Thời sự - Bình luận

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.

Để hình dung tầm quan trọng cũng như nguồn lực khổng lồ bị "đóng băng" do công tác thẩm định giá đình đốn cũng như việc kéo dài khoảng trống này ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế, hãy nhìn qua các con số và các câu chuyện sau.

Đầu tiên là chuyện Sở TN-MT TP.HCM đã trình Hội đồng thẩm định giá 22 dự án với số tiền khoảng 25.483 tỉ đồng trong quý 4 này nhằm bảo đảm nguồn thu ngân sách năm 2024 cho TP. Chỉ với 22 dự án nếu hoàn tất công tác thẩm định giá đã mang về cho ngân sách TP cả tỉ USD. Thế nhưng theo thống kê, tại TP.HCM hiện nay có hàng trăm dự án do vướng công tác thẩm định giá đất nên không tính toán được nghĩa vụ tài chính, thu tiền sử dụng đất. Tình trạng này gây khó khăn cho chủ đầu tư, người mua nhà chung cư và cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn thu ngân sách của TP sụt giảm. Rộng ra trên cả nước với hàng ngàn dự án bị tắc thì ngân sách hụt thu biết bao nhiêu? Chưa kể, bất động sản liên quan đến nhiều ngành nghề khác.

Nếu các nhà phát triển bất động sản không triển khai được dự án, kéo theo xây dựng, thi công, thiết kế, đồ gỗ... cũng đình đốn, sụt giảm doanh số, kéo theo khoản thuế nộp cho ngân sách sụt giảm, ảnh hưởng thu nhập của người lao động... Mức độ tác động có thể nói là rất lớn, khó mà đo đếm được.

Câu chuyện thứ hai đã được "kể" không ít lần cả năm qua nhưng tới giờ vẫn chưa được cải thiện. Đó là Sở TN-MT TP.HCM không tìm được doanh nghiệp thẩm định giá khu đất đã được quy hoạch dù phát thư mời tới... 30 lần. Vấn đề doanh nghiệp né thẩm định giá đất vì sợ rủi ro đã được mang ra chất vấn tại nghị trường Quốc hội hồi đầu năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến.

Mấu chốt của tình trạng này là một thời các công ty thẩm định giá sai phạm do cố ý thông đồng, câu kết làm sai lệch kết quả thẩm định giá. Sau khi hàng loạt công ty bị xử lý, doanh nghiệp sợ rủi ro, co lại, từ chối thẩm định giá đất... khiến công tác này nghẽn lại, dự án đình đốn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu ngân sách, sự phát triển của thị trường bất động sản cũng như quyền lợi của người mua nhà.

Thực tế, ngay cả chính sách pháp luật liên quan đến công tác này, cũng còn lúng túng, bất cập. Suốt mấy năm qua chúng ta chứng kiến nghị định về định giá đất được mang ra lấy ý kiến sửa đổi liên tục. Thậm chí có nghị định vừa ban hành chưa được bao lâu đã phải điều chỉnh vì chưa tính đúng, tính đủ chi phí của doanh nghiệp, chưa đúng nguyên tắc kinh tế... huống hồ chi các doanh nghiệp thẩm định giá.

Nhưng giờ mọi chuyện đã khác. Quốc hội, Chính phủ nỗ lực đưa 3 luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực sớm nửa năm, trong đó luật Đất đai 2024 với những quy định mới về định giá đất được đánh giá là bước tiến quan trọng trong cải cách chính sách đất đai. Việc này nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi, phát triển bền vững, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Vì thế, không thể và không nên để "khoảng trống định giá đất" ảnh hưởng đến các nỗ lực và kỳ vọng nói trên. Mà muốn lấp đầy khoảng trống này thì việc đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là công tác chuẩn bị sẵn sàng; văn bản hướng dẫn đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước; minh bạch các điều kiện thực hiện; giám sát chặt chẽ quy trình thực hiện... Như vậy thì chắc chắn, hàng ngàn dự án đang tắc định giá đất trên thị trường sẽ được khơi thông; các doanh nghiệp cũng bớt nỗi lo rủi ro thẩm định giá, ngân sách tăng khoản thu còn người dân được bảo đảm quyền sở hữu khi mua tài sản bất động sản.

Theo Nguyên Khanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm