Kinh tế

Bài cuối: Định hướng tháo gỡ vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã chọn 6 xã điểm gồm: Biển Hồ, Trà Đa, An Phú, Diên Phú (TP. Pleiku), Tân An (Đak Pơ) và Đak Hlơ (Kbang) để tập trung nguồn lực đầu tư đạt chuẩn NTM trong năm 2013. Bên cạnh đó, lựa chọn xã điểm ở các địa phương để đầu tư đưa chương trình hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2015.

Tổng hợp từ Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Gia Lai, tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình NTM của 185 xã trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 đến 2015 trên 21.895 tỷ đồng và định suất đầu tư đến năm 2020 từ 200 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng/xã. Trong đó, nhu cầu vốn ngân sách nhà nước trên 9.440 tỷ đồng (vốn trực tiếp cho chương trình trên 3.867 tỷ đồng, vốn lồng ghép trên 5.552 tỷ đồng), vốn tín dụng trên 5.705 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 4.105 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 2.531 tỷ đồng, vốn khác 113 tỷ đồng.
 

 

Nhu cầu vốn lớn, song nguồn vốn NTM chỉ bố trí được tối đa khoảng 100 tỷ đồng/xã, số còn lại sử dụng lồng ghép các nguồn khác. Tuy nhiên trên thực tế 45 xã điểm được chọn để hoàn thành NTM vào năm 2015 lại ít nhận được sự đầu tư từ các dự án. Bên cạnh đó, vốn đóng góp của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác hạn chế.

Thống kê của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh trong 3 năm qua, các doanh nghiệp đóng góp trên 248 tỷ đồng, vốn khác trên 183 tỷ đồng. Con số này vẫn còn thấp vì số doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xã còn ít, có xã không có doanh nghiệp nên không thể huy động vốn theo như cơ cấu của chương trình là doanh nghiệp và các thành phần kinh tế phải đóng góp 20% vốn.

 

Qua 3 năm thực hiện chương trình đã huy động được trên 391 tỷ đồng đầu tư trực tiếp  cho xây dựng nông thôn mới chiếm 7,88%. Doanh nghiệp và các loại hình kinh tế chỉ chiếm 4,99%...

(Nguồn: UBND tỉnh)

Việc huy động nguồn lực này thời gian tới sẽ còn khó khăn hơn khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn chưa ra khỏi khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế. Hầu hết các xã xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh có xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân còn khó khăn. Trong khi đó, vốn đầu tư của Trung ương giảm dần qua từng năm: Năm 2011 41,905 tỷ đồng, năm 2012 giảm xuống còn 37,854 tỷ đồng và đến năm 2013 còn 36,439 tỷ đồng.

Căn cứ theo Quyết định số 695/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh đã ban hành Quyết định 520/QĐ-UBND quy định hỗ trợ cụ thể cho từng xã. Nhưng khi triển khai mức quy định mức hỗ trợ cho các địa phương từ 2013 đến 2020 thì chưa được xây dựng. Trung ương cần ban hành và hướng dẫn sớm mức hỗ trợ ngân sách cụ thể cho các tỉnh Tây Nguyên làm cơ sở cho các địa phương tính toán, lồng ghép vốn các chương trình khác trong quá trình thực hiện.

Gia Lai là tỉnh miền núi, kinh tế-xã hội khó khăn, do đó Trung ương cần tăng vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách. Có cơ chế vốn riêng cho huyện Kbang là huyện điểm của Trung ương. Có cơ chế ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách ưu đãi với lãi suất hợp lý đối với các địa bàn còn khó khăn trong việc huy động vốn tại chỗ để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, hộ gia đình.

Đồng thời bổ sung nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất để giải quyết việc làm tăng thu nhập tiến đến giảm nghèo bền vững. Đối với các huyện, xã khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt như đào tạo, tập huấn giảm tỷ lệ đóng góp của người dân địa phương vào các công trình xây dựng cần huy động nhân dân...

Nguyễn Diệp-Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm