Kinh tế

Bài cuối: Giữ rừng: Cần cơ chế phù hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không phủ nhận sự nỗ lực của các chủ rừng, chính quyền địa phương các cấp  trong công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao. Nỗ lực giữ rừng, song rừng vẫn bị lấn chiếm, nghịch lý này theo nhìn nhận của các chủ rừng có một phần hạn chế từ cơ chế, chính sách quản lý, bảo vệ rừng hiện nay. Như vậy, rất cần được các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Tưởng Phúc- Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia ly (huyện Chư Pah) đưa ra con số tổng diện tích rừng phòng hộ đơn vị tổ chức trồng từ năm 2001 đến 2010 hơn 1.430 ha, tổng vốn đầu tư trên 18,517 tỷ đồng; khoanh nuôi trồng bổ sung rừng 200 ha. Chủng loại cây đưa vào trồng rừng phòng hộ là thông ba lá; cây lâm nghiệp đưa vào trồng bổ sung là sao đen sinh trưởng phát triển tốt. Rừng đã trồng, song làm thế nào để duy trì sự sinh trưởng và phát triển đang là bài toán khó cho các đơn vị trồng rừng. Lý do, khi rừng trồng hết thời kỳ kiến thiết cơ bản sẽ nảy sinh thực bì bao phủ là mầm họa dẫn đến cháy rừng mùa khô; ít nhiều kìm hãm tốc độ sinh trưởng, phát triển rừng trồng.

Ảnh: Anh Khoa
Ảnh: Anh Khoa

Giải pháp khắc phục hạn chế trên là tổ chức phát dọn thực bì. Biết vậy, nhưng lấy kinh phí đâu để thực hiện phần việc này vì, cùng lúc diện tích rừng trồng hết thời gian kiến thiết cơ bản thì nguồn vốn đầu tư cho việc chăm sóc rừng cũng bị cắt.

Kinh phí, chính sách giữ rừng chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến công tác giữ rừng gặp rất nhiều khó khăn, đó là nhìn nhận chung của các Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp và Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh. Theo quy định, bình quân 1 cán bộ quản lý 1.000 ha rừng, vì thế không thể kiểm soát hết những tác động tiêu cực vào rừng. Hơn nữa, cán bộ, nhân viên làm việc tại các Ban quản lý rừng phòng hộ là lực lượng giữ rừng, thời gian làm việc bằng hoặc hơn các lực lượng giữ rừng khác, song chế độ chỉ có tiền lương theo quy định là thiệt thòi cho lực lượng này. Tiếp nữa, là người trực tiếp giữ rừng nhưng lực lượng Ban quản lý lại không có thẩm quyền bắt giữ các trường hợp vi phạm đến rừng cũng là điểm khó trong việc ngăn chặn kịp thời các trường hợp xâm hại rừng trái phép.

Công cụ hỗ trợ thực thi nhiệm vụ giữ rừng thiếu, nhất là sắc phục thể hiện chức năng, nhiệm vụ cho đội ngũ giữ rừng chưa được trang bị cũng hạn chế đến công tác giữ rừng-nói theo cách một Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ là thiếu sắc phục ít nhiều làm giảm tinh thần “xung trận” giải quyết các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Vì khi nhập cuộc với sắc phục bình thường có khi mọi người nghĩ mình là “lâm tặc”! Việc chuyển mô hình hoạt động từ Lâm trường sang Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp thực sự chỉ chuyển hình thức tên gọi, còn chất vẫn chưa thay đổi.

Làm rõ hạn chế này, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Chiêng-Nguyễn Văn Cậy nói: Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp có vị trí pháp lý rõ ràng nhưng tiềm lực tài chính còn yếu, kinh phí hạn hẹp, tính tự chủ chưa cao… nên hiệu quả hoạt động các Công ty chưa đạt kết quả như mong đợi.


Thực trạng con người tại các Ban Quản lý Rừng phòng hộ, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp mỏng, song việc tiếp nhận người về làm việc tại các đơn vị này đang là bài toán khó. Theo lý giải của ông Phạm Chung Chinh-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn (huyện Chư Pưh) thì cái khó trên xuất phát từ yêu cầu và cách thức tuyển dụng nhân viên hiện nay. Theo đó, người được tuyển dụng phải có trình độ đại học và do tỉnh tuyển dụng phân bổ về, đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận và bố trí công việc cho người được tuyển dụng.

Chỉ trong hai năm (2010 và 2011), đơn vị ông tiếp nhận 2 trường hợp được tỉnh phân bổ về. Sau khi nghe lãnh đạo Ban quản lý phân công nhiệm vụ thì 3 ngày sau, họ... lặng lẽ rời khỏi đơn vị.

Một số ban quản lý rừng phòng hộ đề xuất việc tuyển biên chế nên giao về cho các đơn vị trực tiếp tuyển dụng theo hướng không nhất thiết phải chọn người có trình độ đại học, mà chọn người có tâm huyết với nghề, đáp ứng yêu cầu công việc-dù người đó chỉ có trình độ trung cấp, cao đẳng. Nâng chế độ phụ cấp cho lực lượng giữ rừng của Ban quản lý ngang với lực lượng Kiểm lâm địa bàn. Xây dựng chính sách cho người dân được hưởng lợi thiết thực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trồng qua chiến lược nghiên cứu xây dựng các mô hình sinh kế bền vững cho người dân.

Đồng thời, trao thêm quyền xử lý các vụ vi phạm cho các đơn vị thay vì chỉ làm công tác tuyên truyền, vận động, lập biên bản vi phạm hành chính rồi chuyển cơ quan chức năng xử lý. Quy trình cấp phép các cơ sở chế biến lâm sản cần phối hợp với cơ quan chức năng để xác định vị trí đặt cơ sở chế biến, nguồn nguyên liệu… Duy trì việc định kỳ hậu kiểm để xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền kỹ năng cơ bản về khuyến nông, khuyến lâm và trách nhiệm giữ rừng cho cộng đồng dân cư, nhất là dân cư sống gần rừng. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt, các công trình phúc lợi xã hội góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Quang Văn - Anh Khoa

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-ông Vũ Ngọc An cho rằng: Những kiến nghị, đề xuất giữ và phát triển rừng bền vững từ các chủ rừng đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét từng bước giải quyết. Đến nay, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đã có quyết định trang bị đồng phục cho lực lượng giữ rừng các Ban quản lý rừng. Tỉnh đã có chủ trương tăng biên chế cho các đơn vị chủ rừng; lựa chọn kiểm lâm có đạo đức, năng lực thành lập tổ, đội ở cấp xã để làm công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Có thể bạn quan tâm