TN - Đất & Người

Bài học vỡ nợ ký gửi nông sản ở Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều nông dân ở Đắk Nông thường ký gửi nông sản cho các công ty, đại lý. Cách làm này không phải lúc nào cũng êm đẹp.

Lâu nay, nhiều nông dân ở Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung thường chở tất cả hồ tiêu, cà phê… đến đại lý, công ty ký gửi. Nông dân thường ký gửi bằng việc chốt giá hoặc chờ đến thời điểm giá cao thì mới chốt giá bán. Thủ tục ký gửi nông sản thường chỉ là tờ giấy viết tay.

Ký gửi nông sản đã được cảnh báo rủi ro cao với nông dân và là “kẽ hở” để những chủ đại lý, công ty lách luật tuyên bố phá sản, vỡ nợ. Thực tế, hàng năm ở Đắk Nông đều có những vụ vỡ nợ, phá sản do ký gửi nông sản. Điều này dẫn đến nhiều nông dân thiệt hại nặng nề về kinh tế, đời sống.

Chỉ trong tháng 1/2024, tại Đắk Nông đã xảy ra 2 vụ vỡ nợ liên quan đến ký gửi nông sản. Cụ thể, ngày 9/1/2024, Đại lý cà phê Mai Cầu, xã Tân Thành, huyện Krông Nô tuyên bố phá sản với tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng. Theo chủ đại lý, trong số các món nợ này, có 16 hộ dân ký gửi 150 tấn cà phê nhân, trị giá khoảng 10 tỷ đồng. 14 tỷ đồng còn lại đại lý nợ 2 cơ sở kinh doanh cà phê khác.

Ngày 13/1/2024, tại xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, người dân tập trung tại Công ty TNHH MTV Đức Hoàng để đòi nợ. Người dân đã ký gửi cà phê, hồ tiêu tương đương 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này đã tuyên bố phá sản do mất khả năng trả nợ.

Trước thực tế này, các cấp ủy đảng, chính quyền, hội nông dân ở Đắk Nông đã đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo nông dân không nên ký gửi cà phê, hồ tiêu. Nhất là trong thời điểm hiện nay, nông dân vừa thu hoạch xong cà phê và đang bước vào thu hoạch hồ tiêu.

Ông Đoàn Lê Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho biết, có nhiều hộ có thói quen ký gửi nông sản. Do đó, ngay sau khi tại xã Quảng Tân xảy ra vụ vỡ nợ thì Đảng ủy xã Quảng Trực đã ban hành văn bản chỉ tăng cường tuyên truyền cho nông dân cất nông sản ở nhà để bảo đảm tài sản, tránh sự lợi dụng, trục lợi của đại lý, công ty. "Xã hướng dẫn quy trình bảo quản nông sản tại nhà cho nông dân", ông Anh cho biết.

Đảng ủy xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) kịp thời ban hành văn bản định hướng người dân không nên ký gửi nông sản

Đảng ủy xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) kịp thời ban hành văn bản định hướng người dân không nên ký gửi nông sản

Theo ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Song, tình trạng nông dân ký gửi nông sản và sau đó bị các đại lý, công ty tuyên bố phá sản, vỡ nợ đã xảy ra nhiều. Thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn đã tuyên truyền về vấn đề này và nhiều người đã thực hiện để bảo vệ tài sản, nông sản.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nông dân chủ quan, nên vẫn ký gửi nông sản. Do đó, năm nay, Hội Nông dân huyện Đắk Song đã yêu cầu các cơ sở hội đẩy mạnh tuyên truyền tại các cuộc họp, nhóm Zalo, Facebook nhằm giúp nông dân nâng cao ý thức, cảnh giác và không nên ký gửi nông sản… để tránh “bẫy vỡ nợ” của các chủ đại lý, công ty.

Nhiều nông dân Đắk Nông sau khi thu hoạch đã không ký gửi nông sản tại các đại lý

Nhiều nông dân Đắk Nông sau khi thu hoạch đã không ký gửi nông sản tại các đại lý

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông cho biết, các đại lý, công ty tiềm lực kinh tế yếu, thường tự tiện thấy giá cao thì bán nông sản của nông dân ký gửi. Đây là một trong những cách họ dùng để huy động vốn.

Hiện nay, giá cà phê, hồ tiêu đang tăng, giảm chưa ổn định. Do đó, những đại lý tiềm lực kinh tế yếu mà cho người dân ký gửi thì nguy cơ vỡ nợ càng cao. Ngoài ra, đại lý còn lợi dụng việc giá cả lên xuống, làm ăn thua lỗ để tuyên bố vỡ nợ.

"Ký gửi nông sản là giao dịch dân sự. Vì thế, các đại lý, công ty thường biện luận sẽ trả chứ không xù nợ. Nhưng biết khi nào họ mới trả cho nông dân?”, ông Gấm phân tích.

Để làm ra hạt cà phê, hồ tiêu hoặc những nông sản khác, nhiều nông dân không chỉ mất công làm lụng, chăm sóc mà còn phải vay mượn tiền để đầu tư, chăm bón. Do đó, nông dân hãy biết cách bảo vệ thành quả lao động, tránh mất tiền còn mang nợ nần.

Có thể bạn quan tâm