Kinh tế

Bài cuối: Kinh nghiệm và bài học trong xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Gia Lai đã có 5 xã đạt 19/19 tiêu chí và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Để xây dựng thành công nông thôn mới (NTM), mỗi địa phương đều có những kinh nghiệm quý trong quá trình triển khai như huy động sức dân, công tác điều hành chỉ đạo, tuyên truyền vận động, triển khai lựa chọn thực hiện từng tiêu chí…

Kinh nghiệm từ những xã đã “về đích”
 

Cây mía giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Ảnh: Lê Nam
Cây mía giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Ảnh: Lê Nam

Xã Đak Hlơ (huyện Kbang) là một trong 5 xã của tỉnh đã “về đích” sớm trong công tác xây dựng NTM. Để đạt được kết quả trên, chính quyền địa phương, các thôn-làng và người dân đều tập trung nguồn lực đầu tư cho các tiêu chí chưa đạt và gần đạt theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Trần Hữu Phước-Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ chia sẻ: Trước hết, phải thành lập được Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ từng thành viên theo dõi, đôn đốc quá trình thực hiện. Huy động sức mạnh nội lực của toàn dân hưởng ứng và tham gia xây dựng NTM bằng cách xây dựng phương án cụ thể, lấy ý kiến nhân dân và tiến tới thực hiện minh bạch, công khai, do dân giám sát. Huy động người dân đóng góp nguồn lực, song phải ưu tiên cho các hộ khó khăn để có phương án đóng góp phù hợp. Kết quả xã huy động nhân dân đóng góp hơn 91,4 tỷ đồng (tiền hơn 1,4 tỷ đồng, 90 hộ hiến đất, hàng trăm ngày công; hơn 30 tỷ đồng cho xây dựng nhà ở, tường rào và hơn 60 tỷ đồng đầu tư cho phát triển sản xuất)…

Cũng như xã Đak Hlơ, xã Tân An (huyện Đak Pơ) đã “về đích” xây dựng NTM cuối năm 2013. Ông Nguyễn Văn Minh-Chủ tịch UBND xã trao đổi: Đầu tiên là tuyên truyền lợi ích của chương trình, để người dân tự nguyện tham gia thực hiện. Qua đó, vận động nhân dân hiến đất, góp công, góp vốn để xây dựng các công trình. Khi triển khai thực hiện các tiêu chí, thì lựa chọn các nội dung, tiêu chí cần ít vốn làm trước và ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất, các công trình phục vụ sản xuất, công trình phúc lợi công cộng. Đặc biệt, thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở xã, công khai tài chính trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực, dân tự làm, tự bàn, tự quyết định, Nhà nước chỉ hướng dẫn, hỗ trợ theo mục tiêu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.

 

Ảnh: Lê Nam
Ảnh: Lê Nam

Bài học chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới

Đối với công tác tuyên truyền, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố quan tâm coi trọng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích... UBND tỉnh và UBND các địa phương đã tổ chức lễ phát động thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Bên cạnh đó, UBND các địa phương thường xuyên tổ chức họp dân tuyên truyền quán triệt nội dung và kế hoạch triển khai thực hiện đề án để người dân hiểu được lợi ích thiết thực của chương trình; vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp bằng tiền, ngày công lao động, nguyên-vật liệu, hiến đất, xây dựng các công trình phúc lợi… Trong quá trình triển khai, nhân dân đã đóng góp được hơn 791,5 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp hơn 248,4 tỷ đồng và hàng ngàn hộ dân tình nguyện hiến đất. Điển hình như hộ Hmơn-xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) hiến 500 m2, hộ Nguyễn Thị Lành-thôn 5, xã Đak Hlơ (huyện Kbang) hiến hơn 600 m2 đất thổ cư để làm đường liên thôn hay các hộ Rơ Châm Mri, Rơ Châm Se, Rơ Châm Phen (làng Doch 2, xã Ia Kreng, huyện Chư Pah)… Chị Nguyễn Thị Lành-thôn 5, xã Đak Hlơ (huyện Kbang) cho biết: Gia đình có hơn 4.000 m2 đất, nhưng khi Nhà nước làm đường đi qua đất nhà mình, chúng tôi đã hiến cho Nhà nước làm đường để người dân đi lại thuận lợi.  

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Các địa phương cũng đã chú trọng đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Sản xuất nông nghiệp đã phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, tạo được sản phảm nông nghiệp chất lượng cao. Hàng trăm mô hình được triển khai và nhân rộng nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và hệ thống thủy lợi; quy hoạch nhiều vùng chuyên canh cây trồng và xây dựng các cánh đồng mẫu lớn có nhiều tiến bộ; các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật được đưa vào sản xuất…

Đồng thời, các địa phương triển khai rất hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM theo phương thức lựa chọn nội dung, tiêu chí dễ triển khai thực hiện tập trung làm trước, khó làm dần qua các năm;  những tiêu chí không cần kinh phí hoặc cần ít vốn mà vẫn có thể thực hiện được thì vận động các ban ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia đóng góp thực hiện, làm cho công tác xã hội hóa trong xây dựng NTM đem lại hiệu quả thiết thực.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm