Thời sự - Bình luận

Đón dòng đầu tư mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn vừa diễn ra tại Hà Nội.

Những cơ sở vững chắc tạo nên sức hấp dẫn này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh; sự đầu tư và nâng cấp mạnh về cơ sở hạ tầng; cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở và quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Thực tế, trong tổng vốn FDI “chảy” về Việt Nam có một tỷ lệ rất lớn của các doanh nghiệp bán dẫn. Các tên tuổi lớn trong ngành này đều đã hội tụ về Việt Nam như Intel, Amkor, Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo, Nvidia... Đó là chưa kể nhiều nhà đầu tư trong nước cũng đã gia nhập thị trường như Viettel, FPT, VNChip…

Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) dự báo, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023-2028.

Ngành công nghiệp này đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, như Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa tái khẳng định mạnh mẽ trong phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Nhưng, để thu hút đầu tư nước ngoài thành công còn rất nhiều yếu tố cần nghiên cứu, có giải pháp “chăm chút” phù hợp.

Ông Vũ Viết Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), thông tin, Nhật Bản, Hàn Quốc có xu hướng chậm lại trong các quyết định đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đang có xu hướng mở rộng đầu tư để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đồng thời phát huy các lợi thế về cam kết thương mại của nước chủ nhà. Singapore và các nước thứ 3 đặt trụ sở tại Singapore cũng đang có xu hướng mở rộng đầu tư tại Việt Nam...

Vốn đầu tư tiếp tục tập trung vào các địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động. Trong đó, riêng 10 địa phương (gồm Bắc Ninh, Quảng Ninh, TPHCM, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Nghệ An, Bắc Giang) đã chiếm tới 79,6% số dự án mới và 69,4% số vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng đầu năm.

Nhìn ra thế giới, châu Âu đang đẩy mạnh hợp tác với ASEAN nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Một số lĩnh vực được các đối tác châu Âu quan tâm bao gồm năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen xanh, chip bán dẫn, nghiên cứu và phát triển, trí tuệ nhân tạo, robot…

Sản phẩm xuất khẩu tốt sang châu Âu và Bắc Mỹ phải là sản phẩm có tín chỉ carbon. Cùng với đó, khu vực Trung Đông đang thực hiện chính sách hướng Đông, trong đó Việt Nam giữ vai trò quan trọng.

11 tháng qua, trong khi Công ty TNHH LG Display của Hàn Quốc quyết định đầu tư thêm 1 tỷ USD vào dự án sản xuất màn hình OLED; Amkor Technology Việt Nam bổ sung vốn gần 1,1 tỷ USD để phát triển nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm các thiết bị, vật liệu bán dẫn… thì cả nước không có thêm dự án mới có quy mô đến 1 tỷ USD.

Tín hiệu đó cho thấy việc hỗ trợ các doanh nghiệp hiện hữu, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời phát triển liên kết vùng và ngành, liên kết giữa doanh nghiệp nước ngoài - trong nước cũng quan trọng không kém.

Đây là những chỉ dấu vô cùng hữu ích cho công tác thu hút đầu tư. Những nỗ lực lâu nay cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính cần được tiếp tục quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá hình ảnh qua các kênh truyền thông quốc tế hay tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm cần có lựa chọn và định hướng đến các nhà đầu tư chiến lược, dự án có tác động lan tỏa.

Theo ANH THƯ (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm