Kinh tế

Bài cuối: Bảo vệ và phát triển rừng cần giải pháp căn cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc người dân lấn chiếm đất rừng, phá rừng trong thời gian qua đã làm cho diện tích rừng giảm hơn 134.908 ha, trong khi đó, công tác trồng rừng chưa được đầu tư đúng mức. Tổng diện tích rừng đã trồng từ năm 2011 đến 2015 chỉ khoảng 7.625 ha. Do đó, để bảo vệ diện tích rừng còn lại, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân tính cấp thiết về khôi phục rừng bền vững và quản lý bảo vệ, phát triển rừng để đến năm 2020 nâng độ che phủ rừng lên 46,6% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.


Vừa qua, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã làm việc với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương về công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã tiến hành khảo sát thực địa một số khu vực rừng tự nhiên, rừng trồng và làm việc với các huyện: Krông Pa, Kbang, Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai để đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhằm hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
 

Lực lượng chức năng và đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra rừng tại huyện Kbang. Ảnh: L.N
Lực lượng chức năng và đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra rừng tại huyện Kbang. Ảnh: L.N

Các địa phương đã đề xuất, kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn giúp làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Ông Tạ Chí Khanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa kiến nghị: UBND tỉnh và các sở, ngành tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng để đảm bảo đủ nguồn nhân lực cho cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cấp xã thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường biên chế cho lực lượng Kiểm lâm đảm bảo tiêu chí 1 kiểm lâm viên quản lý 1.000 ha rừng (hiện tại 1 kiểm lâm viên quản lý 6.000 ha). Ủy ban nhân dân tỉnh cần phê duyệt dự án tái định cư cho 78 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sống trong rừng để các hộ này có đất sản xuất ổn định lâu dài. Cần thiết thành lập lực lượng Kiểm lâm Cơ động và đặt một số trạm kiểm lâm tại địa bàn các huyện...
 

Bà Ayun H’Bút-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Các địa phương cần tuyên truyền cho người dân hiểu về công tác quản lý bảo vệ rừng; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng. Tập trung xây dựng kế hoạch trồng rừng, khoanh nuôi rừng khộp, nâng cao độ che phủ rừng và bảo vệ những diện tích rừng hiện có. Đánh giá lại công tác chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su đã hiệu quả chưa để có hướng xử lý. Lực lượng Kiểm lâm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ và các xã cần nâng cao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng.

Ông Từ Ngọc Thông-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông đề xuất: Ủy ban nhân dân tỉnh cần sớm triển khai rà soát quy hoạch 3 loại rừng cho phù hợp với tình hình thực tế. Những diện tích đất các khu dân cư, đất sản xuất người dân đã sử dụng ổn định lâu dài thì đưa ra khỏi quy hoạch, giao cho địa phương quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân. Kiên quyết thu hồi diện tích bị lấn chiếm sau khi có Chỉ thị số 1685/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, giao những diện tích rừng nằm xen trong các dự án trồng cao su cho các doanh nghiệp chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Giao diện tích rừng nằm trong vành đai biên giới cho lực lượng Biên phòng quản lý…

Theo ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cần tăng cường tuyên truyền cho nhân dân về tính cấp thiết của việc khôi phục rừng bền vững. Khuyến khích người dân sử dụng nguồn nguyên liệu khác thay thế đồ gỗ gia dụng truyền thống nhằm giảm áp lực đến tài nguyên rừng. Vận động người dân bảo vệ rừng và thực hiện hiệu quả chính sách ổn định đời sống người dân khu vực ven rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do. Trên cơ sở rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng, tỉnh giao trách nhiệm cho chính quyền các cấp, ngành, chủ rừng tổ chức bảo vệ, phát triển rừng, gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Thúc đẩy mạnh mẽ việc trồng rừng và không cho phép chuyển mục đích rừng tự nhiên sang trồng các loại cây khác để nâng cao độ che phủ rừng.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm