Kinh tế

Doanh nghiệp

Bán hàng đa cấp không phải là hình thức đầu tư tìm kiếm lợi nhuận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Gia Lai Đào Thị Thu Nguyệt, bán hàng theo phương thức đa cấp thực chất là hình thức bán hàng, không phải là loại hình đầu tư tìm kiếm lợi nhuận như một số đối tượng lợi dụng để biến thành công cụ lừa đảo.
Ngành bán hàng đa cấp tăng trưởng mạnh
Bán hàng đa cấp là loại hình kinh doanh được hình thành và phát triển từ lâu trên thế giới, thâm nhập vào Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Theo đó, kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh. Khi kinh doanh theo phương thức này, người tiêu dùng vừa là người sử dụng, vừa có thể trở thành nhà phân phối. Nhà phân phối hàng hóa thông qua các mối quan hệ của chính mình đảm bảo sản phẩm đến tay người sử dụng là hàng chính hãng, giá tốt nhất, tránh rủi ro phát sinh trong quá trình phân phối. Khoản hoa hồng, lợi nhuận nhà phân phối nhận được phụ thuộc vào mạng lưới do chính họ xây dựng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đăng ký hoạt động với các ngành hàng kinh doanh chủ yếu như: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng tiêu dùng… Ông Nguyễn Phương Sơn-Giám đốc Đối ngoại Amway Việt Nam-cho hay: “Thời gian qua, các hoạt động của Amway tại thị trường Việt Nam rất tốt. Amway hiện có các mặt hàng gồm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc cá nhân. Tuy Gia Lai chỉ với vài trăm nhà phân phối, nhưng từ đầu năm đến nay đã có sự tăng trưởng doanh số đến 63%. Đối với lĩnh vực đa cấp, thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ trong việc truyền thông nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và giúp người dân hiểu hơn về ngành bán hàng đa cấp có quy mô lớn đang hoạt động tại Việt Nam”.
Việc tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật giúp các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính hoạt động theo đúng quy định. Ảnh: Vũ Thảo
Việc tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật giúp các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính hoạt động theo đúng quy định. Ảnh: Vũ Thảo
Theo ông Phạm Văn Cao-Phụ trách Phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương), diễn biến của dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp cũng như quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực, trong đó có bán hàng đa cấp. Trước tác động của dịch bệnh, các doanh nghiệp không thể triển khai hoạt động hội nghị, hội thảo, các sự kiện tập trung đông người. Vì vậy, hoạt động thanh-kiểm tra định kỳ cũng không thể triển khai. Trong 2 năm qua, số lượng doanh nghiệp đa cấp vẫn giữ ổn định hoạt động, không có doanh nghiệp nào giải thể, phá sản. Hiện cả nước có 22 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, doanh thu liên tục tăng trưởng với tỷ lệ khá cao. Năm 2020, doanh thu ngành bán hàng đa cấp đạt hơn 15.438 tỷ đồng (tăng 22,8% so với năm 2019); năm 2021, doanh thu đạt hơn 19.000 tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2020). Năm 2020, số thuế nộp hơn 1.800 tỷ đồng (gấp 2,5 lần so với năm 2017); năm 2021, con số này là 2.819 tỷ đồng (tăng hơn 35% so với năm 2020).
Nâng cao kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp
Dưới góc độ cơ quan quản lý, bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Bán hàng theo phương thức đa cấp giúp nhà sản xuất tiết kiệm rất nhiều chi phí từ việc quảng cáo, khuyến mại, kho bãi, vận chuyển hàng hóa đến nhân công... mà vẫn đảm bảo hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng, bán hàng theo phương thức đa cấp thực chất là hình thức bán hàng, không phải là loại hình đầu tư tìm kiếm lợi nhuận như một số đối tượng lợi dụng để biến thành công cụ lừa đảo, từ đó gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp như giai đoạn trước thời điểm Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12-3-2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực (Nghị định có hiệu lực từ ngày 2-5-2018). Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công, với vai trò quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Sở Công thương đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
“Mới đây, Sở Công thương phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật thương mại tổ chức hội nghị đào tạo, tập huấn, phổ biến pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm cung cấp cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp nội dung của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP; tuyên truyền, phổ biến và nâng cao kiến thức hiểu biết tuân thủ pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; đồng thời, cung cấp thông tin các hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp; các mô hình trả thưởng trong kinh doanh đa cấp; những sản phẩm được phép áp dụng kinh doanh đa cấp; nhận diện, cảnh báo các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng”-bà Nguyệt thông tin.
Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn. Ảnh: Vũ Thảo
Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn. Ảnh: Vũ Thảo
Còn Giám đốc Đối ngoại Amway Việt Nam thì cho rằng, việc ngành chức năng thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo sẽ giúp cho các cơ quan quản lý, người tiêu dùng và doanh nghiệp hiểu rõ và tuân thủ hoạt động dựa trên các quy định của pháp luật. “Amway luôn duy trì các hoạt động đào tạo, hướng dẫn nhà phân phối tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật. Chúng tôi hiểu rằng, việc tuân thủ quy định của pháp luật cũng như hiểu rõ mô hình kinh doanh sẽ giúp cho người tiêu dùng tham gia vào hoạt động này, từ đó việc kinh doanh sẽ thuận lợi và phát triển hơn”-ông Sơn nói.
Để hòa nhập với thế giới và tình hình thực tế tại Việt Nam, hành lang pháp lý về bán hàng đa cấp cần được hoàn thiện. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Cao, bên cạnh hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh chính thống, hoạt động của các đối tượng lợi dụng kinh doanh đa cấp để trục lợi bất chính cũng diễn biến phức tạp. Các cơ quan quản lý đã liên tục đưa ra cảnh báo để người dân nắm bắt thông tin và tránh tham gia vào các hệ thống đa cấp bất hợp pháp nhằm kịp thời ngăn ngừa những rủi ro không đáng có. Dù vậy, với tính chất là hoạt động ngoài vòng pháp luật, đa cấp bất chính vẫn tồn tại và gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý. “Thời gian qua, cơ quan quản lý đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều có trang thông tin điện tử để chia sẻ, kết nối, công khai, minh bạch thông tin. Bộ Công thương cũng đã tích cực triển khai công tác soạn thảo, xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP với những quy định mới quản lý hiệu quả hơn nữa đối với hoạt động này”-ông Cao cho biết thêm.
VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm