần “khám” này lên đến hơn 140 triệu đồng. Việc cố ý làm sai này dĩ nhiên là có sự tiếp tay từ một số người có thẻ BHYT. Số “bệnh nhân đau ốm” triền miên này với nhiều điều bất minh đã chứng minh phần nào quỹ khám- chữa bệnh BHYT luôn bị âm nhiều năm liền.
Việc khám- chữa bệnh ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng dính đến sai phạm ngay từ “nội bộ”. Chỉ kiểm tra sơ bộ hồ sơ bệnh án của nhân viên bệnh viện trong hai năm (2007-2008), ngành chức năng phát hiện có 38 hồ sơ có bệnh án nhập viện điều trị nội trú. Nhưng các “nhân viên đau ốm” này lại thể hiện sự “mẫn cán” bất thường khi trên bảng chấm công họ vẫn đi làm… bình thường. Chỉ với 27/38 hồ sơ sai phạm, số tiền đã gần 30 triệu đồng.
Cùng với những sai phạm trên là công tác giám định chi BHYT từ năm 2007 đến 2009 đã chứng tỏ nhiều lỗ hổng trong quản lý. Tổng cộng đã có hơn 25 ngàn hồ sơ khám- chữa bệnh không đủ điều kiện thanh toán nhưng vẫn được thanh toán với số tiền hơn 6 tỷ đồng. Nhiều bệnh án, phiếu thanh toán ra viện sai mã thẻ, thuốc ngoài danh mục… nhưng vẫn được chấp nhận. Không loại trừ số tiền này có thể nhiều hơn nếu thống kê công tác giám định chi của những năm trước đó.
Nhiều sai phạm tương tự cũng đã xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa. Trong thời gian 2005-2009, bệnh viện này đã bị xuất toán gần 700 triệu đồng trong việc khám- chữa bệnh theo nguồn BHYT. Số tiền bị xuất toán gồm có tiền thuốc, vật tư y tế, tiền công thanh toán… không đúng quy định. Sai phạm không chỉ dừng lại tại đây bởi qua điều tra đã phát hiện 22 người có tên trong phiếu khám bệnh không hề đến bệnh viện khám- chữa bệnh. Nhiều nhân viên ở đây đã lợi dụng là “người nhà” của bệnh viện để nhờ kê đơn, xác nhận rồi lấy thuốc cho người thân.
Những sai phạm trên là điển hình của thủ đoạn rút ruột nguồn quỹ khám- chữa bệnh BHYT. Có điều lạ là không một nơi nào từ giám sát, thực hiện, thanh toán… phát hiện sai phạm để chấn chỉnh cho đến khi vụ việc vỡ lở.
Trần Hiếu