Kinh tế

Bàn cách phát triển hồ tiêu bền vững trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước tình trạng hồ tiêu bị chết, năng suất thấp và giá cả tụt dốc, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp nông dân sản xuất loại cây trồng này theo hướng bền vững.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai khoảng 16.278 ha. Song đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.547 ha hồ tiêu của 32.278 hộ bị chết. Trong đó, hồ tiêu chết do mưa kéo dài gây thối rễ là 4.535 ha, do già cỗi hơn 56 ha và do sâu bệnh hơn 955 ha.
Sản xuất hồ tiêu bền vững là hướng đi đang được nhiều doanh nghiệp, nông dân lựa chọn. Ảnh: Đức Thụy
Sản xuất hồ tiêu bền vững là hướng đi đang được nhiều doanh nghiệp, nông dân lựa chọn. Ảnh: Đức Thụy
Để giúp nông dân sản xuất hồ tiêu bền vững, vừa qua, UBND tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức Hội thảo tập huấn kỹ thuật canh tác hồ tiêu bền vững thông qua ứng dụng Viet Nam IPC Farmers App cho đại diện một số hộ trồng hồ tiêu các tỉnh: Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Phước. Tại buổi tập huấn, ông Homey Cheriyan-Viện trưởng Viện phát triển cây gia vị Ấn Độ đã chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu bền vững: “Nông dân ở nước tôi thường sản xuất hồ tiêu theo 3 dạng, như: trồng xen trong các vườn tạp, cho leo bám trên các loại cây trong vườn (chiếm 50% tổng diện tích); trồng độc canh trên đất đồi dốc, thung lũng; trồng xen lên hệ thống cây che bóng trong các vườn chè, cà phê. Việc áp dụng mô hình trồng xen sẽ giúp người sản xuất nông nghiệp có nguồn thu ổn định. Bởi nếu cây trồng này xuống giá sẽ có cây khác bù vào. Ngoài ra, qua nghiên cứu, các loại bệnh trên cây hồ tiêu thường xuất hiện và lây qua cây giống. Do đó, ở nước chúng tôi, khâu quản lý nguồn giống rất chặt chẽ và khi đưa đến người nông dân tuyệt đối phải sạch bệnh”.
Ông Homey Cheriyan cho biết thêm, tại Ấn Độ, các trường đại học và công ty tư nhân đều được khuyến khích nghiên cứu để tạo ra các giống hồ tiêu có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh hại. Sau khi nghiên cứu xong, nguồn giống mới sẽ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định rồi mới đưa vào sản xuất. Điều quan trọng nhất là người dân Ấn Độ sử dụng giống hồ tiêu sạch bệnh, năng suất cao, kháng sâu bệnh, thích nghi với điều kiện khí hậu từng vùng, xử lý kỹ đất, trồng xen canh và sản xuất theo hướng hữu cơ.
Sản xuất hồ tiêu bền vững là hướng đi đang được nhiều doanh nghiệp, nông dân lựa chọn.Ảnh: Đ.T
Sản xuất hồ tiêu bền vững là hướng đi đang được nhiều doanh nghiệp, nông dân lựa chọn. Ảnh: Đ.T
Cũng tại hội thảo, người trồng hồ tiêu còn được giới thiệu, hướng dẫn khai thác thông tin và sử dụng ứng dụng Viet Nam IPC Farmers App. Ông Nguyễn Viết Khoa-Trưởng phòng Đào tạo (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết: “Ứng dụng này sau khi tải về và cài đặt trên điện thoại giúp nông dân nhận biết dấu hiệu bệnh của cây, thông tin giá cả thị trường, thời tiết, nhật ký nông hộ, lịch thời vụ, quy trình canh tác. Nông dân cũng có thể trao đổi thông tin với chuyên gia về những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong sản xuất bằng cách miêu tả và gửi hình ảnh về những vấn đề mà họ đang đối mặt. Các chuyên gia sẽ giải đáp trực tiếp đến điện thoại di động của nông dân. Ngoài ra, nhờ tính năng thông báo và cảnh báo, nông dân sẽ biết về điều kiện khí hậu bất lợi có thể xảy ra, được nhắc về một hoạt động quan trọng cần thực hiện…”.   
Tham gia buổi tập huấn, ông Võ Văn Lâm (thôn Hòa Tín, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) cho hay: “Gia đình tôi có hơn 2 ha hồ tiêu, hiện tại tỷ lệ chết hơn 30%. Qua những kinh nghiệm được truyền đạt từ các chuyên gia, sắp tới, tôi sẽ chuyển những diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả. Đối với diện tích hồ tiêu đang phát triển, tôi sẽ áp dụng phương pháp tủ gốc, trồng cây che bóng để giữ ẩm cho cây và sản xuất theo hướng hữu cơ”. Còn ông Nguyễn Thanh Hiền (thôn Hòa Hiệp, thị trấn Nhơn Hòa) hy vọng rằng, những kinh nghiệm của các chuyên gia cộng với ứng dụng Viet Nam IPC Farmers App sẽ giúp nông dân tiếp tục gắn bó với cây hồ tiêu.   
Trao đổi với P.V về định hướng phát triển cây hồ tiêu của tỉnh, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Để phát triển hồ tiêu bền vững, trước hết người dân phải quan tâm đến đầu vào khi sản xuất, đó là sử dụng nguồn giống sạch bệnh, xử lý đất hiệu quả để tránh nguồn lây bệnh. Tiếp đó phải hạn chế sử dụng phân bón vô cơ mà chuyển qua sử dụng phân bón hữu cơ. Trong phân bón hữu cơ cũng phải được xử lý đảm bảo tránh tồn dư nguồn gây bệnh. Đối với những diện tích hồ tiêu bị chết hiện nay của người dân, tuyệt đối không tiến hành tái canh mà nên chuyển qua các loại cây trồng khác như cây ăn quả, kết hợp trồng cây ngắn ngày và dài ngày để tạo thu nhập. Người dân cũng nên sản xuất có chứng nhận theo hướng VietGAP, GlobalGAP, Organic... Ngoài ra, việc liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, có tem truy xuất nguồn gốc… giúp đầu ra ổn định, đảm bảo phát triển bền vững. Đối với những vườn hồ tiêu còn sống nhưng trên những chân đất không phù hợp phải tổ chức đánh giá lại và dần chuyển đổi sang cây trồng phù hợp hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm