Chính trị

Ban công tác Mặt trận khu dân cư phát huy hiệu quả tuyên truyền, vận động

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) có 109 ban công tác Mặt trận khu dân cư. Các ban công tác Mặt trận cơ sở được ví như “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động.

Sau nửa tháng thi công, tuyến đường bê tông dài 983 m ở thôn 1 (xã Nghĩa Hưng) đã hoàn thành trong sự vui mừng của đông đảo người dân. Ông Đặng Văn Quang-Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 1-cho hay: Thôn 1 có gần 350 hộ dân với hơn 1.600 khẩu. Từ năm 2009, thôn đã vận động người dân đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, các tuyến đường trong thôn cơ bản đã được bê tông hóa, nhựa hóa. Mỗi khi có kế hoạch làm đường, Ban Công tác Mặt trận thôn đều triển khai họp dân, nói rõ chủ trương; giải thích, vận động người dân tham gia ngày công lao động, đóng góp kinh phí và chủ động di dời hàng rào, vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công. “Một số đoạn đường chưa có hộ dân sinh sống, nếu đóng góp kinh phí theo diện tích sử dụng đất hoặc theo đầu hộ sẽ khó để triển khai thi công. Do đó, các hộ thống nhất thu tiền làm đường theo nhân khẩu để mọi người cùng cộng đồng trách nhiệm”-ông Quang thông tin.

Tuyến đường dài 983 m được làm theo hình thức Nhà nước hỗ trợ 75% kinh phí, người dân đóng góp 25%. Qua công tác tuyên truyền, vận động, các hộ nhất trí dự toán kinh phí trên 211 triệu đồng. Ông Vũ Cường Trung (thôn 1) phấn khởi nói: “Tuyến đường này trước đây chỉ rộng 3 m. Đường đất lại hơi dốc nên mùa mưa dễ trơn trượt, người dân đi lại rất khó khăn. Vì vậy, khi Ban Công tác Mặt trận thông tin về chủ trương làm đường, vận động đóng góp, ai nấy đều nhất trí. Gia đình tôi có 4 khẩu, mỗi khẩu đóng 330 ngàn đồng”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nghĩa Hưng (bên trái) trao đổi với Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Nhing (ở giữa) và Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 1. Ảnh: Anh Huy

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nghĩa Hưng (bên trái) trao đổi với Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Nhing (ở giữa) và Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 1. Ảnh: Anh Huy

Tương tự, gần 10 thành viên Ban Công tác Mặt trận làng Nhing (xã Nghĩa Hưng) cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông Siu Ayưn-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng-cho hay: Các thành viên Ban Công tác Mặt trận thường họp triển khai công việc vào đầu tháng. Sau đó, phân công nhiệm vụ theo tổ (2-3 thành viên/tổ) phụ trách tuyên truyền, vận động hộ dân theo trục đường. “80% dân số trong làng là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, do đó mỗi khi vận động đóng góp các quỹ, nhất là Quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa” mất nhiều thời gian. Có trường hợp phải đến tận nơi gặp gỡ, giải thích để họ hiểu mục đích, ý nghĩa rồi mới tham gia. Cũng với cách này, Ban Công tác Mặt trận làng đã giúp nhiều hộ dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, đời sống. Đến nay, làng chỉ còn 3 hộ nghèo”-ông Ayưn nói.

Tại làng Kon Sơ Lăng (xã Hà Tây), vai trò của Ban Công tác Mặt trận phát huy khá hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào theo tôn giáo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của địa phương. Bà Xai-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng-cho hay: Hàng tháng, Ban Công tác Mặt trận đều tham mưu cấp ủy chi bộ về những giải pháp nhằm cụ thể hóa tiêu chí của các phong trào thi đua, cuộc vận động. Sau khi chi bộ ra nghị quyết, Ban phối hợp cùng Ban Nhân dân, các chi hội đoàn thể, già làng, người uy tín tuyên truyền, vận động thực hiện. Trong đó, tập trung vào phát triển sản xuất, chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh môi trường... “100% hộ dân trong làng tự nguyện đăng ký thực hiện tốt hương ước và cam kết đảm bảo an toàn giao thông. Từ năm 2017 đến nay, các hộ dân tự nguyện đóng góp hơn 120 triệu đồng, trên 100 ngày công, hiến trên 2.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Các tập tục lạc hậu đã bị loại ra khỏi cuộc sống cộng đồng, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết”-bà Xai cho biết.

Tuyến đường 983 m được hoàn thành trước sự vui mừng của đông đảo người dân. Ảnh: Anh Huy

Tuyến đường 983 m được hoàn thành trước sự vui mừng của đông đảo người dân. Ảnh: Anh Huy

Theo ông Võ Xuân Bảo-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, ban công tác Mặt trận khu dân cư có vai trò rất quan trọng vì đây là lực lượng trực tiếp gần dân, sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Tùy theo địa bàn dân cư, mỗi ban công tác Mặt trận có từ 8 đến 12 thành viên và thường xuyên được củng cố, kiện toàn nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Thời gian qua, các ban công tác Mặt trận đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ phối hợp và thống nhất hành động với chi bộ, ban nhân dân thôn trong công tác tuyên truyền, vận động và tham gia giám sát, thực hiện quy chế dân chủ cũng như các hoạt động tự quản trong cộng đồng. “Qua đó đã góp phần tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành chủ trương, đường lối, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc”-ông Bảo nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cho biết thêm: Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác Mặt trận trong tình hình mới, hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp tổ chức 1-2 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Bám sát kế hoạch “Ngày cơ sở”, cán bộ Mặt trận huyện trực tiếp xuống làng, xã gặp gỡ, động viên, giải đáp những khó khăn, vướng mắc hỗ trợ cán bộ cơ sở triển khai có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động.

Có thể bạn quan tâm