Pháp luật

Tin tức

Bài cuối: Đâu là tính nghiêm minh của pháp luật?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sự thật chỉ có một. Song một trường hợp tranh chấp đất dưới đây kéo dài gần 20 năm nhưng “được” UBND tỉnh ra nhiều “phán quyết” lúc đúng, lúc sai khiến người dân không hiểu đâu là sự thật. Mới đây nhất là quyết định giải quyết… cả hai đều đúng!
Đòi lại đất sau 14 năm cho mượn?
Lô đất có diện tích 1.305 m2 (14,5 mét x 90 mét) tọa lạc tại tổ 17, phường Đống Đa, TP. Pleiku nguyên trước đây thuộc đất quân sự của chính quyền cũ.
Lô đất (xây bao) tranh chấp giữa ông Tùng và bà Có. Ảnh: Lê Văn Nhung
Lô đất (xây bao) tranh chấp giữa ông Tùng và bà Có. Ảnh: Lê Văn Nhung
Theo kết quả xác minh vào ngày 21-12-2010 của Thanh tra tỉnh: Lô đất này sau giải phóng năm 1975 được chính quyền giao cho Tập đoàn Sản xuất số 2 để giao cho các hộ canh tác. Tập đoàn Sản xuất số 2 lại giao cho ông Võ Văn Thống trồng lúa. Đến tháng 6-1976, ông Thống sang nhượng cho bà Ngô Thị Có với giá là 3 thùng phuy lúa. Theo bà Có trình bày, do giấy sang nhượng bị mất, ngày 6-10-1976, ông Thống viết lại giấy sang nhượng nhưng vẫn để ngày 1-6-1976 với Quốc hiệu nước ta là “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Quốc hiệu lúc này còn là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), có xác nhận của tổ dân phố 4 và Ban Nhân dân khối phố 2, phường 7 cũ. Đến khoảng tháng 11-1977, bà Ngô Thị Có cho ông Nguyễn Cảnh Tùng mượn nhưng chỉ bằng miệng. Đến ngày 9-9-1991, bà Ngô Thị Có làm đơn khiếu nại đòi đất.
Ngược lại, theo giấy tờ ông Nguyễn Cảnh Tùng thì năm 1975, gia đình ông được địa phương cấp một lô đất để làm nhà ở và làm vườn tại thôn 5 xã Biển Hồ. Tháng 8-1978, khi Nhà nước quy hoạch khu đất này làm Trường Công nhân Kỹ thuật Xây dựng thì ngày 20-8-1978, ông Tùng có đơn xin hoán đổi đất để lập vườn và làm nhà ở, được ông Hà Trọng Sơn-Chủ tịch UBND xã Biển Hồ (cũ) xác nhận ngày 22-8-1978. Đến ngày 1-9-1978 được Chủ tịch UBND phường Thống Nhất-Lê Chưng ký xác nhận tiếp: “Xét đơn của ông Nguyễn Cảnh Tùng và đề nghị của UBND xã Biển Hồ, UBND phường Thống Nhất nhất trí tạm cấp cho ông Nguyễn Cảnh Tùng một lô đất để làm nhà ở- cạnh nhà ông Khôi (chồng bà Có-N.V) ở Biển Hồ”. Tuy nhiên, theo kết luận của Phòng Kỹ thuật Hình sự (Công an tỉnh Gia Lai) thì chữ ký của ông Lê Chưng trong đơn xin hoán đổi đất là giả và con dấu được sử dụng vào năm 1991!
Trong thực tế, lô đất này ông Nguyễn Cảnh Tùng sử dụng ổn định có đăng ký, kê khai theo bản đồ hiện trạng năm 1984 của UBND xã Biển Hồ.
“Sáng đúng, chiều sai, mai cả hai đều… đúng”
Sự thật chỉ có một nhưng nhận định của các cấp chính quyền luôn mâu thuẫn. Ngày 18-10-1991, UBND xã Biển Hồ ra thông báo với nội dung “Về mặt pháp lý ông Nguyễn Cảnh Tùng hợp pháp và được sử dụng đất”; ngày 18-8-1992, UBND thị xã Pleiku ra Thông báo số 44/TB-UB với nội dung: “Bác đơn của bà Ngô Thị Có cùng chồng là Nguyễn Tấn Khôi khiếu nại ông Nguyễn Cảnh Tùng chiếm đất của gia đình bà vì không đủ chứng lý…”. Sau khi có Thông báo số 44/TB-UB, ngày 4-3-1993 UBND thị xã Pleiku cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất trên cho ông Nguyễn Cảnh Tùng. Tiếp đến ngày 10-11-1993, Chi cục Quản lý đất đai (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) cũng có Công văn số 52/CV-QL-ĐĐ với nội dung: “Hồ sơ khiếu nại của bà Ngô Thị Có chưa đủ cơ sở pháp lý để chứng minh việc ông Nguyễn Cảnh Tùng chiếm dụng đất thuộc quyền sử dụng của bà… Ông Nguyễn Cảnh Tùng sử dụng lô đất tranh chấp từ năm 1978 là hợp pháp”; ngày 1-12-1995, Thanh tra tỉnh có Kết luận số 303/KL-TTr nhận định: “Hồ sơ khiếu nại của bà Có không có cơ sở pháp lý để chứng minh việc ông Tùng chiếm dụng quyền sử dụng đất của gia đình bà; đề nghị chính quyền cơ sở giữ nguyên hiện trạng quyền sử dụng đất theo bản đồ giải thửa địa chính năm 1984”.
Do có tình tiết giả mạo trong hồ sơ như đề cập ở trên nên vụ việc không dừng lại ở đó. Ngày 6-4-2001, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định cuối cùng số 318/QĐ-CT với nội dung: “Không công nhận nội dung đơn bà Ngô Thị Có…”; ngày 4-9-2001, Văn phòng Chính phủ cũng có Công văn số 4035/VPCP-VII trả lời bà Có: “Tài liệu do bà cung cấp cho thấy không có tình tiết gì mới so với nội dung mà UBND tỉnh Gia Lai đã giải quyết. Yêu cầu bà chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật”. Không thống nhất với hàng loạt nội dung giải quyết, bà Có tiếp tục khiếu nại. Ngày 13-4-2006, Thanh tra tỉnh đã có Kết luận số 03/KL-TTr về việc kiểm tra, xác minh đơn khiếu nại của bà Ngô Thị Có; ngày 26-9-2006, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 1457/QĐ-CT với nội dung xoay chuyển tình thế… 180 độ: Công nhận nội dung khiếu nại của bà Ngô Thị Có là đúng; công nhận quyền sử dụng hợp pháp của bà Có đối với lô đất trên.
Mới đây nhất, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận Quyết định số 2818/QĐ-UBND ngày 4-11-2010 của Chủ tịch UBND TP. Pleiku với cách giải quyết: Chia lô đất cho 2 gia đình theo cách “giao quyền sử dụng toàn bộ lô đất cho gia đình ông Nguyễn Cảnh Tùng, gia đình ông Nguyễn Cảnh Tùng trả lại số tiền tương đương giá trị 1/2 diện tích lô đất là 652,5 triệu đồng thông qua UBND TP. Pleiku cho gia đình bà Ngô Thị Có”. Hiện gia đình ông Nguyễn Cảnh Tùng đã nộp số tiền này!
Thay lời kết cho loạt bài
Có thể thấy, đất đai là một loại tài sản đặc biệt hết sức phức tạp và mỗi giai đoạn được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Không những thế, mặc dù Nhà nước chưa công nhận tổ chức và cá nhân được quyền sở hữu riêng biệt đối với đất đai như các loại tài sản khác (chỉ có quyền sử dụng) nhưng đất đai vẫn được mua bán qua sàn giao dịch bất động sản, được chuyển nhượng, được thế chấp… như mọi loại tài sản. Bởi tính đặc thù và có giá trị rất lớn như đề cập nên đất đai luôn là đối tượng khách thể quan trọng trong đời sống dẫn đến vấn nạn tranh chấp, lấn chiếm, khiếu kiện, tham nhũng… Việc quản lý nghiêm ngặt bằng công cụ pháp luật, sự chuẩn mực đạo đức của cán bộ thực thi luôn là đòi hỏi cao góp phần minh bạch trong xây dựng phồn thịnh đất nước.
Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm