Kinh tế

Giá cả thị trường

Bài cuối: Chúng ta phải có trách nhiệm với dân!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tồn tại xuất phát từ thủy điện An Khê-Ka Nak không thể kéo dài mãi. Đấy là nguyên nhân vì sao cùng với việc chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương liên quan phải tích cực phối hợp với chủ đầu tư tháo gỡ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng đã làm việc, đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào cuộc quyết liệt để giải quyết những tồn tại đang vấp phải. Và đến nay thì kết quả như thế nào?  

Tại Thông báo 114 kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh khi làm việc với Thường trực Huyện ủy Kbang, đã chỉ ra một điều rất quan trọng. Đó là, “do thiếu thống nhất giữa chủ đầu tư với địa phương trong việc xây dựng dự án ban đầu, chúng ta làm không kỹ nên hậu quả trong công tác đền bù, tái định cư, định canh cho người dân vẫn chưa hoàn thành, chúng ta phải có trách nhiệm với dân”. Văn bản cũng đề nghị Ban Quản lý dự án (QLDA) Thủy điện 7 phối hợp với UBND huyện khẩn trương tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại.
 

Một góc làng Groi. Ảnh: T.S
Một góc làng Groi. Ảnh: T.S

Đến nay xem như đã đến giờ “G”, địa phương báo cáo với lãnh đạo tỉnh về việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau thông báo nói trên. Ông Trần Vĩnh Hương-Chủ tịch UBND huyện Kbang tỏ ra sốt sắng và cởi mở. Hẳn là ông vui mừng, phấn khởi vì quyết tâm, công sức đấu tranh cho lợi ích chính đáng của người dân lâu nay của ông đã đến lúc “hạ hồi phân giải”.

Về 81 ha (thuộc trách nhiệm quản lý của Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Lơ Ku) mà dân làng Groi đang sản xuất, huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan hữu quan lập thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân 29 ha-phần diện tích dân sử dụng ổn định lâu nay, và  52 ha còn lại tiếp tục giải quyết cho 92 hộ mất đất (bình quân 0,5- 0,7 ha) do xây dựng thủy điện còn chưa giải quyết, tổ chức cho nhân dân cam kết cải tạo, sử dụng, có sự vào cuộc của khuyến nông để hỗ trợ, tập huấn nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả.

Cùng với đó, huyện phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai tìm cách giải quyết đất sản xuất cho 92 hộ dân với diện tích 100 ha. Huyện đã cùng Ban QLDA Thủy điện 7, Công ty Lâm nghiệp, đại diện dân làng, thị trấn tổ chức đi thực tế tiểu khu 119, đối soát xác định vị trí trên thực địa, phát quang làn ranh giới trong phạm vi diện tích, đánh giá thực trạng loại rừng (rừng nghèo), kiểm tra và xác định rõ giữa đất dân đang sản xuất với đất trống, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Và sau 1 ngày kiểm tra, huyện đã có thông báo hướng giải quyết, chỉ đạo thuê tư vấn lập hồ sơ một cách bài bản trước khi cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt thẩm định thu hồi, chuyển mục đích và giao đất cho dân sản xuất. Đây cũng là cơ sở để giải quyết tiếp đất sản xuất còn thiếu (31,7 ha) cho dân các làng tái định cư: Chơch, Kruoi, Tbang xã Đak Smar và làng Kruối xã Lơ Ku. Hiện tại, huyện đã có báo cáo trình UBND tỉnh về nội dung này.

Đối với công tác lập hồ sơ thủ tục bồi thường hỗ trợ đất trên cos ngập lòng hồ thủy điện, sau nhiều năm thì gần đây đã có văn bản chỉ đạo giải quyết của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Diện tích này thống kê có 443,95 ha. Trong quá trình lập hồ sơ, trước đây, Ban QLDA Thủy điện 7 chỉ chấp thuận giải quyết cho 133 hộ thuộc diện tái định cư tập trung, còn 128 hộ với 166,7 ha thì chủ đầu tư cho rằng không nằm trong diện điều chỉnh của văn bản nói trên.

Về việc này sau khi tỉnh báo cáo thì Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã đồng ý với đề xuất của tỉnh. Theo đó, Ban QLDA Thủy điện 7 thực hiện đền bù, hỗ trợ cho tất cả 261 hộ. Sau khi có kết luận của UBND tỉnh, Ban QLDA Thủy điện 7 đang xem xét phê duyệt phương án để lập hồ sơ thủ tục đền bù và sẽ sớm giải ngân. Riêng 12 hộ trong tổng số 128 hộ nói trên còn tranh chấp, chưa đồng ý với phương án đền bù, chủ trương tách ra giải quyết sau. Mục đích của việc làm này là đẩy nhanh tiến độ, sau khi thủ tục và phương án hoàn thành thì sớm chi trả tiền bồi thường.

Vấn đề nữa là khấu trừ chênh lệch đất sản xuất nơi đi và nơi đến, sự tranh chấp vốn diễn ra lâu nay. Ban QLDA Thủy điện 7 lúc đầu chưa chịu ký vào hồ sơ đền bù nhưng sau quá trình đấu tranh của địa phương, chủ đầu tư đã hợp tác cùng các bên liên quan phối hợp giải quyết, lập phương án đền bù. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã cùng với Ban QLDA Thủy điện 7 lập dự án gửi sở, ngành chức năng thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở để chủ đầu tư thực hiện chi trả tiền cho dân.

Thất Sơn-Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm