Mới đây, nghệ sĩ Hồng Vân ở trang cá nhân của mình đã thành thật xin lỗi khán giả vì đã quảng cáo sản phẩm sai sự thật.
Theo quảng cáo, nghệ sĩ Hồng Vân khuyên công chúng sử dụng viên sủi trị u xơ tử cung và cố chứng minh sản phẩm này có tác dụng thực tế bằng kết luận y khoa ngụy tạo. Thực tế đây chỉ là thực phẩm chức năng và hoàn toàn không có tác dụng điều trị như thuốc. Mà dù có là thuốc thì ngoài các hội đồng y khoa cũng không ai dám khẳng định hiệu quả chữa trị chắc chắn như thế, huống gì một nghệ sĩ.
Tiếc thay, những trường hợp người nổi tiếng thổi phồng tác dụng của những loại sản phẩm chưa được kiểm tra chất lượng như thế này ngày càng nhiều. Họ cũng bất chấp khuyến cáo của cơ quan y tế và hậu quả đối với người hâm mộ vì tin yêu họ mà sử dụng sản phẩm quảng cáo ấy. Đây quả là sự lạm dụng công chúng cả về mặt tài chính lẫn sức khỏe.
Người nổi tiếng thì dễ thu hút công chúng nên họ tham gia quảng cáo mưu sinh cũng là việc bình thường. Vấn đề là việc quảng cáo phải đúng luật và sản phẩm được quảng cáo phải tuân thủ chặt chẽ quy định của các cơ quan chuyên ngành về nguồn gốc, chất lượng và quyền lưu hành. Thực tế có không ít người nổi tiếng là hoa khôi, nghệ sĩ... lợi dụng ưu thế bản thân để quảng cáo cho những sản phẩm trôi nổi.
Cách đây chưa lâu, Báo Người Lao Động đã có loạt bài điều tra về thế giới kem trộn dưỡng da bát nháo và đầy nguy hiểm với người dùng, do nhiều nghệ sĩ có tiếng quảng bá. Khi đưa các loại kem trộn này đến các cơ quan y tế chuyên ngành phân tích, phóng viên nhận được kết quả rất đáng sợ: sử dụng lâu ngày có thể gây tác hại nặng nề trên da, ngộ độc hóa chất, bỏng rộp và nhiều trường hợp sẽ phải cấp cứu.
Từ sự thừa nhận trên, chúng ta cũng dễ nhận ra tình trạng bát nháo trong lĩnh vực này với sự tham gia của không ít người nổi tiếng.
Không khó để thấy những kiểu quảng cáo như thế này nhan nhản trên mạng xã hội và cả một số kênh truyền hình, từ nước hoa không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm dỏm cho đến các loại thực phẩm chức năng trôi nổi mà không ai biết tác dụng ra sao. Lợi nhuận chảy vào túi người sản xuất và tất nhiên là cả người quảng cáo, còn hậu quả thì chắc chắn rơi vào người dùng.
Trước thực trạng này, ngày 20-5, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đề nghị các hội văn học nghệ thuật chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, vi phạm pháp luật. Kế tiếp, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đề nghị UBND các địa phương kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Tạo được danh tiếng vô cùng khó, giữ được tên tuổi trong lòng công chúng lại càng khó hơn. Hơn ai hết, chính người nổi tiếng phải trân trọng sự ái mộ của công chúng với mình. Sự ái mộ này không phải vô điều kiện. Nếu không được người trong cuộc gìn giữ, ngày càng làm cho đẹp đẽ hơn thì nguy cơ bị công chúng quay lưng là điều khó tránh. Dân gian có câu cảnh báo: Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng...
Theo HIẾU NGHI (NLĐO)