Kinh tế

Bài học từ việc giao rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến nay, tỉnh Đak Lak đã giao được 8.577 ha rừng cho 1.209 hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh theo Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm giao, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, sau khi được giao thì hàng loạt rừng vẫn bị tàn phá, để chấm dứt thực trạng này còn là một bài toán nan giải, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu về đất canh tác, chủ rừng thiếu trách nhiệm quản lý, cán bộ giám sát địa bàn làm chưa chặt chẽ, báo cáo kịp thời…

 

Nhiều cánh rừng do giao khoán cho dân đã bị tàn phá làm nương rẫy. Ảnh: B.T
Nhiều cánh rừng do giao khoán cho dân đã bị tàn phá làm nương rẫy. Ảnh: B.T

Giao đến đâu phá đến đó

Tại huyện Ea Súp những năm trước đây, rừng chủ yếu bị lâm tặc tấn công để lấy gỗ, nhưng đến khi gỗ hết, hiện tượng phá rừng lấy đất làm nương rẫy lại xảy ra thường xuyên, nhất là đối với rừng giao khoán cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ quản lý và bảo vệ. Riêng ở xã Ea Bung có 13 nhóm hộ nhận khoán bảo vệ 1.661,4 ha rừng, tuy nhiên, qua đợt kiểm tra gần nhất của UBND xã, diện tích rừng này đã bị phá tới 1.053,88 ha (chiếm gần 2/3 diện tích trên), trong đó, có nhóm 15 hộ ở thôn 4 (do ông H.T.H. làm trưởng nhóm) đã bị phá toàn bộ gần 300 ha rừng.

Ông Bùi Đức Hạnh-Chủ tịch UBND xã Ea Bung (huyện Ea Súp) bộc bạch: Nguyên nhân chủ yếu là do địa điểm rừng được giao khoán cách quá xa khu dân cư, đường đi không thuận lợi, chi phí xăng xe đi lại tốn kém, nên hầu như chủ rừng buông lỏng việc quản lý. Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách cho người quản lý, bảo vệ rừng chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến việc nhiều lần chủ rừng bắt quả tang các đối tượng phá rừng mà không biết xử lý thế nào, báo lên chính quyền địa phương biết và đến khi xuống hiện trường thì lâm tặc đã chạy mất.

Cùng chung số phận, xã Cư M’Lan cũng có 5 nhóm hộ nhận khoán quản lý bảo vệ 1.139 ha rừng ở các tiểu khu 281, 287 và 288, nếu chia đều mỗi nhóm hộ được 200 ha. Tuy nhiên, hầu hết rừng nơi đây đều là rừng khộp nghèo, hết gỗ khai thác, trong khi đó, lại giao cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo quản lý. Bởi thế, chính sách cho bà con hưởng lợi từ việc khai thác gỗ theo kế hoạch của địa phương, hay trồng rừng là không phù hợp, phải đợi từ 20 đến 30 năm sau, khi cây trưởng thành mới có thể cho khai thác gỗ, trong khi đó, người dân cần những khoản chi phí không nhỏ cho cuộc sống trước mắt. Vậy là chủ rừng không còn thiết tha quản lý, việc phá rừng làm rẫy thì vẫn cứ tiếp diễn.

Thấy rõ những mối lo ngại trước mắt và lâu dài, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng như các ban, ngành liên quan trong tỉnh đã có nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền, hướng dẫn bà con đồng lòng với chính quyền địa phương sớm ngăn chặn triệt để tình trạng trên. Đồng thời, những năm qua, Sở cũng đã hỗ trợ cho những hộ nghèo nhận rừng giao khoán trên địa bàn tỉnh hơn 45 tấn gạo và 81 ngàn cây giống. Song, xem ra, tất cả những công sức trên vẫn chưa được đền đáp.

Giao khoán đúng, hiệu quả rất cao

 

 

Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh Đak Lak không phải tất cả các cánh rừng giao khoán đều bị tàn phá. Đã có một số buôn, làng điển hình ở các địa phương bảo vệ rừng khá tốt, ở đó, rừng đã mang lại nguồn lợi trực tiếp cho người được nhận khoán, cuộc sống người dân no đủ, khấm khá lên từ kinh tế rừng. Cụ thể như cộng đồng buôn Ta Ly (xã Ea Sol, huyện Ea H’Leo), có 144 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhận bảo vệ 1.127,5 ha rừng, ai trong buôn cũng đều gắn trách nhiệm của mình vào công cuộc bảo vệ rừng.

Nhờ diện tích rừng buôn Ta Ly nhận khoán chủ yếu đang còn là rừng nguyên sinh, nên chỉ sau hơn 4 năm chăm sóc, bảo vệ, cộng đồng buôn này đã khai thác được 380 m3 gỗ theo chỉ tiêu, thu được 616 triệu đồng. Nguồn thu lợi này họ đã khôn khéo sử dụng để các hộ nghèo trong buôn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, như mua bò, heo, giống cây trồng mới và chi phí cho công tác trồng mới và bảo vệ rừng.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho rằng, chính sách hưởng lợi cho chủ rừng cần phải được điều chỉnh, ngoài chính sách ưu đãi hộ nghèo nhận khoán rừng như đang thực hiện, nên chi trả công bảo vệ rừng hàng năm như đối với giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng, vườn quốc gia với mức đang thực hiện là 100.000 đồng/ha/năm, khi đó người dân sẽ có ý thức giữ rừng hơn.

Đồng quan điểm trên, ông Ksơr Grư-Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sol, huyện Ea H’Leo cho rằng, nên giao khoán rừng tới từng hộ dân, với diện tích vừa phải để gắn trách nhiệm của hộ đó với rừng, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” như hiện nay.

Bá Thăng

Có thể bạn quan tâm