Du lịch

Hành trang lữ hành

Bám trụ với nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Du lịch, dịch vụ là một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Tuy vậy, nhiều người vẫn hy vọng cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Họ cố gắng bám trụ với nghề theo nhiều cách khác nhau để mưu sinh.
Nhiều khó khăn, áp lực
Từ tháng 4 đến nay, anh Phạm Ân làm nghề ảnh dịch vụ buộc phải hủy gần 40 hợp đồng chụp ảnh cưới đã ký trước đó với khách hàng vì dịch Covid-19 tái phát. Anh Ân cho biết, hợp đồng đã hủy phần lớn là của các cặp đôi ngoại tỉnh như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Họ có kế hoạch đến Gia Lai vừa chụp ảnh cưới vừa kết hợp du lịch. Vợ anh làm nghề trang điểm cô dâu cũng rơi vào cảnh thất nghiệp. Công việc chính của chị bây giờ là ở nhà chăm 2 con nhỏ, dọn dẹp, trông nom cửa tiệm. “Chúng tôi thuê mặt bằng trên đường Wừu để mở tiệm trang điểm cô dâu, chụp hình cưới với giá thuê là 10 triệu đồng/tháng. Tôi đã trả tiền nhà nguyên năm 2021. Lúc công việc suôn sẻ, kinh doanh thuận lợi thì đây là số tiền không lớn. Nhưng để tiếp tục ký hợp đồng thuê nhà trong năm 2022 thì từ giờ tới cuối năm, chúng tôi cũng chưa chắc chắn. Dịch bệnh phải dừng hoạt động kinh doanh suốt nhiều tháng, chúng tôi không có thu nhập thì đây là số tiền khá lớn. Chưa kể còn tiền sinh hoạt phí, nuôi con nhỏ và nhiều nhu cầu thiết yếu khác. Vì vậy, chúng tôi đang đối mặt rất nhiều khó khăn, áp lực”-anh Ân chia sẻ.
Gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng anh Phạm Ân vẫn quyết tâm bám trụ với nghề nhiếp ảnh dịch vụ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng anh Phạm Ân vẫn quyết tâm bám trụ với nghề nhiếp ảnh dịch vụ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Nhưng là người lạc quan, anh Ân cho biết đây cũng là khoảng thời gian để nhìn lại quãng đường đã đi và lựa chọn sẽ phải làm gì. Theo anh, làm công việc gì cũng luôn có sự đầu tư, đổi mới, sáng tạo thì mới thăng hoa và đạt hiệu quả. Vì vậy, giữa lúc khó khăn bởi dịch bệnh, anh vẫn quyết định vay vốn mua đất đầu tư mô hình lưu trú, cà phê cho khách là cô dâu chú rể ở tỉnh xa tới có chỗ ăn ở, vui chơi. Anh cho hay: “Sau khi chụp ảnh cho rất nhiều bạn trẻ ở các tỉnh, thành phố lớn, tôi thấy họ rất thích Gia Lai. Nhưng Gia Lai thiếu nhiều thứ để có thể níu chân họ ở được lâu. Từ đó tôi mới nghĩ ra mô hình này ngay dưới chân núi Đá, có thể ngắm nhìn Phố núi Pleiku với tất cả vẻ đẹp, sự lãng mạn trong cả hai mùa mưa, nắng. Các cặp uyên ương khi tới đây sẽ có chỗ lưu trú, có không gian lãng mạn, tràn ngập hoa cỏ để chụp ảnh, check-in, từ đó lan tỏa thêm hình ảnh về Phố núi xinh đẹp, hiền hòa”.
Dù phải vay số tiền không nhỏ để đầu tư cho công việc làm ăn, nhưng 9X này cho rằng, còn trẻ thì nên thử sức, tự tạo áp lực mới có mục tiêu hướng đến. “Tôi luôn hy vọng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tôi tin dịch bệnh sẽ sớm được khống chế, mọi hoạt động rồi sẽ trở lại bình thường, mọi người sẽ tìm thấy những giây phút bình yên, hạnh phúc như khi mình nhìn vào mắt các cặp uyên ương trong ống kính máy ảnh”-anh Ân bày tỏ.
Nỗ lực và hy vọng
Du lịch là ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. Do vậy, “đại gia đình làm du lịch” như trường hợp anh Hoàng Phương-Giám đốc Công ty TNHH truyền thông du lịch Le Pleiku, sự tác động này là không hề nhỏ. Anh Phương cho biết: “Nhà tôi có tổng cộng 5 người làm nghề du lịch. Em gái và em rể tôi là Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty du lịch VietJoy Tourist Sài Gòn, nay đang bán mắm nêm, rong biển và các loại hải sản tươi sống. Em trai út là Hoàng Duy-điều hành của Công ty VietJoy Tourist tại Sài Gòn, kiêm hướng dẫn viên, hiện ở nhà bẫy chim và bán chim sâu. Bạn đời của tôi là Trịnh Mận đang cùng tôi điều hành Công ty du lịch, hiện cũng đang bán đặc sản Tây Nguyên và cà phê hạt online kiếm sống qua ngày. Tôi thì đang cật lực review và bán sách để kiếm tiền trả tiền thuê mặt bằng. Nhìn lại chặng đường 15 năm làm du lịch, anh em chúng tôi đã cố gắng hết sức để hoàn thành và cung cấp các dịch vụ liên quan đến du lịch một cách tốt nhất cho khách hàng từ TP. Hồ Chí Minh đến Gia Lai. Dịch bệnh khiến mỗi người đều phải tìm cách mưu sinh nhưng tình yêu với nghề du lịch của chúng tôi không hề thay đổi. Bởi đại dịch giúp chúng tôi thấy công việc có ý nghĩa và trân trọng hơn với nghề”.
Nhân lực ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh. Trong ảnh, ông Hoàng Phương (ngoài cùng, bên trái)trong một chuyến dẫn đoàn khách du lịch của công ty (ảnh chụ
Nhân lực ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh. Trong ảnh, anh Hoàng Phương (ngoài cùng, bên trái) trong một chuyến dẫn đoàn khách du lịch của Công ty (ảnh chụp năm 2019). Ảnh: Hoàng Ngọc
Theo anh Hoàng Phương, thời điểm này, hầu hết những người làm du lịch đều rơi vào giai đoạn khủng hoảng, khó khăn nhất. Bản thân anh đã phải bán xe ô tô lấy tiền chi phí hoạt động của Công ty. Vì vậy, người làm du lịch rất cần sự hỗ trợ để có thể “sống sót” qua đại dịch. “Đây là lúc chúng tôi đang cần sự hỗ trợ nhất. Tỉnh có thể hỗ trợ thiết thực bằng cách cho mỗi đơn vị vay trong khoảng 100 triệu đồng hoặc nếu nhiều hơn thì càng tốt trong 2-3 năm để chúng tôi xoay xở trong thời gian này. Đây là số tiền không lớn, nhưng sẽ cứu được đơn vị làm du lịch trước bờ vực phá sản”-anh Hoàng Phương mong muốn.
Mới đây, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ban hành quyết định về việc công bố thủ tục hành chính hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trình tự thủ tục được cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, lập danh sách đề nghị hỗ trợ trình UBND tỉnh quyết định. Đây là tin vui đối với người làm du lịch. Tuy nhiên, theo anh Hoàng Phương, sự hỗ trợ này vẫn còn “bỏ sót” một số đối tượng. “Sự hỗ trợ vào lúc này có ý nghĩa rất thiết thực. Tuy nhiên, theo tôi, trong 1 công ty du lịch, ngoài hướng dẫn viên thì còn có các nhân viên khác như điều hành, kế toán, đặc biệt là lực lượng sale tour (bán dịch vụ du lịch) rất đông. Họ cũng rất cần được hỗ trợ trong lúc khó khăn này”-anh Hoàng Phương nói.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm