Kinh tế

Bài 2: Vẫn còn bất cập trong triển khai thực hiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đầu tư công cho tam nông được thực hiện nhiều thập kỷ qua, song từ năm 2008 đến nay là thời kỳ chính sách đầu tư cho lĩnh vực này được ban hành nhiều nhất, nổi bật là Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Không phủ nhận đầu tư công là tiền đề để tam nông phát triển nhưng thực tiễn cũng chỉ ra chính sách đầu tư còn nhiều bất cập.

Công tác quy hoạch là cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, hình thành cơ cấu vốn hợp lý đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch nền kinh tế địa phương. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều nơi công tác quy hoạch nông nghiệp, nông thôn và dân cư thực hiện chậm.

Theo lãnh đạo huyện Krông Pa, đến thời điểm này, quy hoạch giao thông và sử dụng đất chưa được triển khai. Có quy hoạch đến 3 năm mới thực hiện xong. Một số quy hoạch chung của tỉnh như: Thủy lợi vừa và nhỏ; trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến; bố trí sắp xếp dân cư nông thôn…, thiếu tính chiến lược và tầm nhìn lâu dài. Liên quan đến quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-ông Lê Trọng cho rằng: Quy trình xây dựng quy hoạch, địa phương phải chờ chỉ tiêu phân bổ từ trên nên nảy sinh bất cập.

Ảnh: Duy Lê
Ảnh: Duy Lê

Đơn cử, quy hoạch chi tiết sử dụng đất cấp xã là cơ sở để lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nhưng vì phải chờ chỉ tiêu nên chậm hoàn thành; trong khi đó do yêu cầu tiến độ nên vẫn phải thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Vô hình trung quy hoạch nông thôn mới lại trở thành cơ sở thực hiện quy hoạch chi tiết sử dụng đất cấp xã.    

Theo nhìn nhận của Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh-ông Huỳnh Thành thì công tác quy hoạch hiện nay chưa đồng bộ. Quy hoạch cấp dưới không phù hợp với quy hoạch chung của cấp trên. Năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch yếu; chất lượng quy hoạch chưa cao ít nhiều kìm hãm tốc độ phát triển của địa phương. Những năm qua, nhiều diện tích cây lương thực bị hạn cục bộ. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do công tác quy hoạch hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thành; vốn đầu tư xây dựng mới hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa nước vừa và nhỏ để điều tiết nguồn nước phục vụ yêu cầu tưới chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư; trong khi đó dòng chảy cơ bản của không ít sông suối giảm sút.

Bên cạnh hạn chế trên, việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng ngắn và dài ngày thiếu đồng bộ cũng để lại hậu quả nhất định. Theo quy hoạch chung của tỉnh thì vùng chuyên canh cây mía ở mức 25.000 ha; song giá mía vài năm gần đây tăng cao nên nông dân mở rộng diện tích mía lên đến 29.000 ha. Diện tích mía vượt quá công suất ép thực tế của các nhà máy đường dẫn đến thừa nguyên liệu.

Chưa hết, quá trình phát triển nông nghiệp đã định hình vùng chuyên canh: Cao su, hồ tiêu, cà phê, mì… theo đúng quy hoạch. Thế nhưng, lợi nhuận các loại cây trồng trên mang lại cho người dân còn bấp bênh, dẫn đến thực trạng được mùa mất giá và ngược lại. Đề cập đến thực trạng này, Phó Chủ tịch HĐND huyện Ia Grai-ông Ưng Quang Cân cho rằng: Giá thu mua một số mặt hàng nông sản, nhất là cà phê do tư thương quyết định. Mà tư thương định giá bao giờ cũng rẻ, nên nông dân chịu thiệt. Điều đó cơ nguyên từ việc thiếu các cơ sở chế biến đảm trách phần việc tiêu thụ nông sản.

Một số chính sách đầu tư không mang lại hiệu quả mà vẫn tiếp tục triển khai như việc bố trí vốn đào giếng cấp nước sinh hoạt cho người dân của Chương trình 135. Giếng đào xong, người dân không sử dụng, song hạng mục này vẫn tiếp tục thực hiện. Chính sách hỗ trợ xây nhà ở, làm đường giao thông nông thôn khó thực thi vì không huy động đóng góp của nhân dân. Đặc biệt, việc thực hiện chính sách hạn điền là cần thiết, song ấn định thời gian sử dụng hạn điền làm nảy sinh bất cập. Vì lẽ, nông dân canh tác hiệu quả, đúng mục đích trên phần hạn điền của mình và sẽ bị thu hồi khi hết thời hạn được cấp là không hợp lý.


Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay có không ít cơ chế đã được ban hành, nhưng chậm đi vào cuộc sống hoặc chưa tạo chuyển biến trên thực tế. Cụ thể, đất là tài sản không thể thay thế của nông dân, song người dân chưa thật sự làm chủ tài sản này. Bằng chứng là Luật Đất đai ấn định thời gian giao đất trong thời hạn ngắn nên quyền định đoạt và các quyền tài sản khác của người dân bị hạn chế. Chính sách liên kết “4 nhà” và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng ít phát huy hiệu lực vì lợi ích các bên chưa thật sự rõ ràng.

Chính sách giảm nghèo còn nặng tính trợ cấp, chưa thật sự khuyến khích tính chủ động thoát nghèo của các đối tượng thụ hưởng. Nhiều cơ chế, chính sách về tam nông ban hành chỉ tồn tại ở văn bản, còn chuyển hóa bằng hoạt động cụ thể lại rất ít, nhất là chậm triển khai đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất-dịch vụ, thu hút vốn đầu tư của tư nhân, quản lý các nông-lâm trường quốc doanh. Theo nhìn nhận của Trưởng ban Dân tộc tỉnh-ông Nguyễn Khoa Lai, chính sách cho tam nông thì nhiều nhưng còn manh mún.

Nhóm P.V Nông nghiệp
 

Có thể bạn quan tâm