Bánh chưng là một món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán của người Việt, giàu chất dinh dưỡng đồng thời là vị thuốc quý tăng cường sức khỏe phòng trị bệnh hiệu quả. Nhân dịp đón xuân, chúng ta cùng nhìn từ góc độ dinh dưỡng xem bánh chứng có tác dụng gì nhé!
Bánh chưng là món ăn giàu giá trị dinh dưỡng, nếu ăn bánh chưng một cách hợp lý sẽ rất có lợi cho sức khỏe. Đồ họa: Công Phạm |
Theo ThS.BS Trịnh Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, về hàm lượng các chất dinh dưỡng, trong 100 gam bánh chưng sẽ cung cấp năng lượng là 181kcal; 4,3 gam chất đạm; 4,2 gam chất béo; 31,6 gam chất bột đường; 0,6 gam chất xơ; 26 gam can xi; 0,94 gam sắt; 1,4 gam kẽm. Một miếng bánh chưng cỡ vừa có trọng lượng khoảng 114 gam. Vì vậy, bánh chưng khiến nhiều người ăn có cảm giác no lâu.
Công dụng của từng nguyên liệu có trong bánh chưng
Gạo nếp đông y gọi "ngạnh mễ": Vitamin E và dưỡng chất trong cám gạo nếp được đông y tận dụng chữa tê phù và chứng nghẹn, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho da. Gạo nếp còn có tính ấm, vị ngọt, dễ tiêu hóa, giúp làm ấm bụng. Ngoài ra chúng còn được dùng chữa các bệnh tiêu chảy, tiểu đường, buồn nôn, rối loạn bài tiết…
Thịt lợn còn gọi “trư nhục”: Là nguồn cung cấp chất đạm (protein) không thể thiếu cho mọi lứa tuổi. Thịt heo có vị ngọt, mặn; tính bình; quy kinh tỳ, vị; có công dụng tư âm nhuận táo. Trị các chứng bệnh nhiệt bệnh thương tân, tiêu khát, táo bón, mụn nhọt.
Mỡ lợn còn gọi “trư chỉ”: Lượng vitamin D trong mỡ lợn có tác dụng giúp cải thiện chức năng tim mạch, duy trì sức khỏe của phổi và hô hấp, tăng cường chức năng cơ bắp và giúp cơ thể phòng chống nhiễm trùng. Mỡ lợn chứa khoảng 40% chất béo bão hòa, khoảng 50% chất béo không bão hòa đơn và khoảng 10% chất béo không bão hòa đa.
Đậu xanh còn gọi “lục đậu”: Theo Đông y, đậu xanh có vị ngọt, hơi tanh, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phiền nhiệt, điều hòa ngũ tạng, giảm đau sưng. Đậu xanh thường được sử dụng dưới dạng nấu cháo ăn hoặc nấu nước uống khi bị cảm sốt vào mùa hè, trúng nắng, tiêu khát (khát nước uống nhiều, phụ nữ mang thai bị ốm nghén, nôn mửa…
Hành còn gọi “thông bạch”: vị cay, tính ấm, không độc. Công dụng lợi tiểu và làm sạch máu: Hành có tác dụng giữ nước để tránh sỏi tiết niệu, viêm khớp và bệnh gút. Vị hăng của hành làm tăng lưu thông máu và sự tiết mồ hôi. Đặc biệt trong thời tiết lạnh, hành có tác dụng tránh nhiễm trùng, giảm sốt và đổ mồ hôi ra cảm lạnh và cúm rất tốt
Hạt tiêu còn gọi “hồ tiêu”: Vị cay ấm. Hạt tiêu có tác dụng trừ đờm, hạ khí, giảm đau, kháng khuẩn, trừ hàn. Dược liệu được chủ trị trong các chứng bệnh sau: Động kinh, tiêu chảy, tay chân lạnh, đau bụng, buồn nôn, nôn ói, ho, quai bị, đau dạ dày và nhiều căn bệnh khác.
Muối: tác dụng tả hỏa, thanh tâm, lương huyết, nhuận táo, dẫn thuốc khác vào kinh thận. Muối natri cân bằng nước và điện giải điều hòa âm dương trong cơ thể... Khi thiếu muối, cơ bắp dễ bị chuột rút, hoa mắt, chóng mặt...
Lá dong: Người ta thường lấy lá dong làm bánh chưng, bánh ú, bánh giò, bánh tét, bánh nếp, bánh tẻ, song còn được trong dân gian sử dụng làm thuốc.
Đông y cho rằng thuốc có vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chỉ huyết, lợi niệu. Vì vậy mà người ta đã sử dụng rễ và lá để làm thuốc. Rễ dùng chữa sưng gan; lỵ; tiểu tiện đỏ đau. Lá dùng chữa xoang miệng bị lở loét; suy nhược. Dân gian dùng lá giã ra lấy nước uống trị say rượu.
CÔNG PHẠM (LĐO)
https://laodong.vn/suc-khoe/ban-co-biet-banh-chung-vua-la-mon-an-ngon-vua-la-vi-thuoc-quy-877622.ldo