(GLO)- Sáng 9-8, tại UBND xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm với bị cáo Rah Lan Hip (SN 1981, trú tại làng Phun Thanh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”.
Theo hồ sơ, năm 2001 và 2004, Hip đã tham gia cái gọi là “Tin lành Đê Ga” (TLĐG) và tham gia biểu tình tại TP. Pleiku, huyện Chư Prông nên đã bị Công an huyện Chư Prông mời lên răn đe giáo dục. Tuy nhiên, đến năm 2010, Hip vẫn tham gia TLĐG và đảm nhiệm trong Ban chấp sự TLĐG, phụ trách thanh niên làng Phun Thanh, xã Ia Băng.
Tháng 4-2018, Hip đã sử dụng tài khoản facebook có tên “Kiêu Rah Lan” chia sẻ nhiều bài viết về TLĐG với tài khoản facebook “Chung Rơ Châm”. Hip biết facebook trên là của Rơ Châm Chung (tên thường gọi Ama Wăn) hiện sống ở Mỹ và làm việc cho Ksor Kơk. Qua trò chuyện, Chung động viên, tuyên truyền để Hip tiếp tục theo TLĐG và gửi các video quay cảnh ở Mỹ, trong đó có nhà thờ TLĐG, có cờ của “Nhà nước Đê Ga” cho Hip xem. Sau đó, Chung giới thiệu cho Hip làm quen với Kpă Chế và Rah Lan Hre là 2 đối tượng sống lưu vong ở Mỹ để Hip liên lạc.
Quang cảnh phiên tòa xét xử lưu động. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Đến tháng 5-2018, sợ bị Cơ quan Công an phát hiện nên Hip đã lập facebook mới tên “Hơ Nơ Bơni” để tiếp tục liên lạc với 3 đối tượng trên. Qua các lần nói chuyện, 3 đối tượng này đã tuyên truyền cho Hip không được từ bỏ TLĐG. Sau này khi “Nhà nước Đê Ga” thành công thì Hip là người có công lớn và được ưu tiên giữ chức vụ cao. Chung đã yêu cầu Hip phụ trách TLĐG ở huyện Chư Prông, Chế yêu cầu Hip vào các ngày chủ nhật hàng tuần thì sử dụng facebook để liên lạc hỏi thăm về tình hình TLĐG.
Từ tháng 6-2018, Chế chỉ đạo Híp làm báo cáo về các nội dung: thu nhập thông tin, danh sách, số lượng người dân tộc thiểu số chấp hành xong án phạt tù, người đang chấp hành án phạt tù ở huyện Chư Prông; thông tin số lượng người còn theo TLĐG ở huyện Chư Prông. Chế yêu cầu Híp báo cáo sớm để Chế gửi tiền về cho Hip tổ chức Noel 2018 cho những người theo TLĐG. Đồng thời yêu cầu Hip tích cực tuyên truyền những người theo TLĐG trên địa bàn huyện Chư Prông không được từ bỏ TLĐG, ở Mỹ có nhà thờ Đê Ga, cờ của “Nhà nước Đê Ga” và tiếp tục tin tưởng, cầu nguyện cho “Nhà nước Đê Ga” do Ksor Kơk làm "Tổng thống" sớm thành công.
Thực hiện sự chỉ đạo trên, Hip cùng một số đối tượng khác tại địa phương thu thập danh sách của 2 người đã chấp hành xong án phạt tù, 1 người đang chấp hành án phạt tù. Bên cạnh đó, thu thập số lượng người theo TLĐG là 1.304 người để báo cáo cho Chế. Hip đã tổ chức 4 lần nhóm họp để tuyên truyền cho 21 lượt người dân tộc thiểu số không được từ bỏ TLĐG. Hip đã được Chế và Chung gửi về số tiền 18 triệu đồng để hoạt động.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định hành vi của Hip là nguy hiểm cho xã hội, đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị ở địa phương, gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Sau khi nghe Hội đồng xét xử cũng như đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phân tích, luận tội, Hip đã tỏ vẻ ăn năn hối cải. Bị cáo thừa nhận: “Tôi đã biết hành vi của mình là sai, là vi phạm pháp luật. Tôi xin lỗi bà con dân làng vì tôi đã lôi kéo họ tham gia vào tổ chức phản động, tin theo lời của các đối tượng sống lưu vong. Hy vọng bà con sẽ từ bỏ, không nên tin vào Tin lành Đê Ga mà tập trung lo làm ăn, sinh sống”.
Trong khoảng thời gian chờ Hội đồng xét xử nghị án, Hip đã rươm rướm nước mắt khi chứng kiến cảnh người mẹ già, vợ cùng 5 đứa con thơ ôm chầm lấy mình khóc lóc. Hip chỉ kịp ôm lấy người thân và hôn nhẹ lên cô con gái vừa tròn 2 tháng tuổi. Những đứa trẻ cứ bám riết lấy người cha sau bao ngày xa cách. Chị Siu H’Két-vợ của Hip buồn bã: “Con còn nhỏ quá mà chồng lại đi tù, giờ trong nhà không có ai đi làm được. Chỉ mong chồng mình cải tạo tốt, được nhà nước giảm nhẹ hình phạt để trở về cùng mình làm ăn nuôi nấng con cái”.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Hip 7 năm tù và 3 năm quản chế tại địa phương sau khi chấp hành xong án phạt tù. Liên quan đến vụ án, các đối tượng có vai trò giúp sức cho Hip, Cơ quan Công an cũng đã tổ chức răn đe, giáo dục.
Văn Ngọc-Vĩnh Hoàng