Chính trị

Tin tức

Ban Dân vận Trung ương làm việc với tỉnh Gia Lai về việc thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 3-12, tại Trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.  
Tham gia đoàn công tác còn có các đồng chí: Nguyễn Thị Xuân Thu-Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Triệu Văn Cường-Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Làm việc với đoàn, về phía tỉnh có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh và một số sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh. 
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phương Linh
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phương Linh
Tại buổi làm việc, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng đã trình bày tóm tắt báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của tỉnh. Theo đó, thời gian qua, công tác tổ chức và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ tỉnh không ngừng phát triển; tổ chức Hội các cấp được kiện toàn, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao, đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 250 Hội cơ sở, 2.331 chi hội với hơn 50.000 hội viên.
Hội Chữ thập đỏ các cấp ngày càng khẳng định tính nhân văn, chuyên nghiệp và vai trò cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Trong 10 năm qua, tổng giá trị nhân đạo trên địa bàn tỉnh đạt hơn 309 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 1 triệu lượt người. Nhiều mô hình nhân đạo sáng tạo được nhân rộng. Hoạt động của Hội ngày càng hiệu quả, bám sát cơ sở, gắn bó với nhu cầu, lợi ích của đối tượng, thu hút ngày càng đông các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và tầng lớp nhân dân tham gia. 
3-12 Đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của Ban Dân vận Trung ương -ảnh Phương Linh
Đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Linh
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn nêu rõ: Qua tổng kết 10 năm thực hiện, có thể khẳng định rằng, Chỉ thị 43-CT/TW có giá trị rất lớn trong thực tiễn. Chỉ thị xác định 2 chủ thể rất quan trọng, đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của Hội Chữ Thập đỏ, Ban Dân vận các cấp trong việc tham mưu cho cấp ủy. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề xuất Trung ương quan tâm giải quyết một số khó khăn, vướng mắc về chế độ chính sách, biên chế bộ máy, cơ chế lãnh đạo... trong hoạt động của Hội Chữ thập đỏ ở các địa phương.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương nêu vấn đề tại buổi làm việc-ảnh Phương Linh.jpg
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Linh
Sau khi lắng nghe các ý kiến của thành viên trong đoàn công tác cũng như một số phản hồi từ Hội Chữ thập đỏ, các ngành, địa phương trong tỉnh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà tỉnh Gia Lai đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư.
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị tỉnh tiếp tục vận dụng những chủ trương của Chính phủ, Bộ Nội vụ vào điều kiện thực tiễn ở địa phương, có những quan tâm thiết thực, cụ thể hơn đối với bộ máy cán bộ Hội Chữ thập đỏ cơ sở; tiếp tục quan tâm hơn về chính sách để tạo động lực cũng như chính sách điều chuyển cán bộ về Hội làm việc hiệu quả hơn. Các cấp ủy Đảng phải xác định nhiệm vụ công tác nhân đạo trong chương trình kế hoạch hàng năm.
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Hoạt động nhân đạo không chỉ riêng Hội Chữ thập đỏ mà phải có cơ chế phối hợp với sự tham gia của cả khối Mặt trận, đoàn thể và nhân dân; phải xây dựng chuẩn mực về văn hóa từ thiện, sớm ban hành những quy định quản lý Nhà nước về hoạt động nhân đạo chung; khơi thông mọi nguồn lực nhân đạo trong dân để thực hiện công tác nhân đạo một cách tốt nhất.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm