(GLO)- Phần lớn số thuế nợ đọng là nợ khó thu thuộc các doanh nghiệp (DN) đã bỏ địa chỉ kinh doanh, không còn hoạt động, không còn tài sản gì nên dù có thực hiện đầy đủ các biện pháp cưỡng chế vẫn khó thu được.
Thiếu giải pháp hiệu quả
Trước áp lực nợ thuế ngày càng tăng, ngành Thuế tỉnh Gia Lai đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý, thu hồi nợ theo quy trình; đồng thời thực hiện công khai danh sách các đơn vị nợ thuế lên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong 9 tháng năm 2016, Cục Thuế Gia Lai đã ban hành 80.219 lượt thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp; ban hành quyết định cưỡng chế nợ thuế đối với 988 đơn vị, trong đó áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản nộp ngân sách nhà nước đối với 988 đơn vị (7.864 lượt); thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với 88 trường hợp; kê biên tài sản đối với 1 trường hợp. Nhờ các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, thu nợ năm 2015 chuyển sang là 177,3 tỷ đồng, trong đó áp dụng biện pháp quản lý nợ thu được 157,6 tỷ đồng, cưỡng chế nợ thu được 19,7 tỷ đồng.
Đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Gia Lai giám sát tình hình nợ thuế và xử lý nợ tại Cục Thuế tỉnh. Ảnh: T.N |
Số nợ thuế chủ yếu là của doanh nghiệp, trong đó 1.628 doanh nghiệp nợ dưới 10 triệu đồng, 380 doanh nghiệp nợ từ 10 đến 50 triệu đồng, 638 doanh nghiệp nợ trên 50 triệu đồng. |
Theo ông Ksor Kut-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu nợ thuế theo hướng dẫn tại Thông tư 215/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính gặp rất nhiều khó khăn và đạt hiệu quả thấp. Bởi hầu hết DN nợ thuế trên 90 ngày đều thực sự khó khăn về tài chính, không có công nợ phải thu với các khách hàng, không có khả năng thanh toán, còn tài sản thì gần như đã thế chấp hết để vay vốn kinh doanh… Quá trình thu thập, xác minh tài khoản ngân hàng của DN mất nhiều thời gian do DN mở nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. mặt khác, một số DN cố tình chây ỳ không chấp hành việc cung cấp các tài khoản có dòng tiền mà chỉ cung cấp các tài khoản không có số dư hoặc số dư nhỏ không đủ để thực hiện cưỡng chế.
Bên cạnh đó, cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, uy tín và thương hiệu của DN, khiến DN khó tiêu thụ hàng hóa. Khi không có doanh thu thì khả năng trả nợ thuế càng khó hơn. Biện pháp này gần như đồng nghĩa với việc chấm dứt hoạt động của DN, trong khi lượng DN thuộc diện bị áp dụng biện pháp này rất nhiều. Ngoài ra, cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên gặp khó khăn vì hầu hết tài sản đã thế chấp ngân hàng nên không thể cưỡng chế…
Còn nhiều kẽ hở
Lợi dụng sự thông thoáng của chính sách về thành lập DN, tự kê khai, tự nộp thuế, tự đăng ký in và sử dụng hóa đơn, một số DN thành lập trong thời gian ngắn để mua bán hóa đơn, kê khai thuế xong lại bỏ địa chỉ kinh doanh. Hiện tại cũng chưa có cơ sở pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn việc DN thành lập mới theo kiểu có quan hệ gia đình với DN cũ đang nợ thuế kéo dài. điều này vô hình trung đã tạo kẽ hở cho việc cố tình trốn thuế. Ví dụ: chồng thành lập DN rồi nợ thuế, sau đó tiếp tục thành lập DN mới mà người đại diện là con… Trên thực tế, không ít DN được cấp phép có địa chỉ trùng nhau. Chỉ tính trong 10 tháng qua, toàn tỉnh có 398 DN và 159 đơn vị trực thuộc thành lập mới với tổng vốn đăng ký 2.519 tỷ đồng (so với cùng kỳ, DN đăng ký thành lập mới tăng 33,6%, vốn đăng ký tăng 190%). Cùng với đó, có 61 DN và 43 đơn vị trực thuộc giải thể (tăng 18,2%), 70 DN và 13 đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động (tăng 34,6%).
Hiện nay, việc nợ thuế chỉ xử lý hành chính thông qua các biện pháp cưỡng chế theo quy trình, không thuộc hành vi vi phạm hình sự, do đó khi chuyển hồ sơ để phối hợp giải quyết với cơ quan công an thì cũng chỉ là biện pháp động viên, thuyết phục DN thực hiện nên thu nợ cũng không khả quan. Rõ ràng, trước tình hình nợ có xu hướng tăng, việc tìm ra hướng giải quyết hợp lý khoản nợ lớn như nợ khó thu (509,5 tỷ đồng/830,2 tỷ đồng tổng nợ), phấn đấu giảm nợ thuế xuống dưới mức 5% như chỉ tiêu giao là vấn đề nan giải.
Thảo Nguyên