Kinh tế

Doanh nghiệp

Bài cuối: Cần có giải pháp thích hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chặng đường hơn 6 năm thực hiện chuyển đổi ở các lâm trường quốc doanh, thực chất vẫn chỉ dừng ở cách đổi tên, còn về bản chất thì chưa đổi mới gì. Cần có giải pháp thiết thực để ổn định sản xuất, kinh doanh của các công ty lâm nghiệp là yêu cầu xuất phát từ thực tiễn.

Ngay sau khi Nghị quyết 28/NQ-TW của Bộ Chính trị và Nghị định 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới các nông-lâm trường quốc doanh được ban hành, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và 11 lâm trường trên địa bàn chuyển sang các công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp.
 

Ảnh: Nguyễn Diệp

Mục tiêu nhằm đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các lâm trường, đồng thời tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên việc chuyển đổi các lâm trường sang công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp (gọi tắt là công ty lâm nghiệp) chỉ là chuyển cái “vỏ” bề ngoài, còn nhiệm vụ hoạt động vẫn chỉ làm công tác bảo vệ rừng, trồng rừng và khai thác gỗ theo chỉ tiêu tỉnh giao hàng năm. Nhiều cơ chế còn vướng, nhất là cơ chế tài chính đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hoạt động của các công ty này.

Hiện tại, các công ty lâm nghiệp đã xây dựng phương án kinh doanh và đây chính là tiền đề để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, các phương án trên muốn phát huy tác dụng phải có giải pháp tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc đang “kìm” chân các công ty.

Giải quyết vấn đề này, mới đây Chính phủ đã dự thảo phương án về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Công ty Lâm nghiệp do Nhà nước chủ sở hữu. Theo đó, phương án thứ nhất là để cho các công ty lâm nghiệp hoạt động độc lập như một doanh nghiệp với nhiệm vụ chính là sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực lâm nghiệp nhằm đem lại tính tự chủ cho các công ty trong quá trình hoạt động. Tiếp đến là chuyển từ công ty lâm nghiệp thành ban quản lý rừng phòng hộ. Phương án cuối cùng là giải thể các công ty lâm nghiệp.

Theo ông Trần Cao Vân- Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro: Nếu chuyển công ty lâm nghiệp sang các ban quản lý thì không đúng theo quy định của pháp luật hiện nay. Đối tượng rừng mà các công ty quản lý là rừng sản xuất chứ không phải rừng tự nhiên hoặc rừng phòng hộ. Diện tích rừng phòng hộ của các công ty lâm nghiệp quản lý không đủ 5.000 ha để thành lập ban quản lý theo quy định. Đồng thời, rừng tự nhiên là tài sản quốc gia liên quan đến nhiều yếu tố đất, nước, hệ sinh thái… nên không thể định giá tài sản của các công ty, càng không thể giải thể các công ty lâm nghiệp. Vì vậy, giải pháp khả thi nhất là để các công ty lâm nghiệp hoạt động độc lập như một doanh nghiệp.

Không chỉ đơn vị của ông Vân, hầu hết các công ty lâm nghiệp đều đánh giá cao phương án để công ty lâm nghiệp hoạt động độc lập như một doanh nghiệp. Lý do, theo dự thảo của phương án này, các công ty lâm nghiệp được sử dụng toàn bộ số tiền bán sản phẩm thu được từ rừng sau khi trừ chi phí hợp lý để đầu tư cho việc quản lý và phát triển rừng phòng hộ. Các công ty lâm nghiệp được dùng giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích được giao, góp vốn liên kết trong các dự án lâm nghiệp và dịch vụ.

Nếu cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo, rừng chưa có trữ lượng gỗ, không có khả năng phục hồi thuộc địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn thì được hưởng mức lãi suất ưu đãi tín dụng đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, vốn ODA của Chính phủ. Các công ty khai thác gỗ và lâm sản trong rừng tự nhiên là rừng phòng hộ theo phương án quản lý rừng bền vững và đảm bảo nguyên tắc không làm giảm hiệu năng phòng hộ của rừng, lượng khai thác không được lớn hơn lượng tăng trưởng của rừng. Theo ông Nông Văn Tưởng- Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ka Nak: “Nếu phương án này được duyệt, “hình hài” công ty lâm nghiệp thể hiện rõ hơn. Khi đó, các công ty chủ động trồng rừng, kinh doanh, khai thác, đầu tư liên kết kinh doanh từ rừng sẽ hiệu quả hơn…”.

Giao quyền chủ động khai thác, chế biến và tiêu thu sản phẩm, các công ty lâm nghiệp được quyền chủ động tổ chức khai thác gỗ rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo phương án quản lý rừng bền vững và thiết kế khai thác hàng năm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; chủ động tổ chức hoặc liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo quy định của pháp luật. Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng có nghĩa các công ty lâm nghiệp mất đi cơ hội vay vốn, liên doanh liên kết,… khiến tình trạng sản xuất, kinh doanh ngày càng trì trệ, thậm chí thua lỗ nhưng khi được dùng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn liên kết trong các dự án lâm nghiệp, thế chấp khi vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh lâm nghiệp thì cơ hội mở ra rất lớn.

Một số công ty lâm nghiệp cũng đề nghị Nhà nước mở rộng chính sách cho vay vốn ưu đãi, miễn tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; cho phép các chủ rừng chủ động khai thác gỗ và lâm sản theo phương án quản lý bền vững; cho phép hạch toán những khoản chi phí như quản lý bảo vệ rừng, các khoản đầu tư hỗ trợ người dân… vào giá thành sản phẩm; thu tiền dịch vụ môi trường rừng để tái đầu tư trồng rừng và khoán bảo vệ rừng đi đôi với xử lý nghiêm hành vi phá rừng, xâm lấn đất của công ty.

Nguyễn Diệp-Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm