Chính trị

Tin tức

Bài 2: Thân thương ngôi nhà đón Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hình ảnh già Hồ-Bok Hồ-Yang Hồ bao giờ cũng thật gần gũi và thân thương đến lạ đối với người dân Tây Nguyên- dù rằng Bác chưa một lần đến với mảnh đất bazan bạt ngạt của núi rừng Tây Nguyên-dù rằng chỉ gặp Bác trong lời ca tiếng hát, qua lời kể của những người may mắn được gặp Bác và rồi “Không được đón Bác vào thăm thì làm nhà rước Bác vào ở”-Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum đã hình thành từ niềm mong mỏi ấy và được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên xem là “ngôi nhà” của vị cha già kính yêu trên mảnh đất quê mình.

Toàn cảnh khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Ảnh: Nguyễn Giác
Toàn cảnh khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Ảnh: Nguyễn Giác

Xây nhà rước Bác

Sinh thời Bác Hồ mong muốn vào thăm đồng bào miền Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Tuy nhiên niềm ước mong ấy chưa được thực hiện thì ngày 2-9-1969, Người đã đi xa mãi mãi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cũng như những ai yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Tưởng nhớ đến tình cảm và công ơn to lớn của Bác, sau khi đất nước thống nhất, ngày 2-9-1982, “Nhà trưng bày hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã được khởi công xây dựng. Sau 2 năm khẩn trương thi công, với sự đóng góp tích cực bằng cả tấm lòng của bà con các dân tộc Gia Lai-Kon Tum, công trình được khánh thành và đưa vào hoạt động đúng dịp kỷ niệm lần thứ 94 Ngày sinh của Người (19-5-1984).
 

Một góc không gian trưng bày của Bảo tàng. Ảnh: Hồng Thi
Một góc không gian trưng bày của Bảo tàng. Ảnh: Hồng Thi

Để phù hợp với sự phát triển của xã hội, ngày 4-6-1988, Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội quyết định công nhận “Nhà trưng bày hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” ở Gia Lai-Kon Tum là “Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai-Kon Tum”. Năm 1991, tỉnh Gia Lai-Kon Tum chia thành 2 tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất rằng “Nhà Bác là nhà chung của 2 tỉnh không thể chia tách được”. Vì thế, Bảo tàng đã được đổi tên thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum” và đây cũng là bảo tàng duy nhất trong toàn quốc trực thuộc UBND 2 tỉnh.

Với đồng bào Tây Nguyên chưa có điều kiện được gặp Bác Hồ, mà chưa được gặp Bác thì nhân dân có tâm nguyện làm nhà rước Bác vào ở. Rước Bác ở đây là thông qua tài liệu, thông qua hình ảnh, thông qua hiện vật của Người để học tập và chiêm ngưỡng.

Tọa lạc trong một khuôn viên đẹp tại trung tâm TP. Pleiku, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum có kiến trúc khá độc đáo, hài hòa với cảnh quan, vừa hiện đại lại vừa mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích 8.767 m2, trong đó nhà làm việc và khu trưng bày là 700 m2, còn lại là vườn hoa, cây cảnh, hồ sen, ao cá... Từ xa nhìn vào, bảo tàng mang dáng dấp của ngôi nhà rông-biểu tượng trái tim của người dân Tây Nguyên, là “sản phẩm” bản sắc văn hóa độc đáo, tiêu biểu nhất, là trung tâm cộng cảm, nơi diễn ra mọi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào sống trên mảnh đất này. Đây là công trình do kiến trúc sư Lê Vinh (Sở Xây dựng Gia Lai-Kon Tum ngày ấy) thiết kế và sau đó đã đạt giải B Hội Kiến trúc sư Việt Nam năm 1988. Vật liệu được xây dựng trong đai trưng bày là gỗ hương, một loại gỗ quý của núi rừng Tây Nguyên. Trần và sàn bằng gỗ, màu nâu trầm, tạo nên một không gian gần gũi và ấm áp.

Ngoài không gian long trọng, nội dung trưng bày tại đây cũng theo 8 chủ đề chung của hệ thống các Bảo tàng Hồ Chí Minh trong cả nước về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Trong đó còn có các hình ảnh, tài liệu, hiện vật về tình cảm của Bác dành cho đồng bào Tây Nguyên và tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên dành cho Bác; về 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân Tây Nguyên, cũng như những thành tựu mà nhân dân Tây Nguyên nói chung và nhân dân 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã đạt được trong thời kỳ đổi mới. Hệ thống trưng bày cố định hài hòa cả về nội dung lẫn mỹ thuật, thể hiện được nét độc đáo mang sắc thái Tây Nguyên rõ rệt. Phần chú thích hiện vật ở đây được dịch ra tiếng một số dân tộc bản địa Tây Nguyên như Jrai, Bahnar, Xê-đăng, phù hợp với trình độ dân trí và tạo nên sự gần gũi với đồng bào.

Tình dân Tây Nguyên với Bác

Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum hiện đang trưng bày 1.178 hiện vật, trong đó có 50 hiện vật của Bác Hồ và 48 hiện vật về tình cảm của nhân dân Gia Lai và Kon Tum cũng như đồng bào Tây Nguyên đối với Bác, còn lại là hiện vật khác. Biểu hiện sinh động tình cảm đó, trước hết phải kể đến 4 hiện vật tiêu biểu đang được trưng bày tại Bảo tàng. Đó là: tượng Bác bằng gỗ hương, tượng Bác bằng đồng, bản khắc Di chúc và Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku ngày 19-4-1946 khắc trên gỗ hương.
 

Bộ quần áo kaki giản dị mà Bác Hồ vẫn thường mặc được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Ảnh: Hồng Thi
Bộ quần áo kaki giản dị mà Bác Hồ vẫn thường mặc được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Ảnh: Hồng Thi

Ngay khi bước vào bên trong Bảo tàng, trước mắt chúng ta là tượng Bác Hồ được tạc từ gỗ hương nguyên khối đang vẫy tay chào với nụ cười đôn hậu. Tượng cao 1,84 mét, do ông Đinh Thanh Hoàn (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) thực hiện trong vòng 9 tháng. Ông Hoàn là người may mắn được chứng kiến hình ảnh Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Hình ảnh của Bác từ xa đang giơ tay vẫy chào hàng vạn đồng bào trong ngày lịch sử ấy đã khắc sâu trong tâm khảm của ông và ông ước nguyện sau này có dịp sẽ khắc nên hình ảnh đó. Mong ước ấy của ông sau này đã trở thành hiện thực, khi khởi công xây dựng Bảo tàng, theo lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh Gia Lai-Kon Tum về sự đóng góp sức lực, công, của xây dựng “nhà Bác”. Ông đã tạc nên bức tượng Bác Hồ bằng gỗ và dâng tặng cho Bảo tàng. Bức tượng được đặt tại gian long trọng, cách cổng Bảo tàng 79 mét (tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác) và trở thành nơi để mọi người dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ đến vị cha già dân tộc mỗi khi về thăm Bảo tàng. Bức tượng không những có giá trị về mặt nghệ thuật mà nó còn thể hiện tình cảm của nhân dân Gia Lai và Kon Tum đối với Bác Hồ kính yêu. Từ bức tượng này, nhạc sĩ Văn Chừng đã lấy cảm hứng để sáng tác nên bài hát “Bác Hồ trong lòng dân Tây Nguyên” trong đó có đoạn “Cây gỗ hương già nhất rừng đã hóa thân thành tượng Bác”.

Bức tượng Bác Hồ bằng đồng cũng là một trong những hiện vật vô giá về lòng tin suốt đời đi theo Đảng, theo Bác Hồ của đồng bào Tây Nguyên. Tượng cao 12,5 cm, được đúc thủ công bằng đồng tại làng Yớt Phang (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ, Gia Lai). Tượng mô phỏng Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê lúc đang chỉ đạo Chiến dịch biên giới Thu Đông năm 1950. Bức tượng được gìn giữ và sử dụng cho công tác tuyên truyền, làm công tác dân vận và kết nạp đảng viên từ năm 1962 đến 1967. Trong chiến tranh ác liệt ngày ấy, người này mất lại chuyển lại trọng trách cho người kia. Cứ thế, dù phải hy sinh, mọi người cũng quyết tâm giữ bức tượng Bác.

Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng đã sưu tầm được những hiện vật mới về tình dân Tây Nguyên với Bác Hồ như: Tặng phẩm thơ “Mừng Bác Hồ 114 tuổi”, cuốn sách “Tên Người là cả một niềm thơ”-tập thơ thế giới viết về Bác Hồ được xuất bản năm 1974, chiếc băng tang của những người đã dùng vào ngày Chủ tịch Hồ chí Minh mất năm 1969, tranh của họa sĩ Xu Man vẽ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc viết thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku ngày 19-4-1946, sổ tay “Giải thưởng của Bác Hồ” của học sinh dân tộc miền Nam đạt thành tích xuất sắc trong học tập được Bác Hồ tặng thưởng...

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dâng hương, dâng hoa tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Ảnh: Nguyễn Giác
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dâng hương, dâng hoa tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Ảnh: Nguyễn Giác

Trung bình hàng năm, “ngôi nhà” của Bác đón khoảng 5.000 lượt khách trong, ngoài tỉnh về tham quan và dâng hương, dâng hoa. Cô Đỗ Thị Huyền Mai- giáo viên Trường THCS Nghĩa Hưng (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) cho biết: “Vào các dịp lễ, tết, tôi hay đưa các con mình đến Bảo tàng để dâng hương viếng Bác và tham quan. Qua đó, tôi muốn các con hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, cảm nhận được sâu sắc hơn lối sống giản dị, giàu tình yêu thương cũng như khắc ghi công ơn to lớn của Bác Hồ đối với dân tộc”.

Không chỉ phục vụ đồng bào trong khu vực, Bảo tàng còn là nơi giúp khách nước ngoài hiểu hơn về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Trung tuần tháng 8 vừa qua, nhân dịp có chuyến làm việc tại Gia Lai, đoàn đại biểu Liên đoàn Báo chí Thái Lan do ông Noppadul Jaiaree-Phó Chủ tịch Liên đoàn Báo chí Thái Lan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà báo địa phương Thái Lan-làm trưởng đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa và viếng Bác Hồ tại Bảo tàng. Ông Noppadul Jaiaree chia sẻ: “Tôi và đoàn rất cảm phục trước tấm lòng và tình yêu của Hồ Chủ tịch đối với đất nước Việt Nam. Tôi xin chúc cho nhân dân Việt Nam mãi tự do, hạnh phúc, đồng thời luôn yêu mến và trung thành với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Nơi Bác đến và nơi Bác ở không phải chỉ là nơi Bác-con người bằng xương bằng thịt đã đặt chân đến, là hữu hình-Bác đã đến và mãi mãi ở lại trong lòng người dân Tây Nguyên. 28 năm qua, ngôi nhà đón Bác với tên gọi Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum đã đón hàng triệu lượt đồng bào Tây Nguyên đến thăm, tưởng nhớ Bác, trở thành nơi giáo dục tư tưởng, đạo đức của Người cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Minh Dưỡng-Lê Hòa-Hồng Thi

Bài 3: Trong những năm tháng chiến tranh, đất nước bị bom dày đạn xéo, chia cắt hai miền, họ đã may mắn được gặp Bác Hồ và được Người tận tình thăm hỏi, động viên, đó là những người con của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ...

Có thể bạn quan tâm