Chính trị

Bài viết của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về thực hiện ý nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Báo Gia Lai trân trọng giới thiệu bài viết “Thực hiện ý nguyện của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và sự kỳ vọng của Nhân dân" của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày sách "Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chiều 16/7/2024, tại Hà Nội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày sách "Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chiều 16/7/2024, tại Hà Nội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

"Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta, nhà lý luận, nhà tư tưởng, nhà văn hóa uyên bác, một nhân cách mẫu mực, người con rất mực hiếu đễ và nhân văn của Nhân dân ta đã không còn nữa. Đây là sự mất mát to lớn của Đảng ta, đất nước ta, dân tộc ta và Nhân dân ta. Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người lãnh đạo kiên trung, trọn đời vì nước vì dân!

Gần 60 năm hoạt động, công tác, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành trọn vẹn cho Đảng, cho đất nước, cho Nhân dân và thật sự xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, sự kỳ vọng của đất nước và sự yêu mến của Nhân dân. Là lãnh đạo có tầm chiến lược, đầy bản lĩnh và sáng tạo trong những giai đoạn lịch sử quan trọng, trên cơ sở kế thừa và phát triển những thành quả của cách mạng Việt Nam. Trên cương vị Tổng Bí thư, Đồng chí đã cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước một cách toàn diện, đồng bộ, phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Thời gian qua, Đồng chí vừa là người “cầm lái”, vừa là người “đốt lò”, “đứng mũi chịu sào”, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng dân, trong hoạt động của cả hệ thống chính trị, đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta “vừa xây, vừa chống” đưa đất nước ta vươn lên, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa XI và XII, đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV, XV, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, với trọng trách mà Đảng và Nhân dân đã giao phó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt, sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, khách quan, khoa học, đồng thời rất cụ thể, sâu sắc đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam, nhằm xây dựng một Quốc hội thực sự vững mạnh, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng với vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước.

Quốc hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong những nhiệm kỳ gần đây đã có những bước đi đúng hướng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy mạnh mẽ tính dân chủ, pháp quyền, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân, luôn bám sát mọi diễn biến của thực tiễn, cùng hệ thống chính trị đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Hoạt động lập pháp của Quốc hội tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều tiến bộ cả về số lượng, chất lượng và quy trình, thủ tục, đã hoạch định chương trình lập pháp dài hạn, chú trọng tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, minh bạch của hệ thống pháp luật và hài hòa với pháp luật quốc tế, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoạt động giám sát của Quốc hội được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là chất vấn và giám sát chuyên đề. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng toàn diện, phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân. Vị thế, vai trò và uy tín của đất nước ta nói chung và Quốc hội nói riêng ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Nhìn chung, hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, tăng tính pháp quyền, đồng hành, gắn bó mật thiết với cử tri và Nhân dân, luôn nỗ lực hành động quyết liệt và hiệu quả vì lợi ích trên hết và trước hết của Nhân dân, của đất nước, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên phương diện lý luận, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thực tiễn từ quá trình đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội nói riêng và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói chung ở nước ta, từng bước đúc rút những vấn đề cốt lõi, quan trọng, có tính quy luật khách quan, từ đó góp phần củng cố và phát triển tư duy lý luận của Đảng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đồng thời có giá trị định hướng quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao nhằm không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, như: tiếp tục tăng cường năng lực và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phát triển, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, nhất là tăng cường giám sát chuyên đề, chất vấn, giải trình và giám sát thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát; nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của Nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại của Quốc hội, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế để nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, giữ vững môi trường chính trị hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới; tổ chức hoạt động bầu cử phải dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm để lựa chọn, bầu ra những đại biểu có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho Nhân dân.

Đồng chí yêu cầu phải tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, bởi đây là nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách mà Nhân dân ủy thác. Cần tăng cường phát huy hơn nữa tính dân chủ, pháp quyền trong mọi hoạt động của Quốc hội để “tạo thêm sức mạnh và sự năng động, sáng tạo từ hệ thống chính trị của nước ta”. Hơn hết, Quốc hội phải “gần gũi, gắn bó mật thiết với Nhân dân, nắm bắt đầy đủ, hiểu sâu sắc tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của Nhân dân, trân trọng lắng nghe, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân”, đây là nhân tố quan trọng bảo đảm cho Quốc hội có những quyết sách đúng đắn và thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội cần được tiến hành “chặt chẽ, đồng bộ”, “bài bản”, “có định hướng mục tiêu rõ ràng, bước đi chắc chắn và mang lại hiệu quả thiết thực”...

Đồng chí Tổng Bí thư luôn nhắc nhở mỗi đại biểu Quốc hội cũng cần ý thức đầy đủ về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; học dân, học thực tiễn; chính sách, pháp luật ban hành đừng xa rời cuộc sống: “Chúng ta đập nhịp đập của cuộc sống, của trái tim nhân dân thì nhất định hoạt động của Quốc hội sẽ sinh động và hiệu quả”. Cùng với việc chú trọng đổi mới tổ chức, bộ máy, công tác cán bộ, hoạt động của Quốc hội, trước hết từ mỗi đại biểu Quốc hội, mỗi cơ quan của Quốc hội phải luôn nỗ lực hành động quyết liệt và hiệu quả vì lợi ích trên hết và trước hết của Nhân dân, của đất nước; chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa và hiệu quả những biểu hiện tiêu cực, suy thoái trong mọi hoạt động của Quốc hội.

Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Đồng chí đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do những tác động không thuận lợi từ bên ngoài và những hạn chế, yếu kém từ trong nước, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội là yêu cầu cấp thiết, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Quán triệt sâu sắc những quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo và sự kỳ vọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong thời gian tới, Quốc hội cần phát huy hơn nữa những thành tựu và kinh nghiệm của gần 80 năm qua, tiếp tục nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong hệ thống chính trị nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới, xây dựng một Quốc hội dân chủ, pháp quyền, chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không ngừng tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân.

Trong đó, về tổ chức, Quốc hội không ngừng đổi mới tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chú trọng nâng cao chất lượng đại biểu, đặc biệt là đại biểu Quốc hội chuyên trách; xử lý tốt nguyên tắc bảo đảm cơ cấu và nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, trong đó yêu cầu nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội là trọng tâm; nghiên cứu việc giảm số lượng đại biểu công tác tại các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước, tăng tỷ lệ đại biểu là nhà khoa học, đại biểu có trình độ, năng lực và điều kiện hoạt động Quốc hội.

Về hoạt động, Quốc hội không ngừng đổi mới toàn diện trên cả 3 chức năng: lập hiến, lập pháp; giám sát tối cao; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong hoạt động lập pháp, Quốc hội tích cực, chủ động hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững theo yêu cầu của Nghị quyết 27-NQ/TW. Trong đó, Quốc hội cần tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật phát triển, dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Quy định rõ hơn quy trình xây dựng chính sách, phân định rõ quy trình lập pháp và quy trình xây dựng văn bản dưới luật. Phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp; phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào quy trình lập pháp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng pháp luật.

Trong hoạt động giám sát: tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội; hoạt động giám sát được tiến hành thường xuyên, liên tục, bám sát tình hình thực tiễn, nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng hoạt động sau giám sát, bảo đảm hiệu lực pháp lý và thực hiện nghiêm các kết luận, nghị quyết về giám sát của Quốc hội. Thiết lập đồng bộ, gắn kết chặt chẽ cơ chế giám sát của Quốc hội với cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp; giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và giám sát của Nhân dân. Chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Trong hoạt động chất vấn, cần tiếp tục tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ nội dung chất vấn, cá thể hóa trách nhiệm, tiếp thu ý kiến của cử tri, các thông tin cần thiết để phục vụ hoạt động chất vấn,... Sau hoạt động chất vấn, xây dựng các nghị quyết về chất vấn, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện nghị quyết về chất vấn.

Tiếp tục hoàn thiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, đảm bảo sự ổn định, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.

Trong hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đi đôi với việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong việc Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tiếp tục đổi mới quy trình quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, phù hợp ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

Trong hoạt động đối ngoại, Quốc hội chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước.

Mỗi một đại biểu Quốc hội cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của Nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và Nhân dân tin cậy và giao phó, xứng đáng “là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân”.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn quân, các tầng lớp nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Trong niềm tiếc thương vô hạn ấy, chúng ta tin tưởng mạnh mẽ rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng, tâm nguyện của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đổi mới hoạt động và tổ chức của Quốc hội, để Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với cử tri, với Nhân dân, hoạt động thực sự vì lợi ích của Nhân dân sẽ tiếp tục được thấm nhuần và hiện thực hóa trong thực tiễn hoạt động của Quốc hội vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

Có thể bạn quan tâm