Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Bài học kinh nghiệm khi xây dựng 1.050 km cao tốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc hoàn thành các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam từ Ninh Bình đến Nghệ An tiếp tục nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam lên khoảng 1.050km; góp phần nối thông tuyến

Đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe đưa vào khai thác gồm 4 dự án thành phần (Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu) chiều dài 171,85 km. Ảnh: Báo GT

Ngày 8/9, tại TP. Thanh Hóa, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị sơ kết về thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017-2020 đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe đưa vào khai thác gồm 4 dự án thành phần (Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu) có chiều dài 171,85 km, tổng mức đầu tư 27.353 tỷ đồng, đi qua địa phận 4 tỉnh (Nam Định 5,1 km, Ninh Bình 24,4 km, Thanh Hóa 98,8 km, Nghệ An 43,5 km).

Nối thông tuyến cao tốc Hà Nội-Nghệ An

Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết: Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ GTVT đã tổ chức triển khai thực hiện 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài là 652,8 km.

Đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 8/11 dự án. Trong đó, 1 dự án BOT, 7 dự án đầu tư công với chiều dài 518 km.

Ba dự án đang triển khai, gồm: Cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành năm 2023, Dự án BOT Diễn Châu - Bãi Vọt và Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến hoàn thành năm 2024.

Đối với đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An, đến nay đã thông xe đưa vào khai thác 4 dự án thành phần với chiều dài 171,85 km, tổng mức đầu tư 27.353 tỷ đồng.

Như vậy, việc hoàn thành cao tốc đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Nghệ An (Diễn Châu) chỉ còn khoảng 3 - 3,5 giờ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các tỉnh khu vực phía bắc và Bắc Trung bộ; giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trên tuyến QL1; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và hình thành phát triển các khu công nghiệp, trung tâm văn hoá, du lịch của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ.

Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để bảo đảm tính kết nối và phát huy tối đa hiệu quả của dự án, tỉnh Thanh Hóa cũng đã ưu tiên bố trí gần 8.300 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để đầu tư các tuyến đường kết nối (quy mô từ 4-8 làn xe), nối từ 7 nút giao tới các tuyến đường trọng điểm của địa phương.

Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cũng như các địa phương có tuyến cao tốc đi qua sẽ đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm các dự án này.

Bám sát công trường, ứng dụng khoa học công nghệ

Chia sẻ về kinh nghiệm sau quá trình triển khai 4 dự án cao tốc từ Ninh Bình đến Nghệ An, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết: Địa hình dự án có nhiều chỗ hiểm trở khó khăn, thời tiết phức tạp, lại phải thực hiện trong quá trình dịch bệnh COVID-19 bùng phát do đó chỉ với nỗ lực quyết tâm từ đơn vị tư vấn là không đủ.

"TEDI đã chủ động tạo tính thống nhất trong quá trình khảo sát thiết kế thông qua việc xây dựng đơn vị tư vấn tổng thể và lập 12 nhóm chuyên môn (hỗ trợ công tác khảo sát thiết kế, tổ chức xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật thi công, bóc tách khối lượng...).

Đơn vị cũng chủ động ứng dụng những công nghệ khoa học kỹ thuật mới nhất trong khâu khảo sát địa hình, địa chất (công nghệ GNSS, Laser Scanner, UAV, LiDAR, trạm Base, trạm Cors), sử dụng phần mềm ứng dụng tiên tiến có bản quyền trong thiết kế đường cầu, hầm, xử lý nền đất yếu; phối hợp hiệu quả các bộ phận, các khâu, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm kinh tế kỹ thuật, thân thiện với môi trường", ông Nguyễn Mạnh Hà thông tin.

Còn với ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban QLDA 6 thì kinh nghiệm rút ra sau quá trình làm 4 dự án cao tốc đó là: Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, các ban QLDA phải quyết liệt, bám sát từ bước lập dự án tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu kỹ thuật, cho đến lựa chọn nhà thầu, phối hợp GPMB, tổ chức thi công... đều được triển khai xuyên suốt. Thêm vào đó, hoạt động điều hành dự án được đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý để phù hợp với dự án có quy mô lớn, trải dài.

"Các ban QLDA thuộc Bộ phải luôn bám sát, là cán cân điều phối linh hoạt trong điều hành giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trên công trường", Giám đốc Ban QLDA 6 nói.

Tương tự, các nhà thầu cũng xác định việc hoàn thành dự án là danh dự, trách nhiệm chính trị trước lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân nơi dự án đi qua. Các nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, từng tuần, tháng, quý, tập trung nguồn lực, vượt lên khó khăn, tận dụng tối đa điều kiện thời tiết khi thuận lợi để thi công bù tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nêu 6 bài học kinh nghiệm trong quá trình làm cao tốc. Ảnh: VGP/PT

6 bài học kinh nghiệm quý báu

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng biểu dương những nỗ lực, quyết tâm của nhà thầu, các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư, sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân các địa phương.

"Từ bộ trưởng đến các đồng chí lãnh đạo bộ, các cơ quan trực thuộc, các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư, nhà thầu thi công đã thực sự vào cuộc quyết tâm, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, quá trình thi công, nhất là ở giai đoạn cuối, Bộ GTVT đã phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là "mệnh lệnh" để các chủ thể tham gia dự án nỗ lực phấn đấu, tổ chức triển khai 3 ca 4 kíp, thi công xuyên lễ, xuyên Tết.

"Chúng tôi rất cảm động trước sự tương trợ, hỗ trợ của các nhà thầu, các doanh nghiệp trong thời gian qua. Khi đấu thầu các nhà thầu cạnh tranh quyết liệt, nhưng khi thi công lại thể hiện tinh thần rất khác.

Nhất là thời gian cuối của dự án, do tính cấp bách của dự án mà Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp, nhà thầu lớn huy động cán bộ kỹ sư giỏi đưa sang giúp đỡ nhà thầu khác. Khi đó, các nhà thầu đã không nề hà, có nhà thầu huy động tới 150 kỹ sư, cùng dây chuyền thiết bị hiện đại sang giúp đỡ đơn vị bạn. Đây là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam được thể hiện ngay trong quá trình thực hiện dự án.

Chính nhờ sự tương hỗ này, chúng ta mới có thể hoàn thành 2 dự án Nghi Sơn – QL45 và Nghi Sơn – Diễn Châu đúng dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua... Lịch sử sẽ không quên những vất vả, hy sinh của những người mở đường", Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh.

Thẳng thắn nhìn nhận vào các vấn đề còn tồn tại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu ra 6 bài học kinh nghiệm quý báu.

Trước hết là huy động sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội, vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

"Tinh thần thực hiện như Chính phủ đã quán triệt là khó khăn ở đâu thì giải quyết ở đó, ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, tránh các hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến tiến độ và mục tiêu chung của các dự án" - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.

"Ở Trung ương, các bộ, ngành phối hợp rất chặt chẽ hiệu quả. Từ lãnh đạo bộ rồi lan tỏa xuống cục vụ, các địa phương. Như công tác đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Rồi thấy rõ nhất ở các địa phương, nơi nào đồng chí bí thư tỉnh ủy vào cuộc chỉ đạo, lãnh đạo địa phương sát sao thì ở dưới làm rất nhanh rất, rất hiệu quả. Có những vấn đề tương tác trực tiếp giữa lãnh đạo với nhau, giữa các cấp với nhau không chờ họp", Bộ trưởng cho biết.

Tiếp đó, cần bám sát thực tiễn, chủ động, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách giải quyết theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian, tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện.

Bộ trưởng cũng xác định: Công tác giải phóng mặt bằng luôn là đường găng của các dự án nên cần phải đi trước một bước. Do vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng thời một số công việc để đẩy nhanh tiến độ, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, giao mỏ vật liệu, xác định bãi đổ thải, hạn chế tối đa việc bàn giao mặt bằng "xôi đỗ" gây khó khăn trong quá trình thi công.

Cần quan tâm xây dựng các khu tái định cư bảo đảm tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, để người dân yên tâm về nơi ở mới, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao của người dân bị ảnh hưởng, nhanh chóng bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.

Đối với nhu cầu vật liệu đắp nền đường rất lớn, Bộ trưởng cho rằng các địa phương trong các dự án tiếp theo cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của dự án; đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn vật liệu để bảo đảm chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình.

Công tác chuẩn bị đầu tư cần được chuẩn bị kỹ lưỡng đặc biệt là tư vấn khảo sát thiết kế giảm thiểu sai số. Các doanh nghiệp nhà thầu phối hợp chặt chẽ, xử lý các tình huống phát sinh, nhằm bảo đảm công tác thi công được thông đồng bén giọt, bảo đảm dự án đưa vào khai thác được bền vững trong điều kiện thời tiết biến đổi khó lường.

Cuối cùng, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp điều kiện thực tế.

Huy động đầy đủ nhân lực, tài chính, máy móc thiết bị hiện đại, tổ chức thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường; chú trọng chăm lo quyền lợi chính đáng, đời sống tinh thần, động viên cổ vũ người lao động.

Tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật của Dự án, các quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

4 dự án cao tốc giai đoạn 2017 - 2020 từ Ninh Bình đến Nghệ An gồm: Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2 km, tổng mức đầu tư 1.607,4 tỷ đồng, do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư;

Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,37 km, tổng mức đầu tư 12.918 tỷ đồng, do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư;

Đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43,28 km, tổng mức đầu tư 5.534 tỷ đồng, do Ban QLDA 2 làm chủ đầu tư;

Đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km, tổng mức đầu tư 7.293 tỷ đồng, do Ban QLDA 6 làm chủ đầu tư;

Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đưa vào khai thác tháng 2/2022; đoạn Mai Sơn - QL45 đưa vào khai thác tháng 4/2023 và 2 đoạn QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đưa vào khai thác từ ngày 1/9/2023.

Có thể bạn quan tâm