Pháp luật

Tin tức

Bản án thích đáng cho những đối tượng gây rối tại thị xã An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 28-5-2010, tại thị xã An Khê, Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội gây rối trật tự công cộng của các đối tượng tham gia gây rối tại thị xã An Khê năm 2009. Hơn 5.000 người dân đã đến để chứng kiến 15 đối tượng đứng trước vành móng ngựa để trả giá cho những hành động sai trái của mình…
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai, vào khoảng 7 giờ ngày 14-9-2009, Phạm Ngọc Đến (xã Xuân An- thị xã An Khê) điều khiển xe mô tô BKS 81F7-2771 chạy trên tỉnh lộ 669 về hướng trung tâm thị xã An khê. Khi đi qua khỏi cầu Suối Gấm thì gặp tổ tuần tra Cảnh sát Giao thông Công an thị xã. Phát hiện Phạm Ngọc Đến không đội mũ bảo hiểm nên tổ tuần tra ra hiệu cho Đến dừng xe, nhưng đối tượng vẫn cố tình bỏ chạy về hướng trung tâm thị xã.
Các đối tượng tại tòa. Ảnh: Lê Anh
Các đối tượng tại tòa. Ảnh: Lê Anh
Khi tổ tuần tra đuổi bám phía sau để ghi nhận đặc điểm, biển kiểm soát xe mô tô do Đến điều khiển để chờ xử lý. Nhưng khi chạy đến Km 06+ 400 tỉnh lộ 667 thuộc địa phận xã An Phú, Đak Pơ thì bị ngã, Đến bỏ xe chạy bộ vào rẫy ớt tới bờ sông Ba. Khi tổ tuần tra phát hiện chạy đến thì không thấy Phạm Ngọc Đến nên tổ tuần tra lập biên bản đem xe về trụ sở Công an thị xã An Khê để xử lý.
Đến 16 giờ cùng ngày, ông Phạm Đình Phước (cha đẻ Đến) nghe tin xe mô tô của Đến vi phạm giao thông bị Công an thị xã An Khê tạm giữ và đêm đó không thấy Đến về nhà nên sáng ngày 15-9-2009, ông Phước báo với Công an huyện Đak Pơ tổ chức tìm kiếm. Khoảng 20 giờ 30 phút, những người tìm kiếm phát hiện xác Phạm Ngọc Đến nổi tại cầu Tư Lương (xã Tân An-huyện Đak Pơ) nên đã báo với chính quyền địa phương.
Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và giao tử thi cho gia đình và chính quyền địa phương mai táng thì một số đối tượng quá khích đã kích động ông Phạm Đình Phước không ký vào biên bản khám nghiệm tử thi và đưa xác Đến về trụ sở Công an thị xã để biểu tình phản đối.
Vào khoảng 9 giờ 30 phút, khi xe ô tô BKS 81L-3070 của Võ Đức Dũng (phường Tây Sơn- thị xã An Khê) chở xác nạn nhân đến gần cổng Trường THCS Đề Thám thì dừng lại. Tại đây, các đối tượng Nguyễn Tấn Hồng, Phạm Đình Phước, Phạm Văn Tiền, Phạm Văn Phê, Phạm Văn Phá và Trần Văn Tiến khiêng xác nạn nhân đi bộ về hướng trụ sở Công an thị xã. Trong lúc khiêng xác nạn nhân, hàng ngàn người dân hiếu kỳ đã tụ tập đi theo, số người này vừa đi vừa hô hào, kích động.
Khi đến ngã tư Bưu điện thị xã bị công an chặn lại, những đối tượng quá khích; Hà Tấn Vũ, Lê Văn Phúc, Phạm Quang Đức, Nguyễn Văn Sửu, Lê Đình Tuấn, Nguyễn Văn Hoàng, Diệp Sanh An và Nguyễn Tấn Hồng đã kích động, dùng gạch đá ném vào lực lượng đang làm nhiệm vụ. Sự việc đã gây ách tắc giao thông và mất trật tự công cộng, đến 12 giờ 30 phút cùng ngày, đám đông mới giải tán và cơ quan chức năng đưa xác Phạm Ngọc Đến về gia đình mai táng.
Tại thời điểm đó, lực lượng chức năng đã bắt 22 đối tượng có những hành động quá khích, sau đó những người thân của gia đình nạn nhân được thả về để lo mai táng. Đến 17 giờ cùng ngày, Nguyễn Tấn Hồng đã cầm đầu kích động một số đối tượng đến nhà ông Phước không cho tổ chức mai táng và kéo về Công an thị xã để đòi thả người bị bắt.
Khi đi, một số đối tượng đã chuẩn bị gạch đá mang theo để chống đối lại lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Khoảng 21 giờ cùng ngày, hàng trăm người dân từ nơi khác đổ về đi theo tỉnh lộ 669 vào trung tâm thị xã. Tại đây, Nguyễn Thanh Điệp, Nguyễn Ngọc Thọ khiêng trống vừa đi vừa đánh để kích động. Đến đoạn cầu mới,  (Phường An Phước- An Khê) gặp Công an chặn lại.
Lúc này, Phạm Ngọc Châu đã cùng một số đối tượng dùng xe mô tô 81K4-2239 chở 3 chuyến đá cho các đối tượng quá khích chống trả lực lượng chức năng. Sau khi không thể qua được chốt chặn của lực lượng chức năng, Trần Duy Linh đã rủ Trương Nhật Nam đi mua 70.000 đồng xăng về đổ vào 10 chai thuỷ tinh và bịt dẻ đầu chai châm lửa ném về phía lực lượng chức năng gây thương tích cho những người làm nhiệm vụ và cháy một số phương tiện. Đến 23 giờ 30 phút, lực lượng chức năng đã giải tán được đám đông, ổn định tình hình. Hậu quả của vụ việc làm 49 người bị thương phải đến cơ sở y tế để cấp cứu và điều trị, 18 xe ô tô bị hư hỏng.
Tại phiên toà đối tượng cầm đầu Nguyễn Tấn Hồng đã cúi đầu nhận tội về những hành vi sai trái của mình. Riêng bị cáo Phan Ngọc Châu vẫn quanh co chối tội. Khi Chủ toạ phiên toà hỏi: Tại sao bị cáo chở đá để các đối tượng chống trả lực lượng công an? Bị cáo trả lời rất ngây thơ: Bị cáo bị ép buộc.
Nhưng lần sau, khi hội thẩm nhân dân hỏi: Vì sao bị cáo lại có những hành động chở đá, có thực sự bị ép buộc không? Thì bị cáo Châu lại trả lời: Những người này xin quá giang. Sau một hồi quanh co, cuối cùng trước những chứng cứ xác đáng không thể chối cãi, bị cáo Châu phải cúi đầu nhận tội.
Điều đáng nói là một số đối tượng trong vụ án này đang trong thời gian thụ án của những vụ việc trước hoặc chưa được xoá án tích nhưng vẫn có những hành động sai trái.
Xét thấy mức độ phạm tội và các đối tượng thần khẩn khai báo. Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt: Đối tượng cầm đầu, Nguyễn Tấn Hồng 5 năm 6 tháng tù giam; Trần Văn Tiến 4 năm tù, Hà Tấn Vũ, Nguyễn Khánh Hưng 36 tháng tù, Lê Văn Phúc, Phạm Quang Đức, Nguyễn Văn Hoàng, Phạm Văn Tâm, Phạm Ngọc Châu, Nguyễn Ngọc Thọ 30 tháng tù; Nguyễn Thanh Diệp,  Nguyễn Văn Sửu 24 tháng tù, Nguyễn Nhật Nam, Lê Đình Tuấn 5 năm 6 tháng tù và Diệp Sanh An 42 Tháng tù. Riêng đối tượng  Đinh Mai Duy và Trần Duy Linh đang bỏ trốn và bị truy nã.
Đây  là bản án nghiêm khắc dành cho các đối tượng có những hành vi xem thường pháp luật và được người dân đồng tình.
Lê Anh

Có thể bạn quan tâm